Dự trữ Quốc gia: Hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão

(25/09/2015)

Theo dự báo của ngành Khí tượng thủy văn, mùa mưa bão năm nay có khả năng diễn biến phức tạp và khó lường. Trước những diễn biến xấu của thời tiết có thể xảy ra, ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG) đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, kho tàng, vật tư hàng hóa DTQG và có phương án chủ động, ứng phó, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng cháy chữa cháy, phòng chống lụt bão. Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của ngành.

PV:  Vậy để chủ động phòng tránh và ứng phó với các diễn biến bất lợi của thời tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tài sản, kho tàng, vật tư hàng hóa dự trữ quốc gia, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng cục DTNN đã xây dựng các phương án, kế hoạch gì, thưa ông?

Ông Lê Văn Thời: Hàng năm, cùng với việc triển khai nhiệm vụ kế hoạch Nhà nước giao, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng cục DTNN thường xuyên nắm bắt những dự báo của ngành khí tượng -  thủy văn về tình hình thời tiết, khí hậu, .. cho từng năm và cho từng thời kỳ trong năm hay từng vùng miền trên cả nước một cách đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở xây dựng các kế hoạch, phương án chủ động ứng phó với tình hình thời tiết, biến đổi khí hậu tại ngành mình, địa phương mình.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Tổng cục DTNN đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục ban hành các văn bản và chỉ đạo các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực cũng như khối Văn phòng Tổng cục triển khai các công việc như: Thường xuyên tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của CBCC về các văn bản Pháp luật, Chỉ thị của Chính Phủ và văn bản của Bộ Tài chính có liên quan đến công tác PCLB để không ngừng nâng cao trình độ của CBCC về xử lý các tình huống trong phòng, chống lụt, bão; kịp thời kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy PCLB, lực lượng phòng chống thiên tai của tất cả các Cục DTNN khu vực (nếu có biến động nhân sự), tổ chức tập huấn… để sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống; có kế hoạch phối hợp với lực lượng PCLB và TKCN của địa phương kịp thời xử lý và giải quyết ứng cứu kịp thời khi có tình huống mưa lũ, thiên tai xảy ra.

 

Tổng cục DTNN kịp thời xuất xuồng cao tốc cứu hộ,

khắc phục kịp thời hậu quả do trận mưa lũ lịch sử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

 

Bên cạnh đó, xây dựng phương án PCLB của cơ quan, đơn vị; phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền đoàn thể các cấp của địa phương nơi có kho tàng hàng hóa, trụ sở làm việc để triển khai thực hiện tốt công tác PCLB theo phương châm “phòng là chính”, thực hiện đúng phương án “bốn tại chỗ”.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra tình hình kho, hàng, công cụ, dụng cụ liên quan đến công tác PCLB; kịp thời mua sắm, bổ sung trang thiết bị công cụ, dụng cụ đáp ứng yêu cầu khi có các tình huống mưa lũ. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên từng địa bàn để có kế hoạch chuẩn bị kiểm tra trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo sẵn sàng xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong mọi tình huống.

Đặc biệt, trong thời gian xảy ra mưa lũ, yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật thông tin liên quan đến diễn biến của thiên tai thời tiết; bố trí cán bộ, công chức trực ban 24/24 giờ trong những ngày mưa, lũ tại các điểm kho và tại trụ sở cơ quan để có biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối về người, tài sản và hàng DTQG. Đồng thời, khi có các tình huống thiên tai xảy ra ảnh hưởng trực tiếp đến người, tài sản, hàng DTQG, đơn vị khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, lực lượng PCLB trên địa bàn triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại; đối với một số hạng mục công trình phụ trợ bị ảnh hưởng, đơn vị chủ động huy động lực lượng tại chỗ, tìm biện pháp khắc phục tạm thời để bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho CBCC; đồng thời, yêu cầu đơn vị thực hiện lập phương án sửa chữa khắc phục báo cáo Tổng cục xem xét phê duyệt.

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về phương án chủ động, ứng phó, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống lụt bão?

Ông Lê Văn Thời: Trong thời gian qua, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các Cục DTNN nước khu vực quán triệt một số nội dụng cụ thể: Xác định nhiệm vụ phòng chống lụt bão đối với hàng hóa, kho tàng DTQG là trách nhiệm của người đứng đầu, của đồng chí Cục trưởng và Chi cục trưởng các Chi Cục DTNN phải tổ chức triển khai tốt việc này. Do vậy, Cục trưởng Cục DTNN khu vực phải chủ động, phải tìm mọi biện pháp và huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn tuyệt đối người, tài sản, hàng hóa, kho tàng của ngành.

Các Cục DTNN khu vực phải xây dựng được phương án, trong đó chỉ rõ việc huy động nhân lực, chuẩn bị phương tiện và đặc biệt là xây dựng kịch bản, phương án công tác phối kết hợp với các cơ quan chức năng của địa phương như lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của địa phương; các Sở ban ngành của địa phương… Thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể, quần chúng nhân dân, địa phương nơi có hệ thống kho tàng và trụ sở của các đơn vị DTQG đóng trên địa bàn để phối hợp và xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó, phối hợp khi có tình huống mưa, bão xảy ra trên địa bàn.

Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình trên từng địa bàn để có kế hoạch phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cứu trợ; đồng thời  tăng cường công tác kiểm tra trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn nhằm đảm bảo sẵn sàng xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia khi có yêu cầu của cấp có thẩm quyền trong mọi tình huống

PV: Xin ông cho biết một số kinh nghiệm được rút ra từ những mùa mưa bão của những năm trước?

Ông Lê Văn Thời: Trước hết, phải xây dựng ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, các quy định liên quan đến công tác PCLB, hậu quả của thiên tai gây nên cho CBCC, người lao động trong cơ quan đơn vị để mọi người hình thành ý thức tự bảo vệ của mỗi người và trách nhiệm đối với chính mình và đối với cơ quan đơn vị.

Đối với các cơ quan, đơn vị hàng năm phải tăng cường chú trọng công tác xây dựng kế hoạch PCLB, phương án diễn tập và thực hành các tình huống giả định trong công tác phòng, chống, lụt bão là vấn đề hết sức quan trọng, là một trong những vấn đề đặt lên hàng đầu; nếu chuẩn bị tốt công tác này, khi có tình huống lụt bão xảy ra các đơn vị sẽ chủ động, sẵn sàng triển khai thực hiện ứng phó, khắc phục ngay trước mọi tình huống.

Phải có sự chỉ đạo quyết liệt, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương trong công tác cảnh báo, dự báo, khắc phục hậu quả thiên tai tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, các cấp, các ngành chủ động có biện pháp tổ chức triển khai thực hiện theo phương châm "bốn tại chỗ" trong phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt bão.

Phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây nên.

Thường xuyên rà soát bổ sung công cụ, dụng cụ và các phương án PCLB-TKCN của đơn vị, cụ thể hóa phương châm “4 tại chỗ”, dự kiến các tình huống và cách xử lý.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống lụt, bão, thiên tai (trực tiếp, tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, sổ tay, tờ rơi…) cho cộng đồng dân cư để người dân luôn tự ý thức chủ động phòng, chống ứng phó đạt hiệu quả, kịp thời ngay khi có cảnh báo thiên tai của cơ quan chức năng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Hồng Sâm - Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: