Hạt gạo Chính phủ tiếp sức cho học sinh nghèo Lai Châu tới trường

(16/10/2017)

Những ngày đầu tháng 10,  đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) do đồng chí Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn tại một số điểm trường của tỉnh Lai Châu. Cùng đi với đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Cục DTNN khu vực Tây Bắc, đại diện Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lai Châu... Thời tiết Lai Châu mùa này thật khắc nghiệt, mưa như trút nước nhưng những chuyến xe của đoàn công tác vẫn kiên nhẫn vượt đèo, vượt dốc tiến về mảnh đất biên giới thuộc vùng Tây Bắc của Tổ quốc thân yêu...

 

Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 

Đưa niềm vui đến với học sinh vùng khó

Chuyến công tác kiểm tra đột xuất chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu lần này của lãnh đạo Tổng cục DTNN đến hai huyện là Tân Uyên và Tam Đường. Đây là hai huyện khó khăn, được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể, tuy nhiên, sự nghèo khó và thiếu thốn đã ảnh hưởng rất nhiều tới việc đến trường của trẻ em nơi đây. Con chữ đến với các em cũng gian nan lắm. Mỗi chuyến hàng chở gạo dự trữ quốc gia về hỗ trợ cho các em học sinh dường như đã và đang nối dài thêm những ước mơ được cắp sách đến trường trong cơm no, áo ấm của học sinh nghèo nơi mảnh đất biên giới Tổ quốc.

Điểm trường đầu tiên đoàn công tác đến là Trường THCS xã Bản Bo và trường PTDTBT Tiểu học Bản Bo. Bản Bo là xã miền núi nằm ở phía Đông Nam của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có tổng diện tích tự nhiên là 7.638,94 ha. Hiện nay, toàn xã có 4.663 nhân khẩu với 944 hộ và có 8 dân tộc anh em sinh sống. Bản Bo cũng giống như các xã thuộc vùng núi phía Bắc thường xuyên xảy ra sương mù và sương muối. Riêng năm học 2017 -2018 này toàn xã có 295 học sinh thuộc đối tượng được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.

Con đường đi đến xã Bản Bo ngoằn ngèo dốc thẳng đứng nay lại thêm lầy lội, trơn trượt càng khó đi hơn. Khi xe của đoàn công tác vừa đến điểm trường, các em nhỏ đã tập trung đông đủ, cười nói ríu rít. Các anh, các chị cán bộ của Cục DTNN khu vực Tây Bắc, người mở bạt, người tháo dây, người bốc dỡ… Tất cả đều nhanh gọn và chính xác đến tuyệt đối. Các thầy cô trong trường cũng hồ hởi xắn tay bê từng bao gạo xuống xe, xếp gọn gàng trước sân trường và rồi bắt đầu giao gạo cho các em.

 

Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN, trưởng đoàn công tác

đến kiểm tra chất lượng gạo hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn tại  một số điểm Trường

 

Các em học sinh là người Laha, Mông, Khơ Mú, Dao, Lào, Giáy, Nùng, Cao Lan, Tày… có những gương mặt xạm đen mà mang nụ cười tươi tắn đã không giấu được niềm vui khi được tự tay đón những túi gạo dành cho mình. Nhiều em học sinh tiểu học còn thấp bé, yếu ớt nên phải có bố mẹ đi kèm để nhận gạo và mang về. Bao nhiêu niềm vui của các em cứ lan dần sang niềm vui của cha mẹ. Tiếng cười, tiếng nói ríu rít vang khắp không gian...

Những hành trình còn mãi

Chia tay huyện Tam Đường, chúng tôi tiếp tục hành trình đến với trường PTDTBT THCS xã Mường Khoa, huyện Tân Uyên. Trường nằm trên núi cao, đường sá xa xôi cách trở, cơ sở vật chất còn rất đơn sơ, nhưng tinh thần học tập vẫn cháy sáng trong những lớp học. Ở điểm trường nào, cũng cảm nhận được sự tận tụy, hết lòng vì các em học sinh của các anh, các chị cán bộ ngành dự trữ.

Đặc biệt, để kiểm tra kỹ hơn về chất lượng gạo giao cho các em học sinh, tại điểm trường này, đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra chất lượng bữa ăn của các em học sinh tại bếp ăn nội trú của trường. Nhìn những bát cơm nóng hổi, các em ăn ngon miệng, trưởng đoàn công tác không dấu được niềm vui. Ông chia sẻ: “Đối với ngành DTQG, chất lượng gạo dự trữ là thể hiện trình độ kỹ thuật, công nghệ bảo quản, năng lực và đó là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng nhất của toàn ngành, cũng như từng đơn vị. Gạo DTQG khi xuất cấp cho học sinh đều được kiểm tra kỹ. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu ngẫu nhiên lô gạo (số lượng mẫu được lấy vào 02 túi được để trong 02 lần túi PE trắng trong dán kín cho vào túi niêm phong bên giao một mẫu và bên nhận một mẫu). Đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương. Chính vì vậy, qua các đợt xuất cấp, chất lượng gạo luôn được người dân và địa phương đánh giá cao. Gạo ngon không có sâu mọt sống, tạp chất, côn trùng, không có mùi vị lạ...”

Sau khi kiểm tra thực tế bếp ăn, bữa ăn của các cháu, đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo nhà trường, đại diện công đoàn trường, phụ trách đoàn đội trường và các bộ phận chuyên môn của trường, đoàn kiểm tra đã tập trung vào vào một số nội dung, đề nghị nhà trường cho ý kiến về công tác xuất cấp, tiếp nhận, sử dụng gạo và các đề nghị khác.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp - Hiệu trưởng trường PTTH Mường Khoa, huyện Tân Uyên đã rất vui mừng cho biết: “Từ khi nhận được sự quan tâm của đảng, nhà nước, nhà trường chúng tôi thấy an tâm hơn nhiều trong công tác dạy và học, thấy các cháu học sinh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, vui vẻ, học tốt hơn, gạo của các cháu được cấp phát phù hợp với thời gian từng học kỳ, đầy đủ về số lượng, chất lượng, gạo nấu cơm các cháu ăn ngon, rất bảo đảm. Số lượng gạo còn lại lưu kho được bảo quản tuyệt đối an toàn, chưa bao giờ bị hư hỏng, chúng tôi mong sao chính sách này được duy trì lâu dài, để vùng khó khăn như chúng tôi bớt khổ, có điều kiện vươn lên”.

Chia sẻ với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Nhật Thái - Phó Cục trưởng cục DTNN khu vực Tây Bắc cũng cho biết thêm: “Ngay khi có Quyết định phân bổ gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ I năm học 2017-2018 của UBND tỉnh Lai Châu với số lượng gần 1.800 tấn gạo, Cục DTNN khu vực Tây Bắc đã nhanh chóng đưa gạo đến với các em học sinh. Theo đó, đầu năm học mới này, thành phố Lai Châu được phân bổ gần 24 tấn; huyện Sìn Hồ trên 360 tấn; huyện Tam Đường hơn 160 tấn; huyện Tân Uyên gần 200 tấn; huyện Phong Thổ trên 440 tấn; huyện Mường Tè gần 230 tấn; huyện Than Uyên gần 170 tấn và huyện Nậm Nhùn trên 200 tấn”.

Qua thời gian tiếp xúc và làm việc với các đồng chí lãnh đạo Sở Giáo dục Đào tạo, Phòng giáo dục huyện và các cơ quan chức năng của các huyện, đều thấy được ở đây sự nhiệt tình, trân trọng, tạo nhiều điều kiện để đoàn công tác chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chính trị rất quan trọng này, cùng đưa gạo của Chính phủ đến tận tay học sinh ở những vùng xa xôi hẻo lánh, thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thấm đầy ý nghĩa và tính nhân văn.

Đoàn công tác bịn rịn trở về xuôi mà trong lòng mỗi người mênh mang bao cảm xúc. Có thể đấy là niềm bâng khuâng trước cảnh đẹp nguyên sơ của núi rừng khi được tận mắt thấy những đỉnh núi cao như đỉnh Pu Sa Leng, đỉnh Phan Xi Păng, đỉnh Pu Sam Cáp hay dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ trên dải đất Lai Châu. Có thể đấy là những phút giây thảnh thơi khi bắt gặp những thung lũng xanh mướt như Mường So, Tam Đường, Bình Lư, Than Uyên… nhưng có lẽ, cảm xúc mãnh liệt nhất vẫn là không ai có thể quên được bao gương mặt ngây thơ cùng nụ cười hạnh phúc của những học sinh Tân Uyên, Tam Đường trong ngày nhận gạo hỗ trợ học kỳ I năm học mới 2017 - 2018 này./.

 

 

Một số hình ảnh của Đoàn kiểm tra công tác hỗ trợ gạo cho học sinh

vùng đặc biệt khó khăn tại một số điểm trường của tỉnh Lai Châu

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Việt Hà - Nguyễn Hồng Sâm



Các tin đã đưa ngày: