Để hàng trăm nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia (DTQG) đến được với học sinh vùng đặc biệt khó khăn trên khắp mọi miền Tổ quốc, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã phải nỗ lực rất lớn.
Ông Đỗ Việt Đức
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Ngay sau mỗi năm học, Tổng cục đã có tổng kết và báo cáo với Bộ Tài chính chuẩn bị nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù năm học thường bắt đầu từ tháng 9, nhưng việc chuẩn bị được triển khai ngay từ đầu năm như: Chuẩn bị nguồn vốn mua gạo; đề nghị chính quyền địa phương rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách...” - Ông Đỗ Việt Đức, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã nhấn mạnh như vậy trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo TCVN.
PV: Thưa ông, hỗ trợ gạo cho học sinh là một trong những chính sách mang lại hiệu quả thiết thực và ý nghĩa xã hội rất lớn, được các địa phương và nhân dân đánh giá cao. Xin ông một vài chia sẻ về kết quả xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ học sinh trong thời gian qua và nhất là trong năm học 2016 - 2017?
- Ông Đỗ Việt Đức: Trong năm học 2016 - 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN triển khai xuất khoảng 65.000 tấn gạo DTQG cấp cho các địa phương, trong đó xuất hỗ trợ học sinh học kỳ I khoảng 35.000 tấn gạo; xuất hỗ trợ học sinh học kỳ II khoảng 30.000 tấn gạo.
Thực hiện các quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực tổ chức xuất kho, vận chuyển, giao gạo cho các địa phương theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh. Trong đó, việc Bộ Tài chính ra quyết định tạm ứng hỗ trợ gạo cho học sinh trong thời gian 2 tháng đầu học kỳ I giúp các em học sinh có gạo ngay từ những ngày đầu khai giảng, qua đó góp phần giải quyết khó khăn về lương thực của nhà trường và gia đình học sinh.
Niềm vui của học sinh khi được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ trực tiếp bằng nguồn gạo DTQG cho học sinh các địa phương trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực; góp phần giảm bớt khó khăn cho gia đình học sinh và nhà trường; tạo điều kiện thuận lợi để các em học sinh có nhiều thời gian chuyên tâm vào việc học tập, tham gia các hoạt động tập thể trong nhà trường và giao tiếp xã hội; tình trạng học sinh bỏ học (nhất là đối tượng học sinh nghèo, học sinh vùng cao, dân tộc thiểu số) ở nhà đi làm nương phụ giúp gia đình giảm; chất lượng học tập ngày càng nâng cao; qua đó không chỉ góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn mà còn bổ sung và phát triển nguồn nhân lực tại chỗ cho vùng đặc biệt khó khăn trong tương lai.
PV: Thưa ông, có ý kiến lo ngại, với số lượng học sinh cũng như số lượng gạo cấp phát lớn như vậy, liệu có xảy ra trường hợp sai sót, nhầm lẫn hay chất lượng gạo kém hay không?
- Ông Đỗ Việt Đức: Mặc dù số lượng gạo cấp phát cho học sinh lớn, tuy nhiên do có sự chỉ đạo sát sao của ủy ban nhân dân các tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các Cục DTNN khu vực và nhà trường nên công tác rà soát, lập danh sách học sinh, phân bổ, cấp phát, quản lý, bảo quản và sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh trong thời gian qua được bảo đảm chặt chẽ.
Tại một số điểm trường không có kho chuyên dụng riêng biệt để bảo quản gạo, nhà trường đã lựa chọn những nơi cao ráo, bố trí hệ thống giá kê, bạt che phủ nên chất lượng gạo DTQG bảo đảm an toàn tuyệt đối; không xảy ra hiện tượng ẩm mốc, giảm chất lượng.
Đối với công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo, các địa phương đã thành lập các tổ kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo cho học sinh với thành phần gồm đại diện: Đoàn Thanh niên, chính quyền địa phương và đại diện chi hội phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo tại các bếp ăn của các em học sinh qua đó kịp thời phát hiện tồn tại, hạn chế và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời. Riêng đối với học sinh thuộc các trường không tổ chức nấu ăn bán trú, nhà trường lập danh sách và cấp phát cho từng phụ huynh kèm theo sổ sách theo dõi chi tiết (số lượng gạo, thời gian hỗ trợ gạo) và có ký xác nhận của phụ huynh học sinh, đại diện nhà trường và chính quyền địa phương.
PV: Thưa ông, để kịp thời đưa gạo hỗ trợ đến với trên 500 nghìn học sinh trong đầu năm học mới 2017 - 2018 này, Tổng cục DTNN đã triển khai công việc này như thế nào?
- Ông Đỗ Việt Đức: Năm học 2017 - 2018, trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh về nhu cầu gạo hỗ trợ trong năm học, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành quyết định giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp khoảng 68.000 tấn gạo từ nguồn DTQG (trong đó, học kỳ I khoảng 38.000 tấn và học kỳ II khoảng 30.000 tấn) giao cho 47 địa phương để hỗ trợ cho gần 516.000 học sinh năm học 2017 - 2018.
Theo đó, ngay trong thời điểm khai giảng năm học mới, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các cục DTNN khu vực phối hợp với UBND các tỉnh tổ chức giao, nhận gạo tại trung tâm huyện theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận gạo của UBND các tỉnh.
Cũng trên cơ sở quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN khu vực xuất cấp cho các địa phương theo từng học kỳ năm học. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, trường hợp, số lượng gạo thực tế tiếp nhận của địa phương trong năm học thấp hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định thì cấp theo số của địa phương; trường hợp, số gạo thực tế địa phương tiếp nhận trong năm học cao hơn so với số gạo Bộ Tài chính đã quyết định thì cấp theo số của Bộ Tài chính, theo đó các địa phương tiếp tục có văn bản báo cáo để Bộ Tài chính ban hành quyết định cấp gạo bổ sung kịp thời, nhằm bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh theo đúng thời gian của học kỳ năm học.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ gạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh phối hợp chặt chẽ với Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực được giao nhiệm vụ xuất cấp gạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng gạo đến đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời, đề nghị UBND các các tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành của địa phương tổ chức và chịu trách nhiệm về công tác quản lý, phân phối, sử dụng gạo tại địa phương; bảo đảm việc tiếp nhận, sử dụng gạo hỗ trợ cho học sinh đúng đối tượng, định mức và thời gian của năm học; không để thất thoát, tiêu cực xảy ra trong quá trình tiếp nhận, phân phối, sử dụng gạo hỗ trợ của Chính phủ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Việt Hà - Hồng Sâm