Trong thời gian qua, trong nỗ lực hiện đại hóa hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG), Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã từng bước đầu tư xây dựng các vùng kho có quy mô lớn, tập trung, hiện đại, tiếp thu công nghệ bảo quản phù hợp với điều kiện thực tế và kinh nghiệm bảo quản của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí và lãnh đạo Tổng cục DTNN
kiểm tra hệ thống kho dự trữ Thủy Nguyên thuộc Cục DTNN khu vực Đông Bắc
Đưa vào sử dụng nhiều kho hiện đại
Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cho biết, trong thời gian gần đây, Tổng cục DTNN đã đưa vào sử dụng nhiều kho hiện đại như: Kho dự trữ Thủy Nguyên thuộc Cục DTNN khu vực Đông Bắc; kho dự trữ Đông Anh, kho dự trữ Mông Hóa thuộc Cục DTNN khu vực Hà Nội, kho dự trữ Đăk Lắk thuộc Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên, kho dự trữ Nghi Lộc thuộc Cục DTNN khu vực Nghệ Tĩnh... Tổng cục DTNN đã tập trung hoàn thành quyết toán 07 dự án như: Kho Hòa Khương, Ninh Đa, Đồng Tu, Bình Nghi, muối Thạch Hà, Văn phòng Cục Nam Trung Bộ, Đông Bắc và chỉ còn 03 dự án đang tiếp tục phê duyệt là: Mông Hóa, Bình Mỹ, Văn phòng Cục Bắc Tây Nguyên. Cùng với đó, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% quyết toán các dự án cải tạo, sửa chữa lớn.
Đây là một trong những thành quả quan trọng của Tổng cục DTNN trong việc khẩn trương hoàn thành phê duyệt dứt điểm quyết toán các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng; hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư xây dựng khởi công từ những năm 2003, 2004, không để tình trạng các công trình chuyển tiếp kéo dài.
Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính phê duyệt và thực hiện đầy đủ, đồng bộ hệ thống quy hoạch đầu tư xây dựng (quy hoạch hệ thống kho lương thực, vật tư; quy hoạch hệ thống kho muối; quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc). Tổng cục DTNN cũng đã đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, rà soát và đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch cho những năm tiếp theo đến năm 2020.
Tranh thủ khai thác nguồn lực cho đầu tư phát triển của ngành cũng được Tổng cục DTNN thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình như việc: Tập trung dành vốn hỗ trợ của ngành Thuế cho công tác mở rộng, xin đất cho các dự án mới trong quy hoạch được duyêt; phân bổ, bố trí kinh phí sửa chữa lớn đảm bảo trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định, từng bước khắc phục tình trạng thiếu hụt kho trầm trọng tại các địa bàn thường xuyên cần có lượng hàng cứu trợ, hỗ trợ lớn.
Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí
Ông Bùi Tuấn Minh cho biết, Bộ Tài chính bố trí vốn sửa chữa lớn hệ thống kho DTQG bình quân hàng năm cho Tổng cục DTNN là 100 tỷ đồng. Đây là nguồn lực rất quan trọng và rất cần thiết trong điều kiện vốn ngân sách tập trung hàng năm bố trí rất hạn hẹp. Tổng cục DTNN đã tập trung việc sửa chữa lớn các điểm kho nằm trong quy hoạch được duyệt, ngoài ra bố trí khoảng 10% để sửa chữa những công trình cấp thiết hiện đang chứa hàng dự trữ và các điểm kho phải tiếp tục sử dụng đến sau năm 2020 do các điểm kho trong quy hoạch chưa thể đầu tư xây dựng, hạn chế tối đa các điểm kho nằm ngoài quy hoạch.
Đối với việc xin đất để mở rộng, xây dựng kho mới, ông Bùi Tuấn Minh cho biết, đó là công việc rất khó, mỗi một điểm kho cần phải xin từ 2 đến 3 ha đất. Trong những năm qua, Tổng cục DTNN và các Cục DTNN khu vực đã tập trung các nguồn lực và tranh thủ sự hỗ trợ của các địa phương để đề nghị cấp đất theo quy hoạch được duyệt; phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương hoàn tất thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng để được cấp đất mở rộng, cấp mới. Đến nay, đã có trên 30 điểm kho được địa phương thỏa thuận cấp đất, trong đó 8 điểm kho đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Riêng về vấn đề thiết kế điểm kho, nhà kho, ông Bùi Tuấn Minh cho biết thêm, do việc đánh giá thử nghiệm công nghệ bảo quản thóc DTQG theo công nghệ bảo quản do nước ngoài chuyển giao đối với 02 dự án kho Mông Hóa và kho Hòa Khương được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, đến năm 2017 mới có kết quả. Trong khi chờ kết quả, tập thể lãnh đạo Tổng cục DTNN đã bàn bạc và thống nhất áp dụng công nghệ bảo quản hàng DTQG với phương pháp bảo quản kín trong kho không lắp đặt thiết bị công nghệ bảo quản để thiết kế và phê duyệt dự án kho dự trữ Tuyên Quang.
“Mô hình thiết kế mới phù hợp với thực tế bảo quản hàng dự trữ, đảm bảo tiết kiệm chi phí đầu tư từ NSNN hơn so với phương án thiết kế trước đây. Đặc biệt, mô hình này đã khắc phục cơ bản được tình trạng úng ngập cục bộ, bê tông hóa trong khu vực kho... Tổng cục DTNN đã thống nhất sử dụng thiết kế dự án kho dự trữ Tuyên Quang để áp dụng mô hình thiết kế thống nhất trong toàn ngành DTQG.”- ông Bùi Tuấn Minh cho biết./.
Hồng Sâm - Thời báo Tài chính VN