Tổng cục Dự trữ Nhà nước lấy ý kiến dự thảo Thông tư: Quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

(21/10/2024)

BỘ TÀI CHÍNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------------
 

Số:           /2024/TT-BTC

Hà Nội, ngày       tháng      năm 2024

 

 

 

(DỰ THẢO)

THÔNG TƯ

Quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

-------------------------

 

Căn cứ Luật Dự trữ quốc gia ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Luật Đấu thầu  ngày 23 tháng 6 năm 2023;

Căn cứ Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

Căn cứ Nghị định số 14/2023/NĐ-CP ngày 20 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 56/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết Nghị quyết số 1024/2020/UBTVQH14 ngày 09 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng DTQG;

Căn cứ Nghị định số 128/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi Danh mục chi tiết hàng dự trữ quốc gia và phân công cơ quan quản lý hàng dự trữ quốc gia kèm theo Nghị định 94/2013/NĐ-CP;

Căn cứ Nghị định số 94/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia thực hiện giữa các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia với các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật dự trữ quốc gia và pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Thuê bảo quản là việc các bộ, ngành được phân công quản lý hàng dự trữ quốc gia thuê các tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

2. Thời gian thuê bảo quản là thời gian được tính từ khi nhập hàng dự trữ quốc gia vào kho đến khi xuất hàng đó ra khỏi kho. Thời điểm nhập hàng và xuất hàng dự trữ quốc gia được thể hiện trên các chứng từ nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia theo quy định pháp luật.

3. Thời gian thực hiện hợp đồng thuê bảo quản là số ngày tính từ ngày hợp đồng thuê bảo quản có hiệu lực đến ngày các bên hoàn thành nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng.

4. Luân phiên đổi hàng quy định tại Thông tư này là việc xuất bán các mặt hàng dự trữ quốc gia có thời hạn bảo quản, hoặc hàng giảm chất lượng, hoặc hàng không phù hợp với tiến bộ kỹ thuật để nhập hàng mới đảm bảo số lượng và chất lượng hàng dự trữ quốc gia.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp để thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia quyết định lựa chọn số lượng tổ chức, doanh nghiệp đủ điều kiện thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia nêu tại khoản 3 Điều này theo quy định của Luật Đấu thầu, Luật Dự trữ quốc gia và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Đối với mỗi gói thầu thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải nêu rõ nguồn vốn đã được xác định hoặc phê duyệt; trường hợp gói thầu có thời gian thực hiện dài hơn 01 năm, nguồn vốn có thể được xác định trên cơ sở dự toán mua sắm của năm ngân sách và dự kiến dự toán mua sắm của các năm ngân sách tiếp theo, trong phạm vi kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 03 năm được lập hàng năm. Việc thanh thoán theo từng năm được thực hiện sau khi dự toán năm được phê duyệt và theo quy định của pháp luật.

Chủ đầu tư được tổ chức lựa chọn nhà thầu trong năm này để thuê bảo quản cho các năm tiếp theo nhằm bảo đảm việc cung ứng dịch vụ bảo quản hàng dự trữ quốc gia không bị gián đoạn.

3. Tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện đã được quy định tại Điều 53 Luật Dự trữ quốc gia còn phải đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

a) Có địa điểm kho chứa hàng dự trữ quốc gia phù hợp với quy hoạch kho chứa hàng dự trữ quốc gia theo các vùng chiến lược; đồng thời phải thuận tiện cho công tác bảo quản, nhập, xuất, xuất cấp khi có quyết định của cấp có thẩm quyền;

b) Có đủ năng lực, điều kiện để thực hiện công tác luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia;

c) Có đủ phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phù hợp, cần thiết phục vụ cho công tác nhập, xuất, bảo quản, an ninh, phòng chống thiên tai, hỏa hoạn và mọi sự xâm hại khác; phù hợp với tính chất lý, hóa của từng loại hàng; phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng, miền và yêu cầu khác của công tác bảo quản;

d) Có công nghệ bảo quản phù hợp; có tỷ lệ hao hụt trong bảo quản thấp và không vượt quá định mức hao hụt theo quy định của pháp luật (nếu có); đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả trong thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Điều 5. Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Việc ký kết và thực hiện Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan.

2. Hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia cần nêu rõ các các nội dung: Thời gian thuê bảo quản, số lượng hàng dự trữ quốc gia thuê bảo quản; luân chuyển, hoán đổi (nếu có); hao hụt trong quá trình bảo quản; phạt vi phạm hợp đồng (nếu có); trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện hợp đồng bảo quản; cam kết giữa các bên tham gia ký kết hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia về thực hiện quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật dự trữ quốc gia.

Điều 6. Kinh phí thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

   1. Kinh phí thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia từ nguồn ngân sách nhà nước chi cho hoạt động quản lý dự trữ quốc gia (chi các hoạt động kinh tế) của các bộ, ngành; được lập trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 03 năm và được giao hàng năm cho các bộ, ngành theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia phải được quản lý chặt chẽ theo kế hoạch, dự toán, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, hợp đồng thuê bảo quản hoặc theo chế độ khoán; sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả và phải được hạch toán kế toán theo đúng quy định của chế độ kế toán hiện hành.

3. Nguyên tắc chi, nội dung chi, mức chi, cấp kinh phí, hồ sơ cấp kinh phí thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia và khoán chi phí thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia.

Điều 7. Nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Tổ chức, doanh nghiệp được lựa chọn thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia có nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm quy định tại Điều 19. Luật Dự trữ quốc gia

2. Hàng dự trữ quốc gia phải được cất giữ riêng; bảo quản theo đúng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Định mức kinh tế - kỹ thuật hàng dự trữ quốc gia và hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia; đảm bảo về số lượng, chất lượng, an toàn, giữ gìn bí mật theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

3. Lập đầy đủ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán để ghi chép, theo dõi số lượng, chất lượng, giá trị và diễn biến trong quá trình nhập, xuất, bảo quản, luân chuyển, hoán đổi hàng dự trữ quốc gia, gồm: thẻ kho, sổ kho, sổ kế toán, sổ theo dõi bồn, bể; phiếu kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng, nhật ký bảo quản và các tài liệu khác có liên quan.

4. Trong quá trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia, nếu hàng dự trữ quốc gia bị hư hỏng, giảm chất lượng phải có biện pháp phục hồi hoặc kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xuất bán để hạn chế thiệt hại; nếu để hàng bị hư hỏng, giảm chất lượng, hao hụt quá định mức do nguyên nhân chủ quan hoặc sử dụng hàng dự trữ quốc gia sai mục đích, phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của hợp đồng và của pháp luật.

5. Thực hiện tổng hợp, báo cáo việc nhập, xuất, tồn kho; tình hình thực hiện kinh phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quý và theo năm gửi bộ, ngành thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia trước ngày 10 tháng đầu quý sau (đối với báo cáo quý), trước ngày 15/01 năm sau (đối với báo cáo năm.

Điều 8. Nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành ký hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

1. Kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với tổ chức, doanh nghiệp ký hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia về số lượng, chất lượng, kho chứa hàng; công tác bảo vệ, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Định mức kinh tế - kỹ thuật; việc thực hiện nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia; luân phiên đổi hàng dự trữ quốc gia.

2. Tổ chức xét duyệt báo cáo quyết toán kinh phí nhập, xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia và chịu trách nhiệm về quyết toán đã được duyệt; tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính thẩm định và tổng hợp báo cáo Chính phủ theo quy định.

3. Báo cáo công tác quản lý, bảo quản, sử dụng hàng dự trữ quốc gia và tình hình thực hiện Hợp đồng thuê bảo quản của năm trước gửi Bộ Tài chính trước ngày 20 tháng đầu quý sau (đối với báo cáo quý), trước ngày 25/01 năm sau (đối với báo cáo năm).

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Xử lý chuyển tiếp

1. Các hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia đã ký trước ngày thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư 172/2013/TT-BTC cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực.

2. Các hợp đồng thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia được ký từ ngày thông tư này có hiệu lực, thực hiện theo quy định của thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành.

 Điều 10. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ……./2024

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia căn cứ quy định tại Thông tư này để tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề vướng mắc, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Nơi nhận:

- Văn phòng Chính phủ;

- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng; 

- Văn phòng Chủ tịch nước, Quốc hội;

- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

- Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

- Toà án nhân dân tối cao;

- Kiểm toán nhà nước;

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

- Sở Tài chính, Kho bạc NN, Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

- Công báo;

- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

- Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực;

- Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính;

- Lưu: VT, TCDT.

 

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

 

 

Lê Tấn Cận


 

 


Tài liệu đính kèm:


   
Loại Mua (TM) Mua (CK) Bán
Cập nhật:   nguồn: vietcombank