Luật thuế bảo vệ môi trường - Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội

(09/03/2011)

Giới thiệu Luật thuế bảo vệ môi trường

 
 
LUẬT THUẾ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội

_________
 

Thực hiện Nghị quyết 48 ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về: “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”. Một trong những định hướng chiến lược quan trọng là “Hoàn thiện pháp luật về tài nguyên và môi trường”. Ngày 15/01/2010 Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.     

 Luật thuế bảo vệ môi trường được ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm môi trường, phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới. Luật góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của toàn xã hội, từ đó thay đổi nhận thức, hành vi của tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu dùng nhằm giảm phát thải ô nhiễm tại nguồn... Luật điều chỉnh đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường.
 
 Luật Thuế bảo vệ môi trường gồm 6 Chương và 13 Điều, trong đó có một số nội dung chính như sau:
Người nộp thuế

1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này.

2. Người nộp thuế bảo vệ môi trường trong một số trường hợp cụ thể được quy định như sau:

a) Trường hợp ủy thác nhập khẩu hàng hóa thì người nhận ủy thác nhập khẩu là người nộp thuế;

b) Trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ mà không xuất trình được chứng từ chứng minh hàng hóa đã được nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua là người nộp thuế.

Căn cứ tính thuế

1. Căn cứ tính thuế bảo vệ môi trường là số lượng hàng hóa tính thuế và mức thuế tuyệt đối.

2. Số lượng hàng hóa tính thuế được quy định như sau:

a) Đối với hàng hóa sản xuất trong nước, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho;

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, số lượng hàng hóa tính thuế là số lượng hàng hóa nhập khẩu.

3. Mức thuế tuyệt đối để tính thuế được quy định tại Điều 8 của Luật này.

Phương pháp tính thuế

Số thuế bảo vệ môi trường phải nộp bằng số lượng đơn vị hàng hóa chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối quy định trên một đơn vị hàng hóa.

Biểu khung thuế
1. Mức thuế tuyệt đối được quy định theo Biểu khung thuế dưới đây:
Số thứ tự
Hàng hóa
Đơn vị tính
Mức thuế
(đồng/1 đơn vị hàng hóa)
I
Xăng, dầu, mỡ nhờn
 
 
1
Xăng, trừ etanol
Lít
1.000-4.000
2
Nhiên liệu bay
Lít
1.000-3.000
3
Dầu diezel
Lít
500-2.000
4
Dầu hỏa
Lít
300-2.000
5
Dầu mazut
Lít
300-2.000
6
Dầu nhờn
Lít
300-2.000
7
Mỡ nhờn
Kg
300-2.000
II
Than đá
 
 
1
Than nâu
Tấn
10.000-30.000
2
Than an-tra-xít (antraxit)
Tấn
20.000-50.000
3
Than mỡ
Tấn
10.000-30.000
4
Than đá khác
Tấn
10.000-30.000
III
Dung dịch Hydro-chloro-fluoro-carbon (HCFC)
kg
1.000-5.000
IV
Túi ni lông thuộc diện chịu thuế
kg
30.000-50.000
V
Thuốc diệt cỏ thuộc loại hạn chế sử dụng
kg
500-2.000
VI
Thuốc trừ mối thuộc loại hạn chế sử dụng
kg
1.000-3.000
VII
Thuốc bảo quản lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng
kg
1.000-3.000
VIII
Thuốc khử trùng kho thuộc loại hạn chế sử dụng
kg
1.000-3.000

 

2. Căn cứ vào Biểu khung thuế quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế cụ thể đối với từng loại hàng hóa chịu thuế bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ;

b) Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa.

Thời điểm tính thuế

1. Đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tặng cho, thời điểm tính thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa.

2. Đối với hàng hóa sản xuất đưa vào tiêu dùng nội bộ, thời điểm tính thuế là thời điểm đưa hàng hóa vào sử dụng.

3. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

4. Đối với xăng, dầu sản xuất hoặc nhập khẩu để bán, thời điểm tính thuế là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng, dầu bán ra.

Khai thuế, tính thuế, nộp thuế

1. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa sản xuất bán ra, trao đổi, tiêu dùng nội bộ, tặng cho được thực hiện theo tháng và theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

2. Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với khai thuế và nộp thuế nhập khẩu.

3. Thuế bảo vệ môi trường chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu.

Hoàn thuế

Người nộp thuế bảo vệ môi trường được hoàn thuế đã nộp trong các trường hợp sau:

1. Hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan được tái xuất khẩu ra nước ngoài;

2. Hàng hóa nhập khẩu để giao, bán cho nước ngoài thông qua đại lý tại Việt Nam; xăng, dầu bán cho phương tiện vận tải của hãng nước ngoài trên tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc phương tiện vận tải của Việt Nam trên tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;

3. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất.

4. Hàng hóa nhập khẩu do người nhập khẩu tái xuất khẩu ra nước ngoài;

5. Hàng hóa tạm nhập khẩu để tham gia hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm theo quy định của pháp luật khi tái xuất khẩu ra nước ngoài.

Luật thuế bảo vệ môi trường đã đưa ra một số giải pháp có tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam. Đáp ứng yêu cầu cải thiện tình hình môi trường ở Việt Nam cũng như góp phần bảo vệ lá phổi xanh của thế giới. Luật thuế bảo vệ môi trường sau khi có hiệu lực sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động của ngành dự trữ nhà nước, từ các danh mục hàng hóa chịu thuế môi trường đến các khung biểu thuế áp dụng cho từng mặt hàng. Vì vậy, mỗi CBCC Dự trữ Nhà nước nỗ lực chung tay góp phần xây dựng một môi trường xanh, sạch, đẹp với tư cách người công dân, ngoài ra với tư cách là một công chức nhà nước còn có trách nhiệm thực thi các điều khoản của Luật trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày.

Môi trường cần được bảo vệ và cần phải bảo vệ môi trường - Mỗi CBCC Dự trữ Nhà nước thực hiện điều đó bắt đầu bằng việc tìm hiểu Luật thuế bảo vệ môi trường.
                                      

                Cục Công nghệ thông tin



Các tin đã đưa ngày: