Nghiêm cấm bán, đổi hàng dự trữ dùng để cứu trợ

(10/01/2014)

Đây là một trong những nội dung của Thông tư số 211/2013/TT-BTC Bộ Tài chính vừa ban hành. Thông tư này quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối, sử dụng hàng dự trữ quốc gia (DTQG) xuất để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác cứu trợ, viện trợ.

 

 
Trong tình huống đột xuất, cấp bách, Thủ trưởng các đơn vị Dự trữ Nhà nước
được sử dụng bản FAX hoặc điện thoại để thực hiện xuất hàng
dự trữ quốc gia đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát sinh
 

“Trong tình huống đột xuất, cấp bách, thủ trưởng các đơn vị Dự trữ Nhà nước được sử dụng bản Fax hoặc điện thoại để thực hiện xuất hàng DTQG đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát sinh…” Đây là một trong những nội dung đáng chú ý được quy định tại Thông tư 211 cho phép linh hoạt trong hoạt động cứu trợ khẩn cấp.

Theo đó, thông tư quy định trong trường hợp phải xuất cấp ngay hàng dự trữ quốc gia để đáp ứng kịp thời cho mỗi nhiệm vụ phát sinh trong tình huống đột xuất, cấp bách (theo quy định tại khoản 8, Điều 4 của Luật DTQG) mà giá trị từng loại mặt hàng dự trữ quốc gia có giá trị vượt quá thẩm quyền quyết định chi ngân sách của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Luật Ngân sách Nhà nước; Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hàng DTQG xuất cứu trợ là các trang thiết bị, phương tiện, máy móc, hàng cứu hộ cứu nạn, các đơn vị Dự trữ Nhà nước tổ chức xuất cấp, giao trên phương tiện vận chuyển của đơn vị nhận hàng tại cửa kho DTQG. Trong trường hợp cấp bách, các đơn vị Dự trữ Nhà nước được huy động, hoặc thuê phương tiện để vận chuyển, giao hàng đến đúng địa điểm...

Thông tư quy định rõ việc quản lý, sử dụng hàng DTQG đúng mục đích, đối tượng, tiêu chuẩn; bảo đảm không thất thoát, lãng phí. Nghiêm cấm việc bán, đổi hàng để tạo nguồn bù đắp các chi phí, hoặc sử dụng sai mục đích.

Trường hợp không sử dụng hết số hàng đã tiếp nhận (sau khi kết thúc việc cứu trợ) phải theo dõi, bảo quản, quản lý chặt chẽ và chỉ sử dụng vào mục đích để cứu trợ.

Kinh phí đảm bảo cho việc xuất cấp, giao hàng DTQG để cứu trợ, viện trợ được đảm bảo từ nguồn chi sự nghiệp kinh tế hàng năm được nhà nước giao cho các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và được Bộ Tài chính cấp theo dự toán được phê duyệt. Trường hợp chưa được phê duyệt, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tạm ứng để các cơ quan, đơn vị dự trữ triển khai thực hiện./.

 

                  Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: