Nhận thức rõ Luật dự trữ quốc gia (DTQG) là hành lang pháp lý cao nhất đối với hoạt động DTQG. Vì vậy, ngay từ khi Luật DTQG có hiệu lực, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã nỗ lực xây dựng văn bản hướng dẫn Luật. Nhờ đó, việc triển khai Luật DTQG thông suốt, tạo tiền đề cho các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Luật DTQG.
Triển khai hiệu quả Luật DTQG
Triển khai thực hiện Luật DTQG (2012), Chính phủ đã ban hành Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 quy định quy định chi tiết thi hành Luật DTQG. Cũng trong thời gian này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 và phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020.
Với chức năng quản lý nhà nước về DTQG, Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng và ban hành trên 30 Thông tư hướng dẫn Luật DTQG (Thông tư về: hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán chi NSNN cho DTQG; Quy định hợp đồng thuê bảo quản hàng DTQG; Hướng dẫn về xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng DTQG…) và các thông tư, quyết định hướng dẫn các nghiệp vụ liên quan đến việc quản lý và điều hành hoạt động DTQG (Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức bảo quản hàng DTQG…). đảm bảo phục vụ tốt nhất cho công tác bảo quản hàng DTQG.
Có thể nói, chỉ trong thời gian ngắn đã có trên 30 thông tư được ban hành cho thấy sự quyết tâm, sự nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính nhằm triển khai hiệu quả Luật DTQG, tạo hành lang pháp lý, định hướng cho việc quản lý và điều hành hoạt động DTQG được chặt chẽ, dần đi vào nề nếp, ổn định.
Bên cạnh đó, căn cứ vào Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các bộ, ngành (Quốc phòng, Công an, Tài chính ...) đã xây dựng và phê duyệt quy hoạch chi tiết mạng lưới kho DTQG đến năm 2020 của ngành mình nhằm xây dựng hệ thống kho DTQG đồng bộ, hiện đại, bố trí theo vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng lãnh thổ. Trong điều hành chỉ đạo, Bộ Tài chính đã thực hiện việc phân cấp mạnh mẽ, tạo sự chủ động cho chủ đầu tư trong quá trình tổ chức triển khai, nâng cao trách nhiệm, quyền hạn của chủ đầu tư trong việc mua sắm hàng hóa DTQG.
Chỉ trong thời gian ngắn đã có trên 30 Thông tư được ban hành cho thấy sự quyết tâm,
sự nỗ lực rất lớn của Bộ Tài chính nhằm triển khai hiệu quả Luật DTQG
Đồng bộ hóa về cơ chế cũng như chính sách
Mặc dù số quy định của Luật DTQG còn chưa phù hợp với các Luật khác hiện hành (như việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, việc chỉ định thầu mua hàng DTQG) hoặc chưa đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn như quy trình trình cấp có thẩm quyền bổ sung vốn mua tăng, mua bù hàng DTQG còn qua nhiều cấp nên quá trình triển khai thực hiện kế hoạch còn gặp nhiều khó khăn.
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng kiểm tra
công tác bảo quản lương thực tại Chi cục DTNN Điện Bàn
Để khắc phục những vấn đề nêu trên - Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết: Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) sẽ tiếp tục xây dựng đồng bộ các chính sách. Trước mắt sẽ sửa đổi, bổ sung danh mục các mặt hàng DTQG theo hướng lựa chọn những mặt hàng chiến lược, thiết yếu đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của DTQG trong tình hình mới. Trên thực tế, sau khi rà soát, đánh giá và tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành về danh mục chi tiết hàng DTQG và phân công quản lý hàng DTQG, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ phân công Bộ Công thương quản lý mặt hàng xăng dùng cho máy bay.
Ngoài ra, để đồng bộ hóa về cơ chế cũng như chính sách trong thời gian tới sẽ tiến hành đổi mới cơ chế quản lý DTQG như: Cơ chế tài chính ngân sách chi cho DTQG; cơ chế luân phiên đổi hàng không bù giá; cơ chế thực hiện hợp đồng thuê bảo quản; xây dựng cơ chế tài chính DTQG đặc thù nhằm tăng cường nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Được biết hiện nay, Tổng cục DTNN đang rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật về DTQG để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và thay thế cho phù hợp. Thời gian thực hiện trong năm 2016-2017./.
Hồng Sâm - Thời báo TCVN