Mười lăm năm Dự trữ Quốc gia: Trong ngôi nhà chung ngành Tài chính - Một mốc son mới

(19/11/2015)

Ngày 24 tháng 8 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 102/2000/QĐ-TTg chuyển Cục Dữ trữ quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) về trực thuộc Bộ Tài chính. Đến thời điểm này, Dự trữ quốc gia đã có 15 năm là thành viên trong ngôi nhà chung của ngành Tài chính. Dự trữ quốc gia được thành lập ngày 07 tháng 8 năm 1956, đến nay đã gần 60 tuổi. Thời gian 15 năm tuy không nhiều so với bề dày 60 năm truyền thống ngành Dự trữ quốc gia nhưng là thời gian chuyển mình trưởng thành và đóng góp có ý nghĩa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và sự nghiệp ngành Tài chính nói riêng - Là một mốc son mới trong truyền thống 70 năm vẻ vang của ngành Tài chính. Với thời gian 15 năm làm thành viên trong đại gia đình ngành Tài chính, Dự trữ quốc gia (DTQG) đã có những bước phát triển vượt bậc kể cả về thể chế, về tổ chức bộ máy, về hệ thống kho tàng, cơ sở vật chất và quy mô hàng dự trữ.

Phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy: Sau khi chuyển về Bộ Tài chính, để phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ của công tác dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính đã tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg về việc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước. Theo đó nâng cấp Cục Dự trữ quốc gia lên Tổng cục DTQG với việc quy định ngoài chức năng quản lý trực tiếp một số mặt hàng chiến lược, thiết yếu còn giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Dự trữ quốc gia; nâng cấp các Ban tham mưu thành các Vụ, thành lập Cục Công nghệ thông tin. Đặc biệt theo Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg đã nâng đơn vị DTQG khu vực thành Cục DTNN khu vực và thành lập thêm 4 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trong cả nước đưa tổng số các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực từ 18 lên 22 đơn vị tại khắp các địa bàn chiến lược.

Không ngừng xây dựng và ngày càng hoàn thiện cơ chế chính sách: 15 năm qua là thời gian liên tục không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách về Dự trữ quốc gia. Ngay sau khi chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính, Cục Dự trữ quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) được Bộ Tài chính chỉ đạo tiến hành xây dựng Pháp lệnh và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia (17/2004/PL-UBTVQH). Sau gần 10 năm thực hiện Pháp lệnh DTQG và để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục hoàn thiện nâng Pháp lệnh Dự trữ quốc gia lên Luật dự trữ quốc gia. Ngày 20 tháng 11 năm 2012, Quốc hội khóa 13 đã ban hành Luật số 22/2012/QH13 về Luật dự trữ quốc gia. Việc ban hành Luật dự trữ quốc gia và sau đó là hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn và thể chế hóa Luật dự trữ quốc gia thực sự tạo ra hành lang pháp lý giúp cho công tác quản lý Dự trữ quốc gia ngày càng hiệu lực và hiệu quả.

 

Kho Dự trữ quốc gia

 

Hiện đại hóa cơ sở vật chất và công nghệ bảo quản: Để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu Dự trữ quốc gia, trong thời gian qua đặc biệt từ sau khi chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính, hệ thống cơ sở vật chất, kho tàng dự trữ quốc gia đã được Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm thông qua việc Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN đến năm 2020. Các bộ, ngành Tài chính, Quốc phòng, Công an đã quan tâm đầu tư phát triển theo hướng quy hoạch hệ thống kho tại 8 vùng chiến lược về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng trên cả nước. Hệ thống kho của các bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính…) đã từng bước được ngân sách nhà nước bố trí để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp và áp dụng công nghệ bảo quản mới. Kho dự trữ quốc gia có quy mô đủ lớn, áp dụng khoa học công nghệ bảo quản tiên tiến. Đến nay, nhiều kho DTQG thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN), đã được đầu tư xây dựng mới theo hướng: Bố trí tập trung, công suất lớn, với công nghệ bảo quản kho kín, cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất (như kho lương thực, kho vật tư thiết bị tìm kiếm cứu nạn, kho bảo quản khí tài, thiết bị của quốc phòng, an ninh…).

Quy mô dự trữ quốc gia tăng dần hàng năm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ: Trong sự thống nhất cùng Chiến lược phát triển Tài chính Việt Nam, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020”. Theo chiến lược, tiềm lực dự trữ quốc gia sẽ được tăng cường, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, trên cơ sở các danh mục mặt hàng đã được quy định, tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, quan trọng, không dàn trải; tập trung nguồn lực ngân sách mua tăng các danh mục để đáp ứng mục tiêu của DTQG.

 

Xuất, nhập và bảo quản gạo theo công nghệ mới

 

Trong thời gian qua ngành DTQG vừa từng bước rà soát, sắp xếp và đổi mới cơ cấu danh mục hàng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng an ninh, đảm bảo an sinh xã hội vừa tận dụng các nguồn lực để tăng quy mô hàng DTQG nên chỉ trong 5 năm gần đây, quy mô hàng DTQG đã tăng gấp 3 lần so với năm 2008.

Tự hào đã đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành Tài chính: Trong suốt những năm qua, DTQG luôn sẵn sàng, kịp thời đáp ứng mọi tình huống đột xuất, cấp bách để phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai tham gia hoạt động an sinh xã hội. Với vai trò là công cụ tài chính của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Tài chính, hàng năm, ngành DTQG đã xuất cấp hàng chục vạn tấn lương thực, hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh, hàng triệu liều vắc-xin phòng chống dịch bệnh, hàng chục tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng và các thiết bị y tế …. để giải quyết các biến cố về thiên tai, lũ lụt, phòng và dập dịch từ nguồn lực DTQG. Bên cạnh việc thực hiện mục tiêu của DTQG, ngành còn thực hiện một số nhiệm vụ Chính phủ giao như: Xuất hàng DTQG để hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện tham gia dự án trồng rừng... Bên cạnh nhiệm vụ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hàng DTQG còn được xuất cấp để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc. Báo cáo Tổng kết thành tích đã đạt được trong 5 qua của ngành Tài chính đã ghi nhận Dự trữ quốc gia ngoài việc thực hiện tốt mục tiêu DTQG còn tham gia thực hiện chính sách an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào ở các vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Nằm trong hệ thống ngành Tài chính, Dự trữ quốc gia tự hào đã đóng góp vào sự nghiệp chung của ngành Tài chính. Có thể nói ngành DTQG ngày nay là công cụ tài chính hữu hiệu của Chính phủ trong quá trình điều hành, phát triển bền vững của đất nước; không chỉ đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng ngừa, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh mà còn góp phần tích cực thực hiện bảo đảm an sinh xã hội... Với việc đa dạng hóa mục tiêu, kịp thời hiệu quả trong sử dụng, lực lượng DTQG đã và đang khẳng định vai trò, vị thế của mình trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần quan trọng trong sự nghiệp Tài chính Việt Nam và công cuộc bảo vệ, xây dựng Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Mười lăm năm trưởng thành, lớn mạnh của DTQG trong đại gia đình ngành Tài chính là một mốc son đáng nhớ, chưa từng có, tô đậm thêm truyền thống 60 năm vẻ vang của ngành DTQG./.

 

Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 



Các tin đã đưa ngày: