Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Điểm nhấn quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính

(17/11/2015)

Sau hơn 1 năm khẩn trương triển khai xây dựng, ngày 15/10/2015, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành Thông tư số 160/2015/TT-BTC quy định về định mức chi phí nhập, xuất hàng DTQG và Thông tư số 161/2015/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý. Đây được xem là cơ sở pháp lý, giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng quản lý ngành Dự trữ Quốc gia (DTQG).

Nhiều quy định không còn phù hợp

Định mức kinh tế - kỹ thuật là giải pháp quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng quản lý cũng như là cơ sở pháp lý để quản lý DTQG. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, ngành Dự trữ Quốc gia đã hình thành hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật để quản lý công tác xuất, bảo quản, nhập hàng DTQG. Gắn liền với sự phát triển của ngành công tác quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG liên tục được hoàn thiện trên cơ sở hoàn thiện công tác quản lý, công nghệ bảo quản hàng DTQG.

Định mức kinh tế - kỹ thuật là cơ sở pháp lý để triển khai các công việc như: Xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách chi cho quản lý DTQG gồm: Kế hoạch tài chính ngân sách cho công tác nhập, bảo quản, xuất hàng DTQG; Lập, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí nhập, bảo quản, xuất hàng DTQG; Ký hợp đồng bảo quản hàng DTQG theo quy định của pháp luật. Đồng thời là tiêu chuẩn xác định giá  trị hao hụt hàng DTQG được phép ghi giảm nguồn vốn DTQG trong quá trình quản lý hàng DTQG theo quy định của pháp luật. Đặc biệt đây cũng là một trong những tiêu chuẩn để kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị dự trữ quốc gia.

Trong những năm qua Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư số 185/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011 quy định định mức chi phí bảo quản lương thực, vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia (Thông tư 185), Thông tư số 186/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011 quy định định mức phí nhập, xuất lương thực dự trữ quốc gia (Thông tư 186) và Thông tư số 187/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011 quy định định mức phí nhập, xuất vật tư, thiết bị dự trữ quốc gia (Thông tư 187). Ba thông tư này đã tạo hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ và hiệu quả những vấn đề liên quan tới DTQG. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai những quy định này đã không còn phù hợp đòi hỏi phải sửa đổi.

Trước hết là thời gian có hiệu lực: Các định mức trong 3 Thông tư nêu trên được thực hiện từ năm ngân sách 2012 đến hết năm 2014. Như vậy từ năm 2015 chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh định mức và cơ sở để áp dụng.

Hai là một số mặt hàng mới đưa vào Dự trữ Quốc gia để bảo quản nhưng chưa có định mức (muối ăn, nhà bạt nhẹ) nay cần phải phải xây dựng định mức phục vụ công tác quản lý.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật được ban hành từ những năm 2011 trở về trước đến năm 2014 đã bị lạc hậu do có những mặt hàng đã chuyển đổi hoàn toàn công nghệ áp dụng; đơn giá vật tư, nhân công đã lạc hậu; chưa đảm bảo các nguyên tắc cơ bản về xây dựng, ban hành định mức hàng DTQG theo quy định.

Chính vì vậy để thống nhất trong quá trình thực hiện cần phải sửa đổi, bổ sung ba thông tư trên.

Nâng cao chất lượng công tác quản lý DTQG

Xuất phát từ thực trạng trên, để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp và đáp ứng về yêu cầu quản lý hàng DTQG, trong năm 2014 Tổng cục DTNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng lại toàn bộ các định mức kinh tế - kỹ thuật hàng DTQG. Trong đó bao gồm các biện pháp như: Chỉ đạo các Cục DTNN khu vực tổng kết đánh giá việc thực hiện định mức trong các năm trước (2012-2014); triển khai các đề tài nghiên cứu để xây dựng định mức cho các mặt hàng mới.

 

Hàng DTQG được quản lý trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia

và bảo đảm phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia chuyên ngành.

 

Với những nỗ lực và cố gắng đó sau hơn 1 năm khẩn trương xây dựng, ngày 15 tháng 10 năm 2015, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 160/2015/TT-BTC quy định về định mức chi phí nhập, xuất hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý (Thông tư 160) và Thông tư số 161/2015/TT-BTC quy định về định mức chi phí bảo quản và định mức hao hụt hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý  (Thông tư 161) .

Theo đánh giá của một số chuyên gia Thông tư 160 và 161 ra đời đã góp phần giải quyết một số vấn đề bất cập do thực tiễn quản lý đặt ra như: Giải quyết hệ thống định mức phù hợp với sự chuyển đổi công nghệ bảo quản của thóc DTQG từ công nghệ bảo quản truyền thống thoáng tự nhiên sang bảo quản theo công nghệ áp suất thấp với 2 phương thức bảo quản là đổ rời và đóng bao quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14: 2014/BTC.

Đáng ghi nhận, hai thông tư trên đã  kịp thời bổ sung các định mức đối với các mặt hàng mới đưa vào dự trữ hoặc còn chưa xây dựng được định mức (mặt hàng nhà bạt cứu sinh loại nhẹ nhập kho năm 2013, 2014). Đồng thời loại bỏ định mức đối với mặt hàng không còn nằm trong danh mục hàng DTQG theo quy định tại Nghị định số 94/2013/NĐ-CP (mặt hàng ô tô tải); kịp thời điều chỉnh định mức phù hợp với sự biến động của yếu tố giả cả trong cơ cấu định mức.

 

Gạo DTQG hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn

luôn được đảm bảo về số lượng và chất lượng.

 

Thông qua việc sửa đổi, bổ sung hai thông tư trên đã góp phần thực hiện cải cách thủ tục hành chính thông qua việc triển khai xây dựng các thông tư quản lý định mức theo quy trình nghiệp vụ chuyên môn. Từ đó đã sửa đổi 5 thông tư  gồm:  207/2010/TT-BTC ngày 15/12/2010, 05/2011/TT-BTC ngày 13/01/2011,  185/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011, 186/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011, 187/2011/TT-BTC ngày 19/12/2011 thành 2 thông tư bảo đảm đầy đủ các nội dung định mức theo quy định, dễ hiểu và dễ áp dụng. Đây là một điểm nhấn trong cải cách thủ tục hành chính của Tổng cục DTNN năm 2015.

Thông tư số 160 và Thông tư số 161 ra đời là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng công tác quản lý DTQG; đồng thời là cơ sở quan trọng để Tổng cục DTNN xây dựng chế tài chính, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong quản lý hoạt động DTQG./.

 

Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản – Tổng cục DTNN 

 



Các tin đã đưa ngày: