Chiều 30/6/2016, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chuyên ngành 1b đã tổ chức Lễ kỷ niệm 5 năm ngày thành lập (26/7/2011 - 26/7/2016). Tại buổi lễ trang trọng này, ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên trung ương đảng, Tổng kiểm toán nhà nước đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho ông Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) và ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng và phát triển của Kiểm toán Nhà nước.
Quản lý, sử dụng ngân sách minh bạch, rõ ràng
Đồng chí Hồ Đức Phớc, Ủy viên trung ương đảng, Tổng kiểm toán nhà nước, các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Trung ương đảng, Bộ Công an, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã đến dự. KTNN chuyên ngành 1b được thành lập theo quyết định số 972/QĐ-KTNN ngày 26/7/2011 của Tổng Kiểm toán nhà nước, trên cơ sở chia tách KTNN chuyên ngành I trước đây, có chức năng giúp Tổng Kiểm toán nhà nước thực hiện nhiệm vụ kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước đối với các cơ quan, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tài chính đảng, an ninh và dự trữ nhà nước.
Đ/c Hồ Đức Phớc, Ủy viên trung ương đảng, Tổng kiểm toán nhà nước phát biểu tại buổi Lễ
Trong 5 năm qua, hoạt động kiểm toán của KTNN chuyên ngành 1b đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, chất lượng kiểm toán được nâng lên, số liệu kiến nghị về xử lý tài chính qua kiểm toán đều được ghi nhận với nhiều phát hiện kịp thời, có giá trị.
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng phát biểu tại buổi Lễ
Vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” và phát biểu tại buổi lễ trang trọng này, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết: Bắt đầu từ năm 2012, hai năm một lần, KTNN chuyên ngành 1b thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước tại Tổng cục DTNN. Hoạt động kiểm toán đã đánh giá đầy đủ, khách quan về hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của Tổng cục DTNN, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho lãnh đạo các cấp.
Thông qua công tác kiểm toán, đã giúp Tổng cục DTNN hoàn thiện công tác quản lý tài chính, ngân sách; đưa công tác quản lý tài chính, ngân sách đi vào nền nếp, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý tài chính, ngân sách. Ngoài ra thông qua hoạt động kiểm toán góp phần phát hiện các bất cập về cơ chế, chính sách kinh tế để đề nghị bổ sung, sửa đổi phù hợp với điều kiện thực tiễn.
“Trong quá trình kiểm toán, các kiểm toán viên đã không đơn thuần chỉ ra những thiếu sót, hạn chế trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của đơn vị để khắc phục ngay mà còn giúp các đơn vị của Tổng cục DTNN thấy được những điểm mình chưa hoàn thiện để cải tiến, sửa chữa. Đây là điểm rất tích cực và mang tính xây dựng”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nói.
Trong quá trình kiểm toán, thông qua việc xem xét việc phân bổ dự toán ngân sách, kiểm toán đã đóng góp những ý kiến xác đáng giúp đơn vị tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong quá trình sử dụng dự toán. Ví dụ: chỉ ra, trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ có những việc cần phải đầu tư mua sắm tài sản cố định thì mới hiệu quả, nhưng cũng có những việc thì chỉ cần thuê tài sản hoặc có thể sử dụng các hình thức khác để tiết kiệm ngân sách. Vì vậy, qua hoạt động kiểm toán, chất lượng sử dụng dự toán ngân sách của đơn vị được nâng lên rõ rệt và đem lại hiệu quả.
Đ/c Hồ Đức Phớc, Ủy viên trung ương đảng, Tổng kiểm toán nhà nước trao Kỷ niệm chương
“Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho đ/c Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Phối hợp chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả
Trong các cuộc kiểm toán, Tổng cục DTNN đều phối hợp chặt chẽ với KTNN ngành Ib ngay từ khâu khảo sát tình hình. Ngay sau khi KTNN chuyên ngành 1b công bố quyết định kiểm toán, Tổng cục DTNN ban hành các công văn chỉ đạo các đơn vị dự toán thuộc, trực thuộc Tổng cục thực hiện quyết định của KTNN, triển khai công tác phục vụ hoạt động kiểm toán năm 2016 của KTNN. Trong quá trình triển khai thực hiện Tổng cục DTNN đã tích cực, kịp thời phối hợp với các tổ kiểm toán, thực hiện cung cấp tài liệu, hồ sơ, số liệu phục vụ công tác kiểm toán đảm bảo theo tiến độ, yêu cầu của đoàn kiểm toán nhà nước. Chính vì thế, hoạt động này tại Tổng cục DTNN luôn diễn ra khoa học, gọn ghẽ, tiết kiệm thời gian.
Để các cán bộ trong ngành nhận thức và phối hợp chặt chẽ với các đoàn KTNN, Tổng cục trưởng Dũng đã dí dỏm nói tại buổi lễ: “Tôi đã từng đặt câu hỏi với đồng nghiệp: Nếu chỉ có tôi với anh trong cùng một cơ quan, khi nhìn thấy nhau đều bảo khỏe cả, chẳng ai có bệnh gì. Thực tế thì không hẳn là như vậy. Có thể có người bị huyết áp cao, có người bị bệnh tim mạch và chỉ có bác sỹ mới chỉ ra được bệnh. Thế nên, đối hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước thì “bác sĩ” của ta là ai? Đó là các Kiểm toán viên, thanh tra viên. Xưa nay nói đến kiểm toán người ta hay nghĩ hình như mình có vấn đề gì đó, hoặc người ta soi mói gì đó. Nhưng thật ra, thông qua kiểm toán ta biết được “sức khỏe” của chúng ta. Khi làm việc với kiểm toán chúng tôi xác định rõ ràng, mạch lạc như vậy.”
Đặc biệt, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng đánh giá cao đội ngũ công chức, kiểm toán viên tại KTNN chuyên ngành 1b, 100% KTV có trình độ đại học trở lên, nhiều người có 2 bằng đại học, trong đó có 22 thạc sỹ. Trong quá trình kiểm toán, đoàn kiểm toán đã triển khai thực hiện đúng kế hoạch kiểm toán được duyệt, tuân thủ các chuẩn mực và quy trình, thực hiện nghiêm Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn kiểm toán, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, các chỉ thị của Tổng Kiểm toán nhà nước và các quy định của KTNN chuyên ngành Ib. Công tác quản lý hoạt động kiểm toán, kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán trưởng, Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán được thực hiện thường xuyên, sát sao.
“Cách đây 2 năm, tôi được KTNN chuyên ngành 1b mời xuống giải trình, báo cáo hoạt động của ngành dự trữ quốc gia. Đây là cơ hội ngàn năm có một, người ta đến kiểm toán thì khó nói lắm nhưng được mời đến nói thì gần gũi, thân tình, cởi mở biết bao nhiêu. Một điều tâm đắc nữa mà tôi muốn nói đến nữa là đồng chí kiểm toán trưởng đã quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ cũng như việc thực thi cơ chế chính sách. Cơ chế thực thi chính sách là gì, là các đồng chí ban hành một loạt các quy định, trong này ghi rõ: cần minh bạch 3 khâu: Trước, trong và sau. Gần đây kiểm toán áp dụng công nghệ thông tin rất hay. Tất cả các báo cáo kiểm toán của các kiểm toán viên hàng ngày đều được truyền về trung tâm để kiểm toán trưởng xem xét và mặt tích cực là mọi hoạt động kiểm toán đều đàng hoàng, minh bạch, rõ ràng. Vì thế, tôi đánh giá cao kết quả hoạt động kiểm toán nhà nước chuyên ngành Ib đang thực hiện với Tổng cục DTNN”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh.
Đ/c Hồ Đức Phớc, Ủy viên trung ương đảng, Tổng kiểm toán nhà nước trao Kỷ niệm chương
“Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” cho đ/c Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
và đ/c Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Với vinh dự được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Kiểm toán Nhà nước” Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng khẳng định sẽ cùng cán bộ công chức trong ngành nỗ lực hết mình để làm tốt nhiệm vụ và trách nhiệm của một đơn vị có liên quan đến hoạt động KTNN./.
Hồng Sâm - Thời báo Tài chính VN