Tháo gỡ khó khăn trong công tác xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia

(06/04/2018)

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Dự trữ Nhà nước, ông Phan Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ bảo quản, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết: “Trong những năm qua, Bộ Tài chính và các bộ ngành đã tích cực phối hợp để triển khai xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG. Theo đó, nhiều sản phẩm hàng hóa đưa vào DTQG đã được các Bộ chủ động xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia làm cơ sở cho công tác quản lý chất lượng. Tuy nhiên, do danh mục hàng hóa đưa vào DTQG còn dàn trải, công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa gắn với kế hoạch DTQG nên còn bị động và chưa phù hợp yêu cầu quản lý. Vì vậy, việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG vô cùng cấp thiết”.

 

Ông Lê Xuân Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

phát biểu tại buổi họp với các bộ, ngành về xây dựng, định mức KTKT hàng DTQG

 

Nhiều quy định chưa đồng bộ

Theo quy định tại Luật DTQG, hàng DTQG phải được bảo quản theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG (khoản 1 Điều 51) và Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG (khoản 4 Điều 14).

Thực hiện theo quy định, Tổng cục DTNN đã chủ động phối hợp với các Bộ triển khai xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành được 07 thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do các Bộ ngành quản lý (Bộ Quốc phòng: 4 thông tư về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với 04 mặt hàng thuộc nhóm hàng vật tư phục vụ quốc phòng; Bộ NN&PTNT: 01 thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nhóm hàng thuốc thú ý gồm 7 mặt hàng; Bộ Công thương: 2 thông tư  quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thuốc nổ TNT và thuốc nổ TEN), mặc dù vậy, đến nay kết quả xây dựng Quy chuẩn vẫn còn hạn chế.

 

Ông Phan Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ bảo quản – Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Chia sẻ về quá trình triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG do Bộ ngành quản lý, ông Phan Anh Tuấn cho biết: “Theo Luật DTQG, nhà nước quy định 12 nhóm mặt hàng đưa vào DTQG, việc cụ thể hóa các sản phẩm đưa vào dự trữ giao cho Chính phủ. Tuy nhiên theo quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP chưa quy định cụ thể đối với từng mặt hàng mà quy định theo nhóm hàng; có nhóm đã quy định mặt hàng cụ thể nhưng cũng có nhóm chưa cụ thể hóa (đặc biệt là các mặt hàng do các Bộ Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý).

Ngoài ra tại khoản 2 Điều 3 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định: “Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội phải tuân thủ để đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, quyền lợi của người tiêu dùng và các yêu cầu thiết yếu khác”; theo đó nội dung quy chuẩn gồm 02 phần chính: quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý.

Liên quan đến quy định này ông Phan Anh Tuấn cho biết, trình tự thủ tục thẩm tra Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG thực hiện Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013, Tổng cục DTNN thực hiện thẩm tra 02 nội dung cơ bản: nội dung kỹ thuật và nội dung quản lý.

Trong thực tiễn đối với nội dung kỹ thuật đối với hàng DTQG do các Bộ quản lý có các yêu cầu kỹ thuật chuyên ngành, một số Bộ yêu cầu tính bảo mật, Tổng cục DTNN chưa có cán bộ chuyên sâu theo các nhóm hàng do các Bộ quản lý nên khó khăn trong quá trình thẩm tra…

Thống nhất quy chuẩn cho Hàng dự trữ quốc gia

Xuất phát từ thực trạng trên nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng, ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG do các Bộ quản lý hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến của các Bộ ngành về công tác xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG. Theo đó thống nhất nguyên tắc đối tượng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cụ thể, đối tượng xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG phải thuộc danh mục hàng DTQG được quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP của Chính phủ. Căn cứ danh mục hàng hóa được quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP các Bộ thực hiện phân chia thành nhóm các sản phẩm hàng hóa bao gồm các hàng hóa, sản phẩm có đặc tính kỹ thuật hoặc yêu cầu bảo quản tương đồng.

Trường hợp mặt hàng có tính đặc thù riêng biệt, không thể xây dựng theo nhóm thì phải làm rõ trước khi triển khai xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG. Đối với các mặt hàng DTQG đã được quy định chi tiết tên sản phẩm hàng hóa tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP thì xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia riêng cho từng mặt hàng đó.

Cũng theo ông Phan Anh Tuấn, nội dung của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG thực hiện theo quy định của pháp luật. Trong đó các Bộ chịu trách nhiệm pháp lý về yêu cầu kỹ thuật đối với hàng DTQG. Trường hợp, hàng DTQG đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia do Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành ban hành thì Bộ quản lý hàng DTQG sử dụng và viện dẫn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia; đồng thời việc thực hiện hợp quy cũng phải thực hiện theo quy định của Bộ quản lý nhà nước chuyên ngành. 

“Còn với trường hợp chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia thì Bộ quản lý hàng DTQG xây dựng và ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật; sau khi ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật thì xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng DTQG”, ông Phan Anh Tuấn  nhấn mạnh.

 

         

 

Đoàn Quang Hưng – Nguyễn Hồng Sâm 



Các tin đã đưa ngày: