Bàn về xây dựng định mức trong quản lý định mức bảo quản hàng Dự trữ quốc gia

(19/09/2011)

SƠ LƯỢC VỀ ĐỊNH MỨC BẢO QUẢN

Định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia bao gồm 4 loại: Định mức phí nhập kho, định mức phí xuất kho, định mức phí bảo quản và định mức hao hụt. Định mức bảo quản là định mức kinh tế - kỹ thuật, không phải là định mức kinh tế đơn thuần, và cũng không phải là định mức kỹ thuật đơn thuần, mà chứa đựng 2 yếu tố kinh tế và kỹ thuật đan xen, lồng ghép với nhau. Định mức bảo quản có những trường hợp được thực hiện một lần hoặc có trường hợp thực hiện nhiều lần trong năm. Riêng định mức hao hụt hàng hoá dự trữ quốc gia không thuộc phạm vi bài viết này.

Định mức bảo quản có một số giá trị chủ yếu sau:

Định mức bảo quản được xây dựng và ban hành nhằm thực hiện tốt công tác nhập, xuất kho và bảo quản, đáp ứng yêu cầu quản lý về số lượng và gìn giữ chất lượng hàng hoá dự trữ quốc gia. Định mức bảo quản được sử dụng làm cơ sở để điều hành, tổ chức thực hiện kế hoạch dự trữ; lập, phân bổ dự toán kinh phí và quyết toán kinh phí nhập, bảo quản, xuất hàng dự trữ quốc gia.

Là căn cứ để xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch bảo quản, bao gồm số lượng hàng bảo quản lưu kho, bảo quản hàng nhập, hàng xuất kho, công việc bảo quản  định mức bảo quản và kinh phí bảo quản kèm theo. Đồng thời, định mức bảo quản là một tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị dự trữ quốc gia.

Định mức bảo quản được giao rõ ràng cụ thể cho người lao động, thì công việc sẽ được thực hiện chủ động với năng suất cao và hiệu quả hơn trong quá trình bảo quản và nhập, xuất kho. Trên cơ sở đáp ứng yêu cầu gìn giữ chất lượng hàng hoá và yêu cầu quản lý nhập xuất kho nhà nước giao.

Vì vậy, cần phải quản lý có hiệu quả định mức bảo quản theo chu trình công việc, bao gồm xây dựng định mức, giao và ban hành định mức, hướng dẫn thực hiện định mức, triển khai thực hiện định mức tại cơ sở; kiểm tra, giám sát thực hiện quản lý định mức, điều chỉnh định mức, tổng hợp tình hình thực hiện định mức trong năm, lập hồ sơ đề nghị xét tiết kiệm định mức bảo quản.

 Muốn quản lý được hệ thống định mức có hiệu quả thì cần phải quản lý ngay từ khâu đầu tiên là xây dựng định mức. Quá trình xây dựng định mức đảm bảo đúng đắn thì việc xây dựng và giao kế hoạch, việc điều hành công tác nhập, xuất, bảo quản, thanh quyết toán phí bảo quản thuận lợi, kinh phí bảo quản được sử dụng có hiệu quả hơn trong việc giữ gìn chất lượng hàng hóa.

 

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC BẢO QUẢN HIỆN NAY

 

* Những kết quả cơ bản về xây dựng định mức bảo quản:

Ngày 03/4/2006 Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 21/2006/QĐ-BTC V/v ban hành quy chế xây dựng, ban hành và quản lý định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã tạo ra hành lang chung trong công tác quản lý định mức bảo quản, trong đó có quy định nhiều nội dung quản lý cụ thể.

Nhiều năm qua, các Bộ ngành quản lý hàng DTQG đã tích cực phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng và ban hành hầu hết các định mức bảo quản do Bộ, ngành mình đang quản lý. Cụ thể như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính)…  Tất cả các định mức bảo quản của các Bộ, ngành được thống nhất xây dựng biểu hiện dưới hình thức định mức kinh tế - kỹ thuật.

Định mức bảo quản được xây dựng theo quy trình quy định tại Quyết định 21/2006/QĐ-BTC và xây dựng từ cơ sở, đều được lập thành hồ sơ xây dựng định mức. Hội đồng định mức các cấp thực hiện tốt vai trò tham mưu cho thủ trưởng đơn vị trong việc xây dựng, thẩm định hồ sơ xây dựng định mức.

Việc xác định các danh mục định mức chi tiết đều xuất phát từ quy trình công việc bảo quản (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia) và xuất phát từ các số liệu thống kê thực hiện định mức. Mặc dù hàng năm còn phải điều chỉnh song về cơ bản các danh mục định mức chi tiết là phù hợp.

*Những hạn chế chủ yếu về xây dựng định mức bảo quản:

Bên cạnh những kết quả cơ bản kể trên, quá trình xây dựng định mức bảo quản còn bộc lộ một số khiếm khuyết gây phức tạp cho quá trình kiểm tra, thẩm định của cấp có thẩm quyền, thậm trí ảnh hưởng đến việc thực hiện định mức của đơn vị, cụ thể là:

Một số nhà quản lý khi nhìn nhận về xây dựng, ban hành định mức chỉ quan tâm đến tổng số tiền của một định mức (yếu tố kinh tế) mà ít quan tâm đến công việc, vật tư, nhân công là các yếu tố cấu thành nên định mức (yếu tố kỹ thuật). Mặt khác, cũng có quan niệm sai lệch ngược lại là chỉ quan tâm đến danh mục định mức chi tiết (công việc, vật tư, nhân công) và số lượng danh mục định mức chi tiết kèm theo, không quan tâm đến đơn giá và tổng số tiền của một định mức. Như vậy, theo quan niệm này, thì chỉ xây dựng và ban hành phần danh mục và số lượng (yếu tố kỹ thuật) còn phần kinh phí thì được áp giá từng thời điểm thực hiện định mức (yếu tố kinh tế). Có đơn vị xây dựng định mức bảo quản khi chưa có quy trình bảo quản (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ nhà nước), có đơn vị đưa vào định mức những yếu tố ngoài định mức như sửa chữa kho tàng, phòng chống bão lụt, mua trang thiết bị bảo quản…

Tại một số đơn vị đội ngũ quản lý định mức (trong đó có xây dựng định mức) chưa được quan tâm đúng mức, vừa thiếu, lại vừa hạn chế về kinh nghiệm, chưa phát huy rõ nét vai trò tích cực của định mức đối với kế hoạch bảo quản, và công việc gìn giữ chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Mặt khác, do thống kê thực hiện định mức còn hạn chế, nên báo cáo số liệu thống kê còn sai lệch với thực tế, kéo theo việc thẩm định, kiểm tra hồ sơ xây dựng định mức phức tạp, mất nhiều thời gian.

 

TRAO ĐỔI MỘT SỐ NỘI DUNG

CẦN TRIỂN KHAI XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC BẢO QUẢN

 

Để xây dựng định mức bảo quản được đúng đắn, chính xác, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, theo chúng tôi cần phải nghiên cứu làm rõ một số nội dung dưới đây:

Một là, trong quá trình xây dựng định mức, các đơn vị cần phải chấp hành nghiêm túc các quy định tại Quyết định 21/2006/QĐ-BTC ngày 03/4/2006 Về việc ban hành Quy chế xây dựng, ban hành và quản lý định mức bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Đồng thời phải căn cứ vào khái niệm định mức bảo quản quy định tại quyết định nêu trên để loại bỏ các danh mục không phù hợp với khái niệm định mức bảo quản.

Hai là, cần phát huy những thành tựu và khắc phục các hạn chế nêu trên, cụ thể là:

Mọi định mức phải được xây dựng từ cơ sở và dựa vào quy trình, quy phạm (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia). Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn thì đến hết năm 2011 tất cả quy trình, quy phạm phải chuyển đổi thành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Vì vậy, mọi định mức đều phải xây dựng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (trừ một số trường hợp cá biệt về tính chất đặc biệt của hàng hóa trong quốc phòng, an ninh khi chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia).

Để  xác định được danh mục định mức chi tiết, thì phải nghiên cứu thật kỹ quy trình, quy phạm (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia). Phải xác định về tính chất, trạng thái hoặc chất lượng cụ thể của danh mục định mức chi tiết, vì ứng với mỗi tính chất, trạng thái, chất lượng của danh mục định mưc chi tiết kể trên sẽ có mức kinh phí tương ứng (đơn giá). Trường hợp này, hiểu đơn giản là  "tiền nào của nấy", nếu khác đi sẽ gây thiệt hại, thất thoát tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng của hàng hóa.

Thông thường sau một năm thực hiện thì đơn vị xem xét lại định mức bảo quản theo hai khía cạnh sau đây để xây dựng định mức bảo quản cho năm sau:

Danh mục định mức chi tiết có gì thay đổi (thêm, bớt danh mục định mức chi tiết)

Số lượng của một danh mục định mức chi tiết có phải điều chỉnh tăng hay giảm không.

Nội dung nữa là, mọi đề nghị ban hành định mức phải được xây dựng thành hồ sơ thông qua Hội đồng định mức các cấp tham mưu, do thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm./.

 

Bài viết kỳ sau: Một số nội dung trao đổi về tổ chức thực hiện định mức bảo quản và mối quan hệ của định mức bảo quản với kế hoạch bảo quản hàng năm.

                              Hoàng Văn Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ KH và CNBQ