Để đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, đòi hỏi phải đầu tư, tăng nguồn lực cho dự trữ quốc gia (DTQG), nhằm đưa hoạt động DTQG có hiệu quả và thực sự trở thành công cụ điều hành kinh tế của Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, ổn định đời sống dân cư là
nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành DTNN.
Ông Nguyễn Ngọc Long - Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp chế, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) nhấn mạnh như vậy, trong cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Theo ông Long, DTNN là một ngành có tính đặc thù: hoạt động trong cơ chế thị trường nhưng lại không vì mục tiêu lợi nhuận; là công cụ để Nhà nước phòng, chống, khắc phục thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Chính vì vậy, hiệu quả của hoạt động DTQG không chỉ đánh giá bằng chỉ tiêu kinh tế đơn thuần, mà được đánh giá bằng chỉ tiêu tổng hợp; trong đó, quan trọng nhất là duy trì ổn định khi tình huống cấp bách xảy ra...
Những năm qua, kết quả của hoạt động DTQG được đánh giá khá tốt, nhưng vẫn còn tồn tại những yếu kém, nhược điểm cần được xem xét khắc phục.
Trong đó, công tác dự báo chưa theo kịp mục tiêu đáp ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Năng lực dự báo còn hạn chế.
Việc thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch DTQG còn chưa được đầu tư nguồn lực tài chính ngang tầm.
Theo ông Nguyễn Ngọc Long, yêu cầu khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, ổn định đời sống dân cư, bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu là rất lớn, nhưng lực lượng dự trữ của ta quá mỏng. Đáng chú ý là nguồn lực NSNN có hạn, nên không có điều kiện đầu tư tăng nguồn lực cho mua sắm hàng đưa vào dự trữ.
Mặt khác, hàng hoá DTQG chủ yếu xuất cấp không thu tiền. NSNN cấp để mua bù lại còn có hạn, chưa kể bù lại phần hao hụt tự nhiên theo định mức và phần giá trị hàng hoá bị suy giảm theo thời gian bảo quản (bán hàng cũ không đủ tiền để mua lại đủ lượng hàng mới).
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất kỹ thuật, hệ thống kho tàng DTQG quá cũ, công nghệ bảo quản còn lạc hậu, thủ công là chủ yếu.
Chính vì vậy, để đáp ứng được yêu cầu của đất nước trong tình hình mới, đòi hỏi phải đầu tư, tăng nguồn lực cho DTQG, nhằm đưa hoạt động DTQG có hiệu quả và thực sự trở thành công cụ điều hành kinh tế của Nhà nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bước sang giai đoạn mới, Nhà nước có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp vật tư, tài sản để sử dụng cho DTQG, trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bảo quản, cất trữ, nghiên cứu khoa học vể DTQG.
Chính phủ giao thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG khi tiếp nhận tài sản người dân tự nguyện đóng góp để sử dụng cho DTQG phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đóng góp tài sản cho các tổ chức, cá nhân./
Hoạt động DTQG được coi là một lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế quốc dân, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định xã hội, đặc biệt trong tình huống có thiên tai, dịch bệnh...
Ông Nguyễn Ngọc Long
|
Tính đến ngày 20/10/2013, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và cứu đói cho nhân dân; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 597 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa có quyết định xuất cấp hơn 5.250 tấn gạo DTQG cho tỉnh Quảng Bình để cứu đói cho đồng bào, khắc phục hậu quả cơn bão số 10 |
Thời báo Tài chính Việt Nam