Bảo đảm bếp của hộ dân nghèo “đỏ lửa” dịp Tết

(04/02/2016)

Tết Nguyên đán Bính Thân đang về thật gần. Để tất cả người dân được đón Tết trong no ấm, vui tươi, những ngày cuối năm, cán bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cùng 17 tỉnh gấp rút đưa gạo của Chính phủ hỗ trợ tới người dân nghèo, không để bà con đứt bữa, thiếu đói.

TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) cho biết như vậy trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về việc thực hiện xuất cấp gạo của Chính phủ hỗ trợ đến với nhân dân dịp Tết Nguyên đán Bính thân 2016.

Chăm lo Tết cho người nghèo là một trong những nội dung lớn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xuất cấp gạo để hỗ trợ nhân dân một số địa phương đang thiếu đối. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này.

Ông Phạm Phan Dũng: Để người dân nghèo, đối tượng chính sách được đón Tết trong no ấm và vui tươi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định xuất cấp không thu tiền số lượng 17.177.730 kg gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ cho 1.145.182 nhân khẩu của 17 tỉnh; với mức hỗ trợ 15 kg/tháng/nhân khẩu; thời gian hỗ trợ là 1 tháng.

Đến hết ngày 2/2, các Cục DTNN khu vực đã hoàn thành việc bàn giao trên 14.200 tấn gạo hỗ trợ cho 17 tỉnh, đạt 85% kế hoạch. Trong đó, các tỉnh đã hoàn thành 100% kế hoạch tiếp nhận gạo gồm: Tuyên Quang (269.235 kg), Cao Bằng (551.535 kg), Nghệ An (3.617.310 kg), Ninh Thuận (2.092.215 kg)…

Số lượng gạo còn lại, các Cục DTNN khu vực đang vận chuyển đến các huyện lỵ, sẵn sàng bàn giao cho các địa phương theo đúng kế hoạch tiếp nhận của UBND các tỉnh; dự kiến hoàn thành 100% kế hoạch giao nhận gạo trong ngày 5/2 (tức ngày 27 Tết).

Đây là việc làm hết sức cần thiết của Chính phủ cho bà con vùng đặc biệt khó khăn, vùng thiên tai, mất mùa, thời điểm giáp hạt... đặc biệt là giúp gia đình người nghèo, bếp những hộ dân còn thiếu đói được "đỏ lửa" trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.

Vừa qua, ở nhiều nơi, nhất là các vùng núi phía Bắc rét bất thường, có mưa tuyết. Để kịp thời đưa gạo tới người dân, Tổng cục DTNN đã triển khai công việc như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Phan Dũng: Dù các xã đặc biệt khó khăn điều kiện đường giao thông đi lại và thời tiết không thuận tiện, nhưng với phương châm không để người dân thiếu gạo trong dịp Tết, ngay sau khi nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ và chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động thuê phương tiện vận chuyển, xuất gạo, liên hệ và phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp nhận gạo để tổ chức triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch phân bổ của UBND tỉnh.

Chúng tôi đã yêu cầu, đôn đốc các Cục DTNN khu vực tập trung nguồn lực để triển khai công tác xuất gạo hỗ trợ Tết cho các địa phương; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá thông tin liên quan đến việc hỗ trợ gạo DTQG cho nhân dân, tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra giám sát quá trình phân phối, tiếp nhận gạo của các địa phương.

Chúng tôi cũng thường xuyên nắm bắt diễn biến tình hình để kịp thời phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh nếu có. Các Cục DTNN phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phát, quản lý, sử dụng gạo bảo đảm theo đúng quy định về quản lý, sử dụng hàng DTQG.

Có thể nói, với sự chuẩn bị chu đáo, nên trong thời gian ngắn toàn bộ số lượng gạo đã được đưa đến cho nhân dân vui đón Tết; xuất cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, đúng thời gian, kế hoạch phân bổ của UBND các địa phương.

 

Gạo cấp phát từ nguồn DTQG được chuyển đến tận tay người dân.

 

Chất lượng gạo cấp phát đợt này như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Phan Dũng: Bảo đảm chất lượng hàng DTQG cứu trợ cho các địa phương là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành DTQG và được các đơn vị đặc biệt quan tâm.

Do vậy, ngay từ khâu lựa chọn các phương tiện vận chuyển, các Cục DTNN khu vực đã có quy định rất cụ thể về loại phương tiện vận chuyển gạo (thùng xe, điều kiện về bạt che, sàn xe, mua bảo hiểm...), nên trong thời gian qua gạo DTQG xuất cấp cho các địa phương được bảo đảm an toàn tuyệt đối về chất lượng.

Đối với ngành DTQG, việc bảo đảm chất lượng gạo dự trữ là thể hiện kỹ thuật, công nghệ bảo quản và là trách nhiệm, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, quan trọng nhất của toàn ngành, cũng như từng đơn vị.

Có thể khẳng định rằng, gạo DTQG khi xuất cấp cho người dân đều được kiểm tra theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ở mỗi điểm giao nhận, các bên đều trực tiếp lấy mẫu gạo đánh giá chất lượng thông qua đánh giá cảm quan, kiểm tra thực tế các bao gạo giao nhận, trên cơ sở đó các đơn vị DTQG tiến hành lập biên bản giao nhận với địa phương.

Để tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng gạo sau khi xuất cấp cho địa phương, tôi đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực cử cán bộ có kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ cùng tham gia với các cấp chính quyền địa phương và người dân để tư vấn về quá trình bảo quản gạo; tránh trường hợp để gạo DTQG bị suy giảm chất lượng.

Theo phản ánh của một số Cục DTNN khu vực, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho việc tiếp nhận gạo một cách nhanh chóng, thuận lợi; người dân được nhận gạo DTQG  đều rất phấn khởi, đánh giá cao chất lượng gạo và tin tưởng vào sự hỗ trợ của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông.

 

Huy Thắng thực hiện (Nguồn: Báo Chinhphu.vn)

 



Các tin đã đưa ngày: