Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn, năm 2018 có khả năng số lượng bão, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam sẽ tương đương hoặc nhiều hơn trung bình nhiều năm, thậm chí có khả năng vượt con số kỷ lục năm 2017 với 16 cơn bão và 4 ATNĐ.
Để đảm bảo đối phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết có thể gây thiệt hại cho hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã lên kế hoạch phòng bị, kết hợp với chính quyền địa phương tại các khu vực có kho hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng DTQG, sẵn sàng cung cấp đầy đủ, kịp thời nhu cầu khi có yêu cầu huy động.
Xung quanh vấn đề này, Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của ngành.
Phóng viên (PV): Thưa ông, Việt Nam chuẩn bị bước vào mưa bão 2018 với những dự báo về diễn biến bất thường, tiêu cực của tình hình thời tiết, Tổng cục DTNN đã có những phương án gì để đối phó nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng DTQG?
Ông Lê Văn Thời: Để tổ chức tốt công tác phòng chống lụt bão có hiệu quả, ngay từ đầu năm 2018 Tổng cục DTNN đã quán triệt và chỉ đạo các Cục DTNN xây dựng phương án, kế hoạch bảo đảm sẵn sàng về mọi mặt (người, tài sản, kho và hàng hóa dự trữ quốc gia) để chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác phòng chống lụt bão.
Cụ thể, Tổng cục DTNN đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực; tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; xây dựng phương án phòng, chống bão, lụt cụ thể cho đơn vị mình. Trong đó, chú trọng đến công tác phân công trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc, chỉ đạo từng điểm kho, tập trung chằng chống kho tàng, nhà cửa, tổ chức che chắn, không để kho bị dột làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng trong kho.
Đồng thời chỉ đạo các Cục DTNN khu vực (nhất là đối với các địa phương thường xuyên xảy ra mưa bão) theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão để chủ động tổ chức trực ban 24/24 giờ, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để giải quyết, xử lý khi có tình huốn thiên tai; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, dụng cụ, nhu yếu phẩm cứu hộ, cứu nạn khi có quyết định xuất cấp của cấp có thẩm quyền.
Mặt khác, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng cục DTNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, ngành khí tượng thủy văn và các kênh thông tin truyền thông đại chúng để cập nhật, nắm bắt dự báo về tình hình thời tiết, khí hậu... để có phương án bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch, phương án hoặc chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động ứng phó với tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu bảo đảm nguyên tắc: chủ động phòng ngừa, ứng cứu kịp thời, tránh tư tưởng chủ quan, bất cẩn, coi thường để xảy ra hậu quả đáng tiếc trong trường hợp có tình huống xảy ra.
Lãnh đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia
tại một số điểm kho do Bộ Quốc phòng quản lý
PV: Thưa ông, để làm tốt công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối hàng DTQG, thì việc nghiên cứu kinh nghiệm đảm bảo an toàn hàng DTQG trong các năm vừa qua luôn được Tổng cục chú trọng. Xin ông cho biết một vài kinh nghiệm rút ra sau mỗi mùa mưa lũ?.
Ông Lê Văn Thời: Để đối phó với những diễn biến bất thường, đa dạng của thời tiết, điều quan trọng là cần linh hoạt, tùy vào điều kiện tự nhiên, khí hậu tại các khu vực mà có giải pháp phù hợp và chuẩn bị nhân lực cũng như phương tiện vận tải tại chỗ…để đảm bảo an toàn tuyệt đối cả về số lượng và chất lượng.
Do vậy nhiều mùa mưa lũ, mặc dù mưa xảy ra với lượng lớn và trên diện rộng như thế nhưng hệ thống kho của các Cục DTNN khu vực vẫn được đảm bảo an toàn chưa để xảy ra tình trạng mất mát, hư hỏng cho hàng DTQG và luôn sẵn sàng tham gia cứu trợ khi xảy ra tình trạng khẩn cấp tại khu vực.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai (trực tiếp, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sổ tay, tờ rơi…) cho cộng đồng dân cư để người dân luôn tự ý thức chủ động phòng, chống ứng phó đạt hiệu quả, kịp thời ngay khi có cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng.
Đồng thời phải xây dựng ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các quy định liên quan đến công tác phòng chống lụt bão, hậu quả của thiên tai gây nên cho cán bộ công chức, người lao động trong cơ quan đơn vị để mọi người hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người và trách nhiệm đối với chính mình và đối với cơ quan đơn vị.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết rõ hơn về chỉ đạo của Tổng cục DTNN đến các Cục DTNN địa phương trong quá trình thực hiện phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy trước mùa mưa bão 2018?
Ông Lê Văn Thời: Năm 2018, toàn ngành DTNN quyết tâm thực hiện tốt việc đảm bảo an toàn hàng DTQG và xuất cấp kịp thời khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền. Ngày 16/3/2018, Tổng cục DTNN đã có công văn hỏa tốc số 288/TCDT-QLHDT gửi các Cục DTNN tại các địa phương, yêu cầu các cục DTNN khu vực phải nghiêm túc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung về công tác phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy hàng năm mà Tổng cục DTNN đã chỉ đạo.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy và chính quyền địa phương xây dựng phương án phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy tại địa bàn nơi có trụ sở, kho tàng DTQG được giao quản lý để kịp thời phân công, giao nhiệm vụ, hướng dẫn các đơn vị để kịp thời chỉ đạo phòng, ngừa, ứng phó, khắc phục, giải quyết kịp thời trong mọi tình huống.
Bên cạnh đó phải thường xuyên kiểm tra hệ thống trang thiết bị, công cụ dụng cụ, liên quan đến công tác phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy để sửa chữa, bổ sung kịp thời nhằm sẵn sàng đáp ứng ngay khi có các tình huống xảy ra.
Đặc biệt, chúng tôi đã đề nghị các Cục DTNN khu vực phối hợp với lực lượng phòng chống lụt bão, phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp tại địa phương tổ chức diễn tập các tình huống giả định liên quan đến lụt, bão, cháy nổ, để cán bộ công chức, viên chức trong cơ quan đơn vị sẵn sàng ứng cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Việt Hà - Nguyễn Hồng Sâm (Thực hiện)
Nguồn: Báo điện tử Đảng Cộng sản