Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN
Được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn vừa qua, hoạt động dự trữ quốc gia trong lĩnh vực an ninh luôn được tăng cường, củng cố và phát huy hiệu quả. Lực lượng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực an ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Hoạt động dự trữ quốc gia trong lĩnh vực an ninh luôn được tăng cường, củng cố
Trong giai đoạn vừa qua, công tác quản lý dự trữ quốc gia (DTQG) trong lĩnh vực an ninh luôn được tăng cường, củng cố trên tất cả các lĩnh vực.
Hệ thống cơ chế chính sách pháp luật được xây dựng thống nhất, đồng bộ. Bộ Công an đã tích cực phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan từng bước xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật về DTQG, đảm bảo thống nhất, đồng bộ; tạo ra khung pháp lý, định hướng cho công tác quản lý của ngành DTNN nói chung và quản lý hàng DTQG trong lĩnh vực an ninh nói riêng như Luật DTQG và các nghị định hướng dẫn thi hành; các quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, trong đó đã định hướng về danh mục, mức dự trữ, hệ thống kho, công nghệ bảo quản các mặt hàng DTQG trong lĩnh vực an ninh trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng tích cực phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các thông tư hướng dẫn các hoạt động DTQG về kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) chi cho DTQG; mua, bán, nhập, xuất hàng DTQG; chế độ kế toán, thống kê DTQG, quản lý chất lượng hàng DTQG,... Đồng thời, Bộ Công an đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2011/NĐ-CP ngày 25/01/2011 về biện pháp kinh tế bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; trong đó quy định tăng cường DTQG là biện pháp để đảm bảo an ninh quốc gia. Như vậy, hệ thống quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách liên quan đến DTQG trong lĩnh vực an ninh đã được ban hành đầy đủ, kịp thời, phù hợp với thực tiễn.
Lực lượng dự trữ quốc gia trong lĩnh vực an ninh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
được giao, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Nguồn lực dự trữ quốc gia ngành an ninh được quan tâm, bố trí đầy đủ, kịp thời, tăng dần hàng năm. Hàng năm, dự toán Bộ Công an đề xuất được NSNN bố trí đầy đủ, đáp ứng nhu cầu mua sắm các trang thiết bị đưa vào DTQG để chủ động, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Việc bố trí NSNN chi cho DTQG lĩnh vực an ninh trong những năm vừa qua luôn được quan tâm, bố trí tăng cao hơn mức tăng bình quân của toàn Ngành, theo đúng định hướng Chiến lược đề ra. Tổng mức DTQG lĩnh vực an ninh đã được tăng cường và củng cố. Tính đến hết năm 2022, tổng mức DTQG lĩnh vực an ninh đạt trên 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 15-20% tổng mức DTQG, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Công tác xuất cấp kịp thời, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, đáp ứng mọi nhiệm vụ chính trị được giao. Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Công an xuất cấp các mặt hàng với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng và chủ động tạm xuất hàng DTQG trên 30 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ. Việc xuất cấp hàng DTQG lĩnh vực an ninh đã cơ bản đạt được mục tiêu DTQG đề ra, đáp ứng kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ phát sinh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, góp phần ổn định đời sống của Nhân dân và đặc biệt đã kịp thời hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Hàng DTQG được quản lý chặt chẽ, bảo quản đúng quy định, đảm bảo chất lượng. Công tác quản lý DTQG lĩnh vực an ninh đã được lãnh đạo Bộ Công an quan tâm chỉ đạo. Công tác quản lý hàng DTQG đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống kho bảo quản hàng DTQG được từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bố trí theo khu vực chiến lược, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh của vùng lãnh thổ, đáp ứng được yêu cầu công tác bảo quản hàng DTQG.
Giải pháp trong thời gian tới
Trong tình hình mới, cùng với việc thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, DTQG lĩnh vực an ninh cần phải đề ra các giải pháp cụ thể để phát huy tối đa vai trò của mình trong thực hiện các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ được giao, cụ thể:
Thứ nhất, tích cực tham gia xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG nói chung và trong lĩnh vực an ninh nói riêng. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030 và Quy hoạch tổng thể kho DTQG đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù trong hoạt động DTQG lĩnh vực an ninh làm cơ sở cho công tác quản lý, điều hành.
Thứ hai, tăng cường lực lượng DTQG lĩnh vực an ninh theo hướng tập trung rà soát, xây dựng kế hoạch, dự toán NSNN 5 năm và hàng năm; trong đó ưu tiên mua sắm những mặt hàng chiến lược, tiên tiến, hiện đại, có tính năng, kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Thứ ba, đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống kho DTQG lĩnh vực an ninh với công nghệ bảo quản tiên tiến, hiện đại theo hướng cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài thời hạn bảo quản hàng DTQG.
Thứ tư, xây dựng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật phục vụ cho công tác bảo quản hàng DTQG, cũng như công tác xây dựng kế hoạch, danh mục và dự toán NSNN hàng năm cho hoạt động DTQG lĩnh vực an ninh.
Thứ năm, phối hợp Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) từng bước xây dựng hệ thống thông tin thống nhất trong toàn ngành DTNN, đảm bảo cung cấp các thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi hoạt động DTQG.
Bài đăng trên Bản tin DTNN - Số 4/2023