Nhân dịp đầu Xuân Bính Thân 2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã dành cho Thời báo Tài chính Việt Nam cuộc trả lời phỏng vấn về những hoạt động của ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã đạt được trong thời gian qua. Tại cuộc trả lời phỏng vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã bày tỏ sự tin tưởng với truyền thống đoàn kết, nhất trí và sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống, ngành DTQG nhất định sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ giao cho.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
TBTCVN: Với cương vị là người đứng đầu Ngành Tài chính, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả của hệ thống DTQG đã đạt được trong thời gian qua và nhất là trong năm 2015?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Cùng với toàn ngành tài chính, trong những năm qua đặc biệt là trong năm 2015, DTQG đã ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội đất nước. Đánh giá này xuất phát từ một số điểm đáng chú ý sau:
Thứ nhất, hệ thống DTQG đã có những bước chuyển mạnh mẽ về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt những nhiệm vụ đột xuất, cấp bách trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; cứu trợ, cứu đói, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và trật tự, an toàn xã hội.
Sự chuyển biến đó đã diễn ra rộng khắp, từ Tổng cục DTNN đến các đơn vị trực thuộc. Trước hết thể hiện ở tính chủ động trong dự báo để xây dựng, đề xuất với Chính phủ, với Quốc hội bố trí nguồn lực ngân sách Nhà nước bám sát với chủ trương tăng dần quy mô hàng DTQG; trên cơ sở vừa tăng cường về số lượng, đa dạng về chủng loại vừa nâng cao về chất lượng đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao, phục vụ có hiệu quả cho những yêu cầu đột xuất cấp bách cũng như các mục tiêu quốc gia về an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước trong tình hình mới.
Để phát huy cao nhất hiệu quả sử dụng hàng DTQG, vấn đề bảo quản chất lượng hàng DTQG cũng đã được quan tâm đầu tư, mà nền tảng là từng bước xây dựng và hiện đại hóa kho tàng và công nghệ bảo quản hàng DTQG. Căn cứ chiến lược phát triển DTQG được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có quy hoạch tổng thể bố trí hợp lý hệ thống kho tàng và hàng hóa bảo đảm kết hợp kinh tế với an ninh, quốc phòng và các vùng địa bàn chiến lược của đất nước. Theo đó, đáp ứng được phương châm “4 tại chỗ” trong mọi tình huống, góp phần tích cực giúp các địa phương, các ngành vừa phòng chống vừa khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.
Thứ hai, Tổng cục DTNN đã tích cực xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về DTQG. Cho đến nay khuôn khổ pháp lý để thực thi Luật DTQG cơ bản đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ với 02 Nghị định và hơn 30 Thông tư hướng dẫn. Các văn bản pháp luật được ban hành đã tạo điều kiện để Luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động DTQG theo quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn, hoạt động đặc thù của DTQG, tạo thuận lợi cao nhất cho các đối tượng liên quan đến DTQG, từ cơ quan NN đến người dân và doanh nghiệp.
Thứ ba, Tổng cục DTNN đã tích cực nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quản lý nội bộ để đưa hoạt động của Tổng cục vào nề nếp theo đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình hoạt động của mình, Tổng cục DTNN đã xây dựng được quan hệ hợp tác chặt chẽ hiệu quả với các bộ ngành quản lý hàng DTQG và với các đơn vị thuộc Bộ để thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về DTQG. Đã phối hợp tốt với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương hoàn thành việc mua tăng, luân phiên đổi hàng theo chỉ tiêu kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao; triển khai xây dựng các loại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ yêu cầu quản lý DTQG...
Những kết quả đạt được của ngành DTQG đã góp phần quan trọng vào thành tích chung của ngành Tài chính, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Gạo cấp phát từ nguồn DTQG được chuyển đến tận tay người dân.
TBTCVN: Trong những thành quả của ngành DTQG đạt được trong thời gian qua thì thành quả nào là quan trọng nhất, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Trong thời gian qua, ngành DTQG đã vượt qua khó khăn thách thức để vươn lên, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Nguồn lực DTQG đã từng bước được tăng cường, phát huy, sử dụng có hiệu quả; được Lãnh đạo các ngành, các địa phương và nhân dân tin tưởng, đánh giá cao.
Số lượng hàng DTQG đã xuất cấp luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, góp phần hỗ trợ đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Xuất cấp gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ mới được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính giao cho Tổng cục DTNN triển khai thực hiện từ năm 2013 theo Quyết định số 36/QĐ-TTg. Đến nay, việc hỗ trợ gạo cho học sinh theo Quyết định số 36/QĐ-TTg đã sang năm học thứ 3 và đã có gần 500.000 học sinh của 46 tỉnh, thành phố được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Nhờ có sự hỗ trợ gạo của Chính phủ từ nguồn DTQG nên số học sinh ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã có điều kiện để đi học đông đủ, chuyên cần. Chính sách này đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra. Đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ này, năm 2015 Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương Tổng cục DTNN về kết quả xuất cấp gạo hỗ trợ cho học sinh năm học 2014-2015. Có thể xem đây là một kết quả đầy ấn tượng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà Tổng cục DTNN đã làm được.
TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng có chỉ đạo gì để hệ thống DTQG xứng đáng với vai trò quan trọng là một công cụ tài chính, là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai; góp phần đảm bảo an sinh xã hội; phục vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ giao?
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng:
Năm 2016, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và là năm đầu thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 2016- 2020 trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, khu vực và trong nước dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tôi đề nghị hệ thống DTQG trong cả nước tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng để đưa nghị quyết vào cuộc sống thông qua việc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động DTQG phù hợp với giai đoạn mới, với nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 đặt ra.
Hai là, về hoạt động dự trữ quốc gia nói chung, Tổng cục DTNN cần tiếp tục phát huy tính chủ động trong chỉ đạo, vừa phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan và các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016 do Thủ tướng Chính phủ giao về mua tăng, nhập xuất luân phiên đổi hàng. Riêng Tổng cục DTNN cần:
- Tập trung chỉ đạo các đơn vị hoàn thành kế hoạch nhập, xuất lương thực, muối ăn, vật tư thiết bị thuộc kế hoạch năm 2016, có những giải pháp quyết liệt, linh hoạt trong việc thu xếp bố trí đủ nguồn vốn để mua lương thực ngay từ đầu năm.
- Chuẩn bị sẵn sàng xuất cấp đầy đủ, đảm bảo chất lượng lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ các địa phương trong dịp tết Nguyên đán, giáp hạt, khắc phục hậu quả mưa bão; hỗ trợ các dự án trồng rừng, hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn...).
- Phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý Công sản và cơ quan liên quan thực hiện tiếp nhận bảo quản tài sản quý hiếm bảo đảm theo đúng quy chế của Bộ Tài chính.
Ba là, thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng DTQG thông qua kiểm tra hàng hóa ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và xuất kho; nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến trong công tác bảo quản hàng DTQG; tham gia phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật cho hàng DTQG được giao quản lý.
Bốn là, chú trọng công tác tổ chức cán bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để từng bước bổ sung cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo cho Tổng cục DTNN đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra; nâng cao chất lượng công tác cải cách hành chính nhà nước; quản lý chặt chẽ biên chế, quỹ lương được giao, làm tốt công tác chính sách cán bộ, tinh giản biên chế...
Năm 2016 là năm kỷ niệm 60 năm thành lập ngành DTQG, vì vậy Tổng cục DTNN cần tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong cán bộ, công chức, viên chức toàn hệ thống… phấn đấu lập thành tích chào mừng sự kiện đặc biệt này
Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, nhất trí cùng với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn hệ thống DTQG, nhất định ngành DTQG sẽ hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo Bộ giao cho.
Nhân dịp năm mới 2016 và đầu xuân Bính Thân, thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, tôi gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống DTQG; chúc các đồng chí tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; quyết tâm tranh thủ tốt các điều kiện thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức cùng với toàn ngành Tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách năm 2016 làm tiền đề cho các năm sau.
TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng! Kính chúc Bộ trưởng cùng gia đình một mùa xuân mới an khang, hạnh phúc và thành công!
Nguyễn Trọng Nghĩa - Nguyễn Hồng Sâm (Thực hiện)