Ngoảnh đi ngoảnh lại, vậy là đã hai năm rồi tôi được “ăn” tết cùng ngành Dự trữ Nhà nước. Hai năm, một khoảng thời gian có thể nói là chưa đủ để một phóng viên trẻ như tôi trải nghiệm hết về nghề “tích cốc phòng cơ” cho đất nước, nhưng cũng với khoảng thời gian này, tôi đã cảm nhận được “tấm lòng” của các anh chị cán bộ Dự trữ quốc gia đối với nghề. Một nghề với cách suy nghĩ của ai đó có thể là những công việc không mấy ai biết đến, thậm chí không ít người còn “nhầm lẫn” ngành dự trữ với ngành lưu trữ . Nó âm thầm, lặng lẽ, tỉ mỉ và cẩn thận như một sứ mệnh vừa bí mật, vừa công khai, như chẳng ai biết, ai cần nhưng lại đòi hỏi rất nhiều lòng nhẫn nại, sự nhiệt tình, tận tâm mà nếu không yêu nghề, có lẽ chẳng bao giờ gắn bó được ...
Trong khó khăn lòng yêu nghề ngời sáng
Hoạt động Dự trữ quốc gia (DTQG) mang tính đặc thù cao, có nhiều điểm giống với lĩnh vực quốc phòng, an ninh; kho tàng thường được bố trí ở khu vực xa dân cư để bảo đảm an toàn, bí mật nên điều kiện làm việc của cán bộ, công chức DTQG gặp nhiều khó khăn, môi trường làm việc độc hại, có lúc đối mặt với nguy hiểm như thực hiện xuất cấp hàng DTQG phục vụ cứu trợ, hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, khi có sự cố về thiên tai bão lũ thì ngoài việc phải thường xuyên túc trực đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, hàng hóa DTQG, cán bộ DTQG còn phải túc trực để xuất cấp hàng dự trữ trong tình huống cấp bách, khắc nghiệt của thời tiết; phải đưa hàng đến vùng xa, vùng sâu, miền núi, hải đảo nên đối mặt với nguy hiểm. Trăm nghe không bằng một thấy, trong dịp đi cùng với đoàn công tác của ngành khắc phục hậu quả thiên tai miền Trung và miền núi phia Bắc tôi mới phần nào cảm nhận được những gian nan vất vả của các anh chị đang ngày đêm âm thầm vượt qua để luôn phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.
Đường đã nhỏ, hẹp, lại quanh co, có những đoạn dốc một bên là vách núi đá dựng đứng, một bên là vực sâu, có những chỗ vực sâu đến vài trăm mét, những người sợ độ cao, yếu bóng vía chắc rằng không dám nhìn xuống vực. Có những đoạn đường xe chúng tôi vừa đi vừa phải cảnh giới, đề phòng đất, đá từ trên cao rơi xuống bất chợt. Còn chiếc xe cứ phải gồng mình gầm rú, nhả khói đen mù mịt để cõng hàng chục tấn gạo lên đỉnh dốc. Xe chạy suốt ngày đêm, còn cánh lái xe cứ vài tiếng lại phải đổi tay lái để ổn định tinh thần, giữ cho xe chạy liên tục an toàn, đi đúng đường, đảm bảo thời gian nếu để xẩy một sơ xuất nhỏ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường... Chị Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ của Tổng cục DTNN kể chuyện về anh thủ kho ở Cục DTNNKV Bình Trị Thiên, vợ gọi điện báo: “Anh ơi, nhà mình sắp trôi mất rồi!”. Lặng người đi, anh nói với vợ: “Em gọi nhờ bà con hàng xóm đưa con chạy lũ giúp anh! Anh phải ở lại giữ hàng cứu trợ cho dân! Mấy mẹ con hãy cố gắng…”. Đó cũng là sự đóng góp thầm lặng, mà có lẽ không một ngôn từ nào có thể diễn tả hết!
Anh Nguyễn Hữu Hoàng, Cục trưởng Cục DTNNKV Bình Trị Thiên cho biết, năm 2013 là năm rất nhiều khó khăn. Cơn bão số 10, 11 với sức tàn phá khủng khiếp, nhiều khung nhà bị hất văng ra xa hàng trăm mét nằm chơ vơ trong nước lũ; những cây cổ thụ từng vững gần trăm năm mà cũng không chống đỡ nổi những trận cuồng phong, hàng trăm cột điện bằng bê tông cốt thép, bị gió xô đổ nghiêng ngả xuống lòng đường, dây điện bị dứt tung. Những rừng cao su xanh tốt bạt ngàn đang kỳ khai thác bị bão đánh đổ gẫy rạp; lũ ngập trắng cánh đồng, cuộn chảy... Trong hòan cảnh ấy, nhiều cán bộ của Cục DTNNKV Bình Trị Thiên vẫn lặn lội, chống đỡ để đảm bảo hàng DTQG được an toàn tuyệt đối và sẵn sàng đưa đi cứu trợ.
Trong khó khăn lòng yêu nghề ngời sáng! Được nói chuyện với các anh chị tôi càng hiểu được tâm tư của những người làm ngành dự trữ quốc gia, những con người hết lòng vì nghề, luôn hy sinh thầm lặng và phấn đấu không mệt mỏi để mỗi khi có thiên tại, dịch bệnh đồng bào gặp đói nghèo cán bộ, công chức ngành không quản ngại mưa nắng, ngày đêm, dù cho giao thông bị chia cắt vẫn sẵn sàng, khẩn trương xuất cấp hàng DTQG đến với người dân kịp thời, đảm bảo không để người dân trong những ngày gặp thiên tai bị đứt bữa, đảm bảo khi Tết đến xuân về bếp của người dân trong những vùng đặc biệt khó khăn luôn đỏ lửa. Thật vui sao khi tin báo rằng hàng DTQG đã được cấp phát đến tận tay người dân trong những ngày Tết truyền thống dân tộc hoặc những ngày mưa bão, lũ lụt…
Cán bộ, công chức ngành DTNN không quản ngại mưa nắng, ngày đêm, dù cho giao thông
bị chia cắt vẫn sẵn sàng, khẩn trương xuất cấp hàng DTQG đến với người dân kịp thời.
Thà chịu đói, rét...
Trong một lần gặp Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng, tôi may mắn được nghe ông kể lại những câu chuyện thực về đời sống và việc làm của anh chị cán bộ ngành Dự trữ quốc gia, đặc biệt là anh chị em bảo vê, thủ kho DTQG, tôi thực sự xúc động và có lẽ đó sẽ là những câu chuyện tôi không thể nào quên.
Ngày mới thành lập, bộ khung lãnh đạo DTNN chỉ có 15 người. Đến năm 2004 ngành DTNN mới “chính danh” với khung pháp lý “Pháp lệnh Dự trữ Quốc gia”. Tổng cục DTNN nay đã hình thành hệ thống ba cấp hành chính: Trung ương (Tổng cục DTNN); khu vức gồm nhiều tỉnh, thành phố (Cục); Chi cục trên từng tỉnh...tuy nhiên, không phải tỉnh thành nào cũng có. Hiện hệ thống có 22 Cục DTNN KV với gần 100 Chi cục, mỗi Cục phải đảm đương quản lý cả một khu vực gồm nhiều tỉnh, thành phố rộng lớn
Những kho hàng DTQG thường đặt ở những địa điểm khác biệt, lại thường nằm ở những nơi xa xôi, thậm chí phải bí mật để đảm bảo an tòan nhưng phải đáp ứng yêu cầu “ 4 tại chỗ”... Đó cũng là đặc điểm riêng của ngành DTQG. Việc bố trí kho hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó phải tính đến sự an toàn của địa hình tự nhiên, rộng rãi, cao ráo, không thể bị lũ, úng ngập, phải thuận tiện giao thông để nhập vào, xuất ra, chở đi các nơi thuận lợi.
Bây giờ, anh em trong ngành vẫn nhắc lại truyền thống của ngành thời chống Mỹ. Anh Trần Văn Thao, Cục trưởng Cục DTNNKV Đông Bắc cho biết: Anh Sử giám đốc Bo1 (Bí số kho DTNN Hà Nam Ninh thời chống Mỹ) kể, ngày ấy chở hàng từ Hải Phòng vào thấy bữa ăn chỉ có xoong cơm với một quả trứng muối và nồi canh rau mùng tơi hái từ bờ rào. Ông Sử chỉ lên cột điện bảo, mày nhìn rác còn mắc kẹt trên kia, tao phải bơi về khu kho, mệt quá thì nghỉ trên chạc cây, lũ to quá. Anh Vũ Nhật Lệ góp chuyện: mấy cô ở kho BO5 (Hà Sơn Bình) cán bộ trung cấp dược hẳn hoi, lúc vào làm là người Kinh, lúc ra thành người dân tộc, không chồng con gì... Thời ấy, kho tàng phải phân tán, lúc nhỏ lẻ, trong rừng nên đời sống thủ kho đã khổ, càng khổ vì buồn tẻ cô đơn. Bây giờ tuy đã có nhiều thay đổi nhưng thủ kho, bảo vệ vẫn phải kiếm việc gì làm tăng thêm thu nhập. Người coi kho không thể buôn bán thêm gì, nếu kiếm được nghề thủ công như đan lát, khâu nón, lắp ráp quạt... thì còn đỡ, không thì chỉ còn biết trồng luống rau, nuôi con gà, con lơn thôi.
Ông Phạm Phan Dũng kể, một số chị vốn là thanh niên xung phong, cả một thời con gái ở chiến trường, giờ ở đây trông kho đã quá thì, nhỡ lứa, thương lắm. Cầm bàn tay thô sần, chai sạn các chị đưa ra bắt... càng thương. Có Chị thủ kho có một bàn tay như thế, chỉ cần thọc sâu vào đống thóc trong kho là biết được độ ẩm, độ nóng của kho thóc là bao nhiêu, chỉ nhìn mà biết được chính xác tạp chất chiếm bao nhiêu phần trăm. Vùng kho chị phụ trách toàn loại kho cũ do bên Bộ lương thực chuyển sang, xây dựng từ năm 1958 – 1959 nên dột nát cả. Trời mưa vẫn phải trèo lên mái để dăm lại ngói đảm bảo hàng dự trữ. Chồng là bộ đội đóng quân xa, thỉnh thoảng mới có dịp nghỉ phép cùng với số tiền dành dụm về cho vợ. Chị chỉ biết khâu nón, tằn tiện và chăn nuôi con gà, lợn mà cũng nuôi được hai con tốt nghiệp đại học sư phạm. Đấy là thủ kho Nguyễn Thị Loan ở cục DTNN khu vực Vĩnh Phúc...
Còn biết bao cán bộ, công chức Ngành Dự trữ qua các thời kỳ cách mạng, đã phải hy sinh tính mạng, chịu nhiều hiểm nguy như các chiến sỹ ngoài mặt trận, lao động cực khổ quên mình, sống thiếu thốn về vật chất và tinh thần nhưng vì nhiệm vụ xuất hàng, giữ hàng dự trữ, họ đã vượt lên trên tất cả.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về những con người như thế trong Ngành: Đời sống của họ thiếu thốn, vất vả đủ điều, nhưng nhiệm vụ vẫn làm tròn, làm tốt. Vậy cái gì đã gắn kết họ với nhau, để họ gắn bó với công việc hết đời này qua đời khác? Chính việc đi tìm câu trả lời này và thực tế ấy, đã thúc đẩy tôi phải đứng vững và làm tốt hơn công việc lãnh đao Tổng Cục của mình”, ông Phạm Phan Dũng tâm sự.
Bây giờ, Ngành DTNN đã thực sự chuyển mình mãnh mẽ trên con đường chung, trong sự phát triển của ngành Tài chính, của đất nước, đã phát triển nhiều mặt về tổ chức, về thể chế chính sách, hệ thống kho hàng DTQG... đã và đang hướng tới mục tiêu hiện đại hóa toàn ngành. Tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục phấn đấu, nhưng cán bộ ngành DTQG sẽ tiếp tục cống hiến, nỗ lực để góp phần xây dựng ngành DTNN lớn mạnh hơn nữa, xứng đáng với các thế hệ cha anh.
Luật DTQG đã được Quốc hội thông qua; Nghị đinh 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG được ban hành có quy định các chế độ chính sách đối với người làm công tác DTQG như được áp dụng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề là kế thừa thực tiến và có sự phát triển theo hướng luật hóa các chế độ chính sách nhằm đông viên và và tạo điều kiện để thu hút lực lượng lao động phục vụ cho hoạt động DTQG./.
|
Thời báo Tài chính Việt Nam