Đề án 30 - Nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cải cách thủ tục hành chính

(19/11/2010)

Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) đang là vấn đề được toàn xã hội quan tâm, không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi chúng ta đang phải tuân thủ rất nhiều quy định về TTHC, trong số đó rất nhiều TTHC đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân, gây tốn kém nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Cải cách hành chính được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đổi mới từng bước hệ thống chính trị.

 Mục tiêu của Đề án 30

Ngày 10/01/2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 30/QĐ-TTg  Phê duyệt Đề án Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 – 2010 (gọi là Đề án 30). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006- 2010 của Chính phủ, với mục tiêu nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch của thủ tục hành chính; tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong tiếp cận và thực hiện thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phòng, chống tham nhũng và lãng phí. Đề án 30 khẳng định quyết tâm của Chính phủ tiến hành cải cách hành chính nhà nước, Đề án 30 là một điểm nhấn để cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài nước có lòng tin vào công cuộc đổi mới của Việt Nam.

Một số nội dung chính của Đề án
 Đề án được chia thành 04 tiểu Đề án, như sau:
Tiểu Đề án 1: Đơn giản hoá thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước

Mục tiêu của tiểu Đề án nhằm hệ thống, đánh giá tổng thể thực trạng các thủ tục hành chính hiện hành, phát hiện các bất cập trên cơ sở đó đưa ra các phương án giải quyết, hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp.

Tiểu Đề án 2: Đơn giản hóa điều kiện kinh doanh

Mục tiêu của tiểu Đề án nhằm xây dựng hệ thống điều kiện kinh doanh minh bạch, hợp lý, thống nhất vừa đáp ứng nhiệm vụ quản lý nhà nước, vừa bảo đảm yêu cầu thông thoáng và giảm chi phí về thời gian, vật chất cho người dân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tiểu Đề án 3: Đơn giản hoá mẫu đơn, tờ khai hành chính trong hồ sơ thủ tục hành chính

Mục tiêu của tiểu Đề án nhằm bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong ban hành, quản lý và sử dụng mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính trong hồ sơ  thủ tục hành chính; chống việc lạm dụng mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính phục vụ lợi ích cục bộ, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng và thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính.

Tiểu Đề án 4: Xây dựng cơ chế tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp.

 Mục tiêu của tiểu Đề án nhằm kịp thời điều chỉnh, sửa đổi và hoàn thiện các cơ chế chính sách, thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý các phản ánh, kiến nghị về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính nhà nước.

 Đề án 30 được  thực hiện qua  3 giai đoạn:

Gai đoạn 1, từ tháng 8 năm 2008 đến tháng 9 năm 2009, thực hiện thống kê TTHC tại tất cả các cấp chính quyền;

Giai đoạn 2, từ tháng 9 năm 2009 đến tháng 5 năm 2010 thực hiện rà soát TTHC theo các tiêu chí về tính hợp pháp, sự cần thiết và tính hợp lý của TTHC và các văn bản, quy định có liên quan;

Giai đoạn 3 trong năm 2010, tổ chức thực hiện các kiến nghị đơn giản hóa TTHC và công bố công khai cơ sở dữ liệu quốc gia về  TTHC trên INTERNET phục vụ nhân dân.

Đến nay, Đề án 30 đã kết thúc giai đoạn 2 với kết quả đã thiết lập và công bố công khai Bộ dữ liệu quốc gia về TTHC trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp; trên 5.500 TTHC được rà soát trên tổng số 5.700 thủ tục đã thống kê, qua đó 453 TTHC kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ, 3.749 TTHC kiến nghị sửa đổi bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp, 288 TTHC kiến nghị thay thế, đạt tỉ lệ đơn giản hóa 81%.

Ngày 02/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết của Chính phủ số 25/NQ-CP thông qua phương án đơn giản hóa 258 TTHC ưu tiên, theo tính toán việc đơn giản hóa 258 TTHC này sẽ giúp cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng mỗi năm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của cá nhân và doanh nghiệp. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ cải cách TTHC một cách triệt để, theo hướng cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ việc hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, xây dựng một môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.

Tổ chức thực hiện Đề án 30

Để thực hiện mục tiêu của Đề án 30, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 04/01/2008 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã lập Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng để tổ chức và điều phối hoạt động cải cách thủ tục hành chính trong phạm vi toàn quốc, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đã lập 87 tổ công tác để thực hiện Đề án theo chỉ đạo của Thủ tướng và hướng dẫn của Tổ công tác Trung ương.

Bộ Tài chính tổ chức thực hiện Đề án 30 khẩn trương và kiên quyết

Năm 2008, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác thực hiện Đề án 30 giai đoạn 2007-2010, và tiếp tục kiện toàn theo Quyết định số 1932/QĐ-BTC ngày 05/9/2008 (gọi tắt là Tổ công tác 1932). Để công tác thống kê, rà soát của tổ công tác được thuận lợi, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu triển khai thực hiện TTHC, Bộ Tài chính đã phân chia danh mục, lĩnh vực TTHC, mẫu đơn, mẫu tờ khai thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ thành 09 lĩnh vực: Tài chính - Ngân sách; Thuế, phí, lệ phí; Tài chính doanh nghiệp; Quản lý tài sản công; Quản lý giá; Dịch vụ tài chính và các quỹ tài chính; Tài chính đối ngoại và Hội nhập tài chính quốc tế; Hải quan; Thanh tra, kiểm tra tài chính. Mặt khác, Bộ Tài chính cũng đã phân chia danh mục TTHC theo 04 cấp thực hiện đối với từng TTHC để thể hiện rõ các cấp thực hiện TTHC.

Đóng góp vào kết quả thực hiện Đề án 30, đến nay Bộ Tài chính đã rà soát 840 TTHC; trong 258 TTHC thuộc giai đoạn rà soát ưu tiên được thông qua tại Nghị quyết 25/NQ-CP có 61 TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.

Tổng cục Dự trữ Nhà nước với việc thực hiện Đề án 30

Đầu mối thực hiện Đề án 30 tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước là Vụ Chính sách và Pháp chế. Trong giai đoạn qua, do số lượng TTHC trong lĩnh vực dự trữ nhà nước trực tiếp liên quan hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân không nhiều, mặt khác do hạn chế về nguồn nhân lực, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới thống kê và rà soát được 03 thủ tục hành chính được quy định tại Quyết định 103/2008/QĐ-BTC ngày 12/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia do Cục Dự trữ quốc gia trực tiếp quản lý, cụ thể là các thủ tục: Bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp một đơn vị tài sản có giá khởi điểm dưới 1 tỷ đồng; Bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp một đơn vị tài sản có giá khởi điểm từ 1 đến dưới 5 tỷ đồng; Bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia trong trường hợp một đơn vị tài sản có giá khởi điểm từ 5 tỷ đồng trở lên. Phương án đơn giản hóa được kiến nghị đối với 03 TTHC này được thực hiện bằng việc xây dựng Thông tư thay thế Quyết định số 103/2008/QĐ-BTC về bán đấu giá hàng dự trữ nhà nước theo hướng: tăng thẩm quyền quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đối với bán đấu giá hàng dự trữ quốc gia; bỏ điều kiện Người tham gia đấu giá là cá nhân phải có văn bản bảo lãnh của ngân hàng tối thiểu bằng 50% giá trị tài sản bán đấu giá; rút ngắn thời hạn mở cuộc bán đấu giá kể từ ngày ký Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá… Qua đó, thu được lợi ích là cắt giảm chi phí tuân thủ TTHC mỗi năm hơn 11,25 tỷ đồng (21,52%).

Ngày 08/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành tiếp Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính. Điểm nổi bật cần chú ý của Nghị định 63 là đối với những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính trước khi gửi cơ quan thẩm định phải có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính và ý kiến góp ý của Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính. Tiếp theo Đề án 30, Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng đang tiến hành thống kê, rà soát những thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp, để trong thời gian tới có thể kiến nghị bãi bỏ những thủ tục rườm rà, sửa đổi bổ sung thay thế những thủ tục không cần thiết, lựa chọn một số TTHC có tính phổ biến, tần suất xuất hiện cao, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp, thuận lợi cho việc xây dựng tiêu chuẩn ISO để đăng ký và xây dựng Mô hình khung quản lý chất lượng.

Cải cách hành chính là nhiệm vụ rộng lớn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, đến nhiều đối tượng thực thi trong  xã  hội; Vì vây, đòi hỏi mỗi đơn vị, mỗi cán bộ, công chức phải nâng cao nhận thức, tư duy, trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ, góp phần từng bước xây dựng một nền hành chính dân chủ, minh bạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.

 
               Vụ Chính sách và Pháp chế


Các tin đã đưa ngày: