Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn: Phát sinh cách hiểu chưa đúng

(07/11/2013)

Chính sách mới về hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn, rất cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lấy ý kiến lại chưa thống nhất được đối tượng hưởng chính sách.

 
Hỗ trợ gạo cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36 của
Thủ tướng Chính phủ là một chính sách rất cần thiết và ý nghĩa.
 
Ông Nguyễn Thái – Vụ trưởng Vụ Quản lý hàng dự trữ - Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg (QĐ 36) về hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội (KTXH) đặc biệt khó khăn, được Bộ Tài chính cho phép, Tổng cục DTNN đã chủ động trình Bộ Tài chính dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện QĐ 36, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương) xác định số học sinh thuộc đối tượng hưởng chính sách, số lượng gạo cần hỗ trợ, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đến nay, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã gửi ý kiến tham gia dự thảo thông tư và báo cáo tổng hợp số đối tượng được hỗ trợ gạo là 449.670 học sinh và tổng nhu cầu gạo hỗ trợ cho năm học 2013 - 2014 là hơn 60 nghìn tấn.

Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc tổng hợp ý kiến về dự thảo thông tư và nhu cầu hỗ trợ gạo của các địa phương để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời chỉ đạo 22 cục DTNN khu vực bố trí trên  địa bàn cả nước chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, về nguồn gạo và phương án vận chuyển để kịp thời cấp phát cho học sinh trên địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Thái cho biết, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ gạo, mặc dù đã được quy định tại Điều 1 QĐ 36, cụ thể: Học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú; học sinh bán trú đang học tại các trường tiểu học và trung học cơ sở công lập ở khu vực có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn; học sinh là người dân tộc thiểu số có bố, mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp có hộ khẩu thường trú tại xã, thôn có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn, không hưởng chế độ nội trú, có nhà ở xa trường hoặc địa hình cách trở không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

Tuy nhiên, một số địa phương lại hiểu rằng tất cả học sinh tiểu học và trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có nhiều cấp học đều được hỗ trợ gạo, bao gồm cả học sinh bán trú và học sinh không bán trú.

Ngoài ra, hiện nay một số địa phương cũng đang thực hiện các chương trình khác như: Dự án đầu tư bảo vệ, phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang, dự án trồng rừng ở huyện Mường Lát, Thanh Hóa...thì số học sinh tại những vùng vùng này cũng đang được hưởng chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ, vì vậy có thể bị trùng lắp về đối tượng.

Thực tế, chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh của Chính phủ nhằm hướng tới các đối tượng là những học sinh có điều kiện nhà ở xa trường, không thể đi và về trong ngày nên phải ở bán trú tại các trường (đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở) hoặc tá túc lại các vùng quanh trường (đối với học sinh phổ thông trung học). Đồng thời, cũng bảo đảm đồng bộ với các chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành trước đây về chính sách hỗ trợ đối với học sinh ở vùng có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn.

Tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg ngày 21/12/2010 và Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg ngày 24/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ, thì đối tượng được hỗ trợ là học sinh tiểu học và trung học cơ sở bán trú đang học tại các trường phổ thông dân tộc bán trú và học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số đang học tại các trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học công lập.

Nếu thực hiện cấp gạo cho đối tượng theo QĐ 85 và QĐ 12 thì tổng số đối tượng hỗ trợ khoảng trên 250.000 học sinh và số lượng gạo cần hỗ trợ trong một năm học cho các địa phương khoảng trên 30.000 tấn gạo. Nhưng nếu thực hiện cấp gạo cho đối tượng là cả học sinh bán trú và không bán trú theo cách hiểu của các địa phương về đối tượng theo QĐ 36 thì tổng số đối tượng hỗ trợ khoảng trên 450.000 học sinh và số lượng gạo cần hỗ trợ trong một năm học cho các địa phương sẽ phát sinh lớn.

Theo ông Nguyễn Thái, đây là vấn đề cần sớm được giải quyết để bảo đảm sự thống nhất trong cách hiểu và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh, trước mắt cho năm học 2013 - 2014 và các năm tiếp theo./.

 

"Bắt đầu từ ngày 1/9/2013, QĐ 36 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ 15/kg gạo/học sinh/tháng cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện KTXH đặc biệt khó khăn đã bắt đầu có hiệu lực. Theo đó, mỗi học sinh được hưởng mức gạo hỗ trợ không quá 9 tháng/năm học."

Ông Nguyễn Thái

 

                       Thời báo Tài chính Việt Nam



Các tin đã đưa ngày: