TRIỂN KHAI THỰC HIỆN XÂY DỰNG DỰ ÁN LUẬT DỰ TRỮ QUỐC GIA
- NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA TỔNG CỤC DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
______________
Hệ thống Pháp luật dự trữ quốc gia có vị trí quan trọng là hành lang pháp lý cho hoạt động dự trữ quốc gia, giúp quản lý dự trữ quốc gia ngày càng đi vào nề nếp, chặt chẽ phát huy hiệu lực, hiệu quả của dự trữ quốc gia đối với sự ổn định phát triển nền kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Ngày 29 tháng 4 năm 2003, tại kỳ họp thứ 4 khóa XI, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2004. Pháp lệnh Dự trữ quốc gia được ban hành đã tạo ra được một hành lang pháp lý đảm bảo cho các hoạt động về dự trữ quốc gia, từ hoạt động quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia, đến các hoạt động trực tiếp như nhập, xuất, bảo quản, cho đến các hoạt động cứu trợ, cứu đói, viện trợ quốc tế, và đặc biệt là dự trữ quốc gia đã trở thành một công cụ kinh tế vĩ mô quan trọng giúp Chính phủ thực hiện việc bình ổn thị trường - một nhiệm vụ quan trọng trong tình hình đất nước hiện nay.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh (hơn 6 năm thực hiện), thì ngay tại Pháp lệnh Dự trữ quốc gia đã bộc lộ hạn chế, bất cập, không còn phù hợp với tình hình thực tế và mâu thuẫn, chồng chéo với một số văn bản luật khác, cũng như một số đặc điểm đặc thù riêng có về hoạt động của lĩnh vực dự trữ quốc gia trong cơ chế thị trường cần phải thể chế vào văn bản luật.
Ngày 06/8/2011 Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ nhất đã thông qua Nghị quyết số 07/2011/QH13 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011. Theo đó, Luật Dự trữ quốc gia sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3, trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII.
Thực hiện Nghị quyết số 07/2011/QH13 của Quốc hội, ngày 16/8/2011 lãnh đạo Tổng cục đã tổ chức cuộc họp với lãnh đạo Vụ Chính sách và Pháp chế thông qua kế hoạch triển khai thực hiện dự án xây dựng Luật Dự trữ quốc gia. Đồng chí Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng đã kết luận chỉ đạo triển khai thực hiện dự án xây dựng Luật Dự trữ quốc gia như sau:
1. Trình Bộ Tài chính thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Dự trữ quốc gia theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 24/2009/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật ban ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Chuẩn bị nhân sự tham gia Tổ biên tập giúp việc cho Ban soạn thảo.
3. Tập trung chỉ đạo xây dựng đề cương dự án Luật đảm bảo chất lượng và thực hiện đúng tiến độ. Tiến độ được kiểm điểm, báo cáo lãnh đạo Tổng cục theo từng tuần.
4. Lập dự toán kinh phí xây dựng dự án Luật Dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trình Bộ Tài chính bổ sung dự toán ngay trong quý III/2011.
Xây dựng Luật Dự trữ quốc gia đảm bảo giá trị pháp lý cao sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, pháp luật; tạo ra hành lang pháp lý phù hợp cho hoạt động về dự trữ quốc gia trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, hoàn thành tốt mục tiêu của dự trữ quốc gia đã được Đảng và Nhà nước giao cho ngành./.
Lê Thị Xuân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế