Ngành Dự trữ Nhà nước: Vững tin thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2014

(20/01/2014)

                                                                                                                TS. Phạm Phan Dũng

(Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước)

Năm Quý Tỵ 2013, thiên tai, dịch bệnh phát sinh nhiều gây thiệt hại nặng nề về người và của; kinh tế tăng trưởng chậm lại, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân còn nhiều nhiều khó khăn. Nhu cầu an sinh xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; phục vụ nhu cầu quôc phòng; cải thiện điều kiện sống ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn hẹp.

Trong bối cảnh đó, Dự trữ quốc gia với vai trò quan trọng là một công cụ tài chính, là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước để phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai xảy ra với đời sống xã hội, phục vụ an ninh, quốc phòng và tham gia bình ổn thị trường; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó.

 

TS. Phạm Phan Dũng Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước

 

Nhanh chóng đưa Luật DTQG đi vào cuộc sống

Năm 2013 được xem là năm “bước ngoặt” với ngành Dự trữ Nhà nước khi Luật DTQG được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 4 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2013. Sự kiện này đã mở ra một trang mới cho hoạt động DTQG vì lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động có một Luật chuyên ngành về DTQG.

Sau hơn 5 tháng Luật DTQG có hiệu lực, việc triển khai thực hiện Luật DTQG đã đạt được một số kết quả quan trọng: trước hết là việc hoàn thiện thể chế chính sách như xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 quy định chi tiết thi hành Luật DTQG. Việc Chính phủ ban hành Nghị định là cơ sở để đưa Luật DTQG đi vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã rà soát, cụ thể hóa các quy định của Luật DTQG thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Bộ Tài chính; xây dựng trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013, hướng dẫn về kế hoạch DTQG và ngân sách nhà nước chi cho DTQG. Đây là văn bản hướng dẫn có vị trí quan trọng đầu tiên trong hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật DTQG thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Bộ Tài chính ban hành một số thông tư như: Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2013 quy định về quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG, Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 Quy định về thuê bảo quản hàng DTQG và Thông tư số 182/2013/TT-BTC ngày 04/12/2013 hướng dẫn xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hàng DTQG. Các cơ chế chính sách được ban hành kịp thời đã giúp cho công tác chỉ đạo điều hành của Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG được thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tiễn quản lý DTQG theo quy định của Luật DTQG.

Sẵn sàng, kịp thời đáp ứng mọi tình huống đột xuất, cấp bách

Năm 2013, trong khó khăn chung của nền kinh tế, thị trường lúa gạo gặp nhiều khó khăn, mức tiêu thụ lương thực ít biến động, nguồn cung nhiều hơn nguồn cầu. Trong bối cảnh đó, ngành DTNN trong đó có Tổng cục DTNN đã nỗ lực triển khai  nhập, xuất, hàng DTQG. Tổng cục DTNN đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức xuất bán đổi hàng thành công số lượng lương thực thuộc kế hoạch xuất bán năm 2013 để tạo nguồn vốn thực hiện kế hoạch nhập lương thực năm 2013. Nhờ đó, đến cuối năm, hầu hết các đơn vị đã hoàn thành nhập lương thực thuộc kế hoạch năm 2013. Cùng với việc nhập lương thực, Tổng cục DTNN đã chỉ đạo quyết liệt việc mua sắm vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn thuộc kế hoạch của những năm trước chuyến sang và của cả năm 2013. Đến nay, đã nhập kho 3.000 chiếc bè cứu sinh, 250.360 chiếc phao tròn cứu sinh, 7.000 bộ nhà bạt nhẹ, 670 bộ thiết bị chữa cháy rừng và 105 bộ xuồng cao tốc các loại; đã ký kết các hợp đồng với nhà thầu trúng thầu mặt hàng phao tròn, phao áo và nhà bạt thuộc chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 theo kết quả chấm thầu đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Cũng trong năm 2013, do tình hình kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn, thời tiết diễn biến phức tạp, bất thường nên để đảm bảo an sinh xã hội, các bộ ngành được giao nhiệm vụ bảo quản hàng DTQG và Tổng cục DTNN đã chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện và hàng hóa để sẵn sàng xuất cấp lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn đáp ứng yêu cầu cho các Bộ, ngành và địa phương bất cứ lúc nào, khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Tổng cục DTNN đã tiến hành xuất cấp gạo, vật tư, thiết bị cứu hộ cứu nạn không thu tiền từ nguồn DTQG để hỗ trợ cho các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai và thực hiện các dự án trồng rừng tại tỉnh Hà Giang và Thanh Hóa với tổng trị giá khoảng 563,5 tỷ đồng. Các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp hàng DTQG phục vụ nhiệm vụ với tổng trị giá khoảng 273,73 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng cục DTNN đã chủ động chuẩn bị nguồn lực (dự kiến khoảng trên 60.000 tấn gạo) để triển khai thực hiện quyết định số 36/2013/QĐ-TTg ngày 18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, phối hợp với bộ, ngành, địa phương có liên quan xác định đối tượng, triển khai xây dựng cơ chế xuất cấp để Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện. Dự kiến trong năm 2013 sẽ cấp hết gạo ăn cho các cháu học sinh của học kỳ I năm học 2013-2014.

Ngoài việc chuẩn bị hàng hóa DTQG, Bộ Tài chính rất quan tâm đến việc củng cố và hiện đại cơ sở vật chất của ngành thông qua việc phê duyệt chủ trương xây dựng 04 điểm kho thí điểm công nghệ bảo quản lương thực hiện đại. Đến nay, Tổng cục DTNN đã hoàn thành đưa vào sử dụng 2 kho dự trữ: Hòa Bình và Đà Nẵng. Đây là hệ thống kho áp dụng kỹ thuật nhập - xuất - bảo quản kín, trong môi trường có điều tiết không thuận lợi, phục vụ cho dự trữ lương thực đảm bảo chất lượng tốt. Việc thực hiện quy trình, kỹ thuật bảo quản mới, phương thức hoạt động nhập - xuất lương thực tiên tiến, đảm bảo các thông số kỹ thuật trong bảo quản như: Độ ẩm, nhiệt ẩm, tạp chất, côn trùng được theo dõi trên toàn bộ khối lượng lương thực bảo quản trong kho bằng các thiết bị công nghệ tiên tiến. Việc đưa công nghệ bảo quản tiên tiến trên vào khai thác sử dụng đã đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành DTQG, đảm bảo thời gian bảo quản lâu dài, chất lượng thóc sau khi dự trữ đáp ứng yêu cầu của thị trường; nhà kho kiên cố, an toàn và tăng tích lượng chứa hàng dự trữ quốc gia,  nâng cao hiêu quả sử dụng vốn NSNN

Chủ động thực hiện kế hoạch dự trữ 2014 ngay từ những tháng đầu năm

Bước sang năm 2014, dự báo nền kinh tế nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức tiếp tục phải giải quyết, khắc phục để phục hồi tăng trưởng, kinh tế..

Để thực hiện thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Quốc hội, Chính phủ đề ra là ”Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội; trợ giúp xã hội đối với người có hoàn cảnh khó khăn, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt”. Trước yêu cầu đó, mục tiêu đặt ra cho ngành DTNN trong năm 2014 là: phải tăng quy mô hàng DTQG để chủ động đáp ứng các yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh..; hoàn chỉnh đồng bộ hệ thống văn bản pháp quy về DTQG đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; phát triển nguồn nhân lực có phẩm chất chính trị và năng lực công tác nhằm thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị được Nhà nước và Bộ Tài chính giao, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển ngành Tài chính quốc gia vững mạnh.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ quản lý hàng DTQG sẽ quan tâm chỉ đạo quyết liệt các đơn vị DTQG triển khai thực hiện kế hoạch được giao ngay từ những tháng đầu năm 2014. Đồng thời đề xuất Chính phủ  bố trí vốn để mua bù ngay một số mặt hàng DTQG đã xuất cấp cho khắc phục hậu quả bão lũ, thiên tai trong những tháng cuối năm. Có làm được việc đó mới có hàng trong kho để thực hiện nhiệm vụ năm 2014.

Cùng với đó, tập trung nhân lực và trí tuệ hoàn thiện đồng bộ các cơ chế chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý DTQG; tiếp tục củng cố và hiện đại cơ sở vật chất của ngành theo hướng vừa nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đối với các dự án kho DTQG, hiện đại hóa công sở thông qua việc xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG dưới các hình thức như: Cho phép áp dụng hình thức BT trong việc xây dựng hệ thống kho DTQG; cho phép sử dụng từ nguồn phát hành trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng hệ thống kho DTNN cho nhóm hàng đảm bảo an sinh xã hội (xăng dầu, dầu thô…).

Công tác bảo quản hàng DTQG được quan tâm hàng đầu với định hướng nâng cao hiệu quả quản lý vốn DTQG theo cách thức phải giữ được chất lượng hàng, kéo dài thời gian bảo quản. Trước mắt, tất cả các mặt hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý đều phải xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để phục vụ cho nghiệp vụ bảo quản; củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành DTQG đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; đồng thời tăng cường thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý DTQG. Bên cạnh đó sẽ tiến hành kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công tác bảo quản hàng DTQG để từng bước hiện đại hóa công tác bảo quản  

 

               Thời báo Tài chính Việt Nam

 

 

 



Các tin đã đưa ngày: