Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn của việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật và góp phần đẩy nhanh sự chuyển biến của cán bộ, công chức, viên chức luôn "Sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật". Thực hiện công văn số 917/TCDT-CS&PC, ngày 05 tháng 8 năm 2011 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước về việc tổ chức các hoạt động trong "Ngày pháp luật Tài chính - 28/8/2011". Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa đã tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm phổ biến pháp luật nhằm cập nhật kiến thức và rút kinh nghiệm trong việc thi hành pháp luật đến từng cán bộ, công chức trong toàn đơn vị.
Nội dung tập trung vào việc phổ biến hai luật được Quốc hội ban hành có hiệu lực từ ngày 01/7/2011: Luật Thanh tra (sửa đổi) và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Thanh tra sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thanh tra năm 2004. Bổ sung, phát triển và làm rõ hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, các quy định về tổ chức, hoạt động của thanh tra và mục đích thanh tra: nhằm phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng qui định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng cũng có ý nghĩa gần gũi và thiết thực đối với tất cả cán bộ công chức, người tiêu dùng, giúp mọi người hiểu biết những quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý của nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang phải sống trong một môi trường không an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm nghiêm trọng. Trong nền kinh tế thị trường một số nhà sản xuất luôn chạy đua về hình thức, mẫu mã, lợi nhuận mà ít quan tâm tới sức khỏe và lợi ích của người tiêu dùng vì vậy đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng là thực sự cần thiết. Việc tuyên truyền và phổ biến về Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhằm giúp người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình, bảo vệ các nhà sản xuất chân chính và thực sự là người tiêu dùng thông minh, sáng suốt khi lựa chọn mua sản phẩm, hàng hóa phục vụ nhu cầu đời sống, sinh hoạt của mình, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, hậu quả là ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, kinh tế và đời sống của người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều hình thức khác nhau tạo sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức cũng như hành động chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức trong đơn vị, từng bước xây dựng nếp sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; mỗi cán bộ, công chức không chỉ từng bước chủ động tìm hiểu pháp luật mà còn tự giác, đóng góp các ý kiến, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình trong quá trình thực thi pháp luật, tham gia giám sát hoạt động quản lý của cơ quan đơn vị, thực hiện đúng theo chính sách của pháp luật, tạo điều kiện cho đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Nguyễn Thị Vân - Cục DTNN KV Thanh Hóa