Ngành Dự trữ Nhà nước vững tin bước vào xuân mới 2022

(07/02/2022)

Nguyễn Thị Phố Giang - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

Năm cũ 2021 khép lại, mở ra năm 2022 với những tín hiệu tốt lành và niềm tin mãnh liệt về sự hồi phục. Với tâm thế, khí thế mới, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) vững tin bước vào Xuân mới 2022.

 

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Nguyễn Thị Phố Giang và Đoàn công tác của Tổng cục DTNN

có buổi làm việc kiểm tra công tác DTQG tại kho K820/BCCB (ngày 29/10/2021).

 

"Cán đích" với những điểm nhấn quan trọng

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề lên toàn thế giới. Ở trong nước, làn sóng dịch bệnh lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống và sức khỏe của Nhân dân. Trong bối cảnh đó, dự trữ quốc gia (DTQG) đã phát huy hiệu quả, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước, chủ động, ứng phó nhanh các tình huống đột xuất cấp bách, thực hiện thắng lợi toàn diện trên mọi mặt công tác, trong đó phải kể đến những điểm nhấn quan trọng của ngành DTNN đã đạt được:

2021 là năm đạt kỷ lục về số lượng và giá trị hàng DTQG xuất cấp. Trong đó, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp nhiều mặt hàng, với tổng giá trị khoảng 3.171,799 tỷ đồng, gồm:

- Lương thực: Đã xuất cấp 253.303 tấn gạo, đây là năm có số lượng gạo xuất cấp lớn nhất trong nhiều năm qua, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, trị giá khoảng 3.026,699 tỷ đồng, gồm: Hỗ trợ Tết Nguyên đán là 9.083 tấn; giáp hạt là 6.343 tấn; dự án trồng rừng là 6.753 tấn; hỗ trợ thiên tai, hạn hán là 840 tấn; hỗ trợ học sinh là 71.313 tấn gạo; hỗ trợ nhân dân chống dịch bệnh COVID-19 là 141.971 tấn và viện trợ CuBa 17.000 tấn.

- Muối ăn: Xuất cấp 1.454,5 tấn muối ăn, trị giá khoảng 3 tỷ đồng, để hỗ trợ người dân 02 tỉnh (Quảng Bình, Hà Tĩnh) bị ảnh hưởng thiên tai.

Cùng với đó, xuất 2.086 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 76 bộ máy phát điện, 30 bộ xuồng cao tốc các loại, 175.699 chiếc phao cứu sinh các loại; 1.539 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 90 bộ máy bơm nước chữa cháy, 15 bộ thiết bị khoan cắt, phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ. 

Hàng DTQG xuất cấp bảo đảm số lượng, chất lượng, kịp thời góp phần giúp Nhân dân, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, tham gia hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Việc hỗ trợ hàng DTQG kịp thời không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà còn thể hiện sự đồng sức, đồng lòng của Chính phủ, các cấp, các ngành nói chung và của ngành DTNN nói riêng cùng với người dân nỗ lực vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, từng bước ổn định cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

2021 là năm Tổng cục DTNN thực hiện xây dựng các đề án lớn về cơ chế, chính sách, trong đó: Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là định hướng khung cho phát triển tiềm lực DTQG và mạng lưới kho DTQG giai đoạn 2021-2030, đồng thời, là căn cứ để xây dựng kế hoạch DTQG hàng năm, kế hoạch 5 năm.

2021 cũng là năm mà toàn ngành DTNN đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn của dịch bệnh, hoàn thành xuất sắc kế hoạch nhập kho để tăng cường nguồn lực DTQG, tạo sự chủ động, sẵn sàng về nguồn lực. Kế hoạch nhập hàng đã được các bộ, ngành quản lý hàng DTQG triển khai với nhiều giải pháp, trong đó tại Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã hoàn thành việc mua 100% lương thực (190 nghìn tấn gạo, 80 nghìn tấn thóc) và lần đầu tiên Tổng cục DTNN triển khai thực hiện mua trên 75 nghìn tấn gạo, trong trường hợp đặc biệt tại Điều 26, Luật Đấu thầu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để xuất cấp ngay, hỗ trợ kịp thời người dân các tỉnh phía Nam khắc phục khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, ngành DTNN đã hoàn thành việc mua nhập kho thông qua đấu thầu rộng rãi qua mạng 106.000 phao tròn, 100 bộ máy bơm nước chữa cháy, 70 máy phát điện... Những kết quả trên, khẳng định vai trò, vị thế của DTQG trong chủ động, đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng chống thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Nỗ lực của ngành DTNN đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương đánh giá cao và ghi nhận tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính-ngân sách năm 2021.

Triển khai nhiệm vụ năm 2022 với tâm thế, khí thế mới

Năm 2022, được dự báo, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, cùng với diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ gia tăng, một số vấn đề về an ninh, quốc phòng còn nhiều nguy cơ khó lường. Trong bối cảnh đó, phát huy thành quả đạt được, với tâm thế, khí thế mới, năm 2022, ngành DTNN tiếp tục chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, ngay từ những ngày đầu năm 2022, ngành DTNN, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG quyết liệt đề ra nhiều giải pháp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch nhập tăng nguồn lực DTQG. Tổng cục DTNN đã chuẩn bị kế hoạch, kỹ lưỡng các phương án để chuẩn bị cho lần đầu tiên thực hiện, đấu thầu mua nhập lương thực qua mạng, đảm bảo nguồn lực, phân bố tại các địa bàn chiến lược, chủ động, sẵn sàng xuất cấp, để ứng phó kịp thời khi có các tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện thể chế DTQG, tập trung xây dựng Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 trình Thủ tướng Chính phủ và ban hành trong năm 2022; Hoàn thiện hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng hàng DTQG và làm căn cứ pháp lý đầy đủ cho việc mua hàng DTQG.

Quan tâm, chú trọng công tác bảo quản hàng DTQG, gắn với thực hiện các phong trào thi đua mang tính đặc thù của Ngành “xây dựng vùng kho dự trữ an toàn, xanh, sạch, đẹp” hướng tới “Ngăn kho kiểu mẫu-Vùng kho kiểu mẫu”, phấn đấu các vùng kho, công sở trong hệ thống DTNN địa phương an toàn, chính quy, sạch, đẹp.

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa kho tàng và công nghệ bảo quản hàng DTQG theo hướng tập trung, đồng bộ cũng là nhiệm vụ trọng tâm được triển khai trong toàn ngành DTNN. Năm 2022, ngành DTNN tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Các dự án xây dựng kho DTQG đã được chuẩn bị sẵn sàng và phân kỳ đầu tư. Kế hoạch xây dựng hệ thống kho DTQG theo hướng tăng dần tích lượng, quy mô tập trung, kết hợp với công nghệ bảo quản, sự chuyên nghiệp của đội ngũ làm công tác hiệu quả, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong công tác quản lý chất lượng hàng DTQG như định hướng đề ra trong dự thảo Chiến lược phát triển DTQG giai đoạn 2021-2030.

Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, và các đơn vị DTQG xử lý tốt các mối quan hệ, giữa các Cục DTNN khu vực với chính quyền địa phương trong quá trình triển khai nhiệm vụ DTQG.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý nội bộ và quản lý DTQG, tiến tới "phủ sóng" công nghệ thông tin trên các hoạt động, phù hợp với kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số.

Trong năm 2022, ngành DTNN cũng sẽ thực hiện nghiêm và có hiệu quả kế hoạch thanh tra, kiểm tra. Tăng cường kiểm tra nội bộ, tự kiểm tra của các đơn vị dự toán, để đánh giá việc triển khai dự toán và các chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động DTQG.

Đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; thực hiện trang cấp và quản lý tài sản công theo quy định...

Với truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng, ngành Dự trự Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao với tinh thần và trách nhiệm cao.



Các tin đã đưa ngày: