“Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp tài sản để sử dụng cho dự trữ quốc gia”, đây là thông tin được Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Phạm Phan Dũng nhấn mạnh trong cuộc trao đổi mới đây với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về Nghị định 94/NĐ-CP, quy định chi tiết thi hành Luật DTQG vừa được Chính phủ ban hành và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2013.
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng
Huy động nguồn lực cho DTQG
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết, việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) có tầm quan trọng đặc biệt trong triển khai thực hiện Luật DTQG, đưa luật đi vào thực tiễn hoạt động DTQG.
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng chia sẻ, một trong những nội dung quan trọng của Nghị định là Chính phủ đề ra một số chính sách về DTQG, trong đó có chính sách huy động nguồn lực của xã hội cho DTQG, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động DTQG. Trước đây, hoạt động DTQG do các tổ chức nhà nước như: Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế… và một số doanh nghiệp nhà nước đảm nhiệm. Bước sang giai đoạn mới, Nhà nước có chủ trương khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp vật tư, tài sản để sử dụng cho DTQG, trong đó nhấn mạnh đến việc khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động bảo quản, cất trữ, nghiên cứu khoa học vể DTQG. Việc này Chính phủ giao Thủ trưởng các bộ, ngành quản lý hàng DTQG khi tiếp nhận tài sản người dân tự nguyện đóng góp để sử dụng cho DTQG phải có trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận đóng góp tài sản cho các tổ chức, cá nhân.
Nhà nước khuyến khích đồng thời ghi nhận bằng văn bản việc các tổ chức,
cá nhân tự nguyện đóng góp tài sản để sử dụng cho DTQG
Mặt khác, trong tình huống đột xuất, cấp bách, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh có nguy cơ lây lan trên diện rộng, phục vụ quốc phòng, an ninh cần được giải quyết ngay thì Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương huy động tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị của các tổ chức, cá nhân cho DTQG theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết thêm, người có thẩm quyền quyết định huy động tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị phải quản lý sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả; thanh toán, bồi thường thiệt hại đối với tài sản, hàng hóa, vật tư, thiết bị huy động, phục vụ DTQG cho các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Chính sách động viên thu hút nguồn lao động cho DTQG
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Nhà nước quan tâm, động viên cán bộ công chức, người lao động ngành DTNN trong thời gian qua và sắp tới như thế nào khi thực hiện nhiệm vụ của mình? Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết, thực tiễn cho thấy, hoạt động DTQG mang tính đặc thù cao có nhiều điểm giống với lĩnh vực quốc phòng, an ninh; kho tàng thường được bố trí ở khu vực xa dân cư để bảo đảm an toàn, bí mật nên điều kiện làm việc của cán bộ, công chức DTQG gặp nhiều khó khăn, môi trường làm việc độc hại, có lúc đối mặt với nguy hiểm như thực hiện xuất cấp hàng DTQG phục vụ cứu trợ, hỗ trợ, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Đặc biệt, khi có sự cố về thiên tai bão lũ phải thường xuyên túc trực đảm bảo an toàn tuyệt đối tài sản, xuất cấp hàng DTQG trong tình huống cấp bách, khắc nghiệt phải đưa hàng đến vùng xa, vùng sâu, miền núi, hải đảo nên đối mặt với nguy hiểm. Khi Luật DTQG được Quốc hội thông qua, một số chính sách huy động nguồn lực, chính sách đãi ngộ cho người lao động trước đây đang thực hiện, nay đã được luật hóa. Chính phủ ban hành Nghị định và cho triển khai thực hiện là bước cụ thể hóa các chính sách đó vào thực tiễn cuộc sống, trong đó có quy định các chế độ chính sách đối với người làm công tác DTQG.
Đến nay, Luật DTQG được Quốc hội thông qua, Nghị định 94/2013/NĐ-CP ngày 21/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật DTQG được ban hành có quy định các chế độ chính sách đối với người làm công tác DTQG như được áp dụng phụ cấp thâm niên, phụ cấp ưu đãi nghề là kế thừa thực tiễn và có sự phát triển theo hướng luật hóa các chế độ chính sách nhằm động viên và tạo điều kiện để thu hút lực lượng lao động phục vụ cho hoạt động DTQG
Việc Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DTQG là điểm mốc quan trọng đầu tiên của ngành DTNN trong lộ trình triển khai thực hiện Luật này. Tuy nhiên, để Luật DTQG thực sự đi vào cuộc sống, rất cần phải ban hành đồng bộ thống nhất của hệ thống văn bản dưới Luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền.
|
Thời báo Tài chính