Phát huy những thành tích đã đạt được, năm 2022, toàn ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) quyết tâm thực hiện quản lý hiệu quả nguồn lực dự trữ quốc gia (DTQG); chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh...
Ảnh minh họa.
Triển khai kịp thời, hiệu quả xuất cấp hỗ trợ người dân
Năm 2021, vượt qua khó khăn, thách thức do dịch bệnh, ngành DTNN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, một trong những điểm nhấn là nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG để hỗ trợ, cứu trợ nhân dân trong đại dịch COVID-19 và thiên tai bão lũ, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, viện trợ quốc tế. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành DTNN xuất cấp một lượng hàng, lương thực dự trữ quốc gia lớn như vậy, để ổn định đời sống nhân dân ở vùng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh..
Cụ thể, theo Tổng cục DTNN, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp hàng trị giá hơn 3.424 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp 253.303 tấn gạo, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, trị giá hơn 3.026 tỷ đồng, riêng xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 khoảng 141.971 tấn gạo.
Bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất, cấp hàng DTQG, trong năm 2021, Tổng cục DTNN đã chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG.
Thực tế cho thấy, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng DTQG theo quy định, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hàng dự trữ được bảo quản an toàn về số lượng, đảm bảo chất lượng.
Đối với các mặt hàng do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) trực tiếp quản lý, năm 2021, Tổng cục đã thành lập một số đoàn kiểm tra, phúc tra chất lượng hàng nhập kho trong năm 2021. Chất lượng lương thực, vật tư, thiết bị DTQG được các đơn vị chú trọng quan tâm ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và chuẩn bị xuất kho đảm bảo chất lượng, số lượng theo quy định...
Tập trung triển khai các nhiệm vụ, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách
Năm 2022, dự báo nền kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai, bão lũ. Nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh là rất lớn.
Trong bối cảnh đó, toàn ngành DTNN sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, quyết tâm thực hiện hiệu quả nguồn lực DTQG; chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh. Ngay từ đầu năm 2022, ngành DTNN tập trung triển khai các nhiệm vụ nhằm thực hiện mục tiêu chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh...
Cụ thể, đối với công tác quản lý DTQG, Tổng cục DTNN tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức, tiêu chuẩn để quản lý chất lượng hàng DTQG làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành DTQG; hoàn thiện Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát, sửa đổi, bổ sung danh mục hàng DTQG.
Bên cạnh đó, tập trung đôn đốc các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo quản hàng DTQG tích cực triển khai thực hiện kế hoạch được giao theo đúng quy định; hướng dẫn và giải quyết kịp thời về giá, vốn, chi phí cho các bộ, ngành để đẩy nhanh tiến độ nhập hàng theo kế hoạch được giao đảm bảo nguồn lực DTQG; thẩm định và tổng hợp báo cáo quyết toán vốn, chi phí liên quan đến nhập, xuất và bảo quản hàng DTNN năm của các bộ, ngành theo quy định.
Chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo chủ động sẵn sàng thực hiện xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ, cứu trợ các địa phương bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Đối với công tác quản lý hàng DTQG, toàn Ngành đảm bảo số lượng, chất lượng theo quy định; Trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn tăng cường lực lượng DTQG, vốn mua bù các mặt hàng DTQG đã xuất cấp theo đúng quy định của Luật DTQG. Chuẩn bị điều kiện ngay từ đầu năm để thực hiện mua gạo, thóc năm 2022 theo phương thức đấu thầu qua mạng đảm bảo công khai, minh mạch, tiết kiệm ngân sách nhà nước và thực hiện xuất bán luân phiên đổi hàng gạo, thóc thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật.
Trong công tác quản lý nội ngành, Tổng cục DTNN tập trung chỉ đạo các đơn vị hoàn thành kế hoạch nhập, xuất lương thực, vật tư, thiết bị thuộc kế hoạch năm 2022; chuẩn bị sẵn sàng xuất cấp lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ (hỗ trợ dự án trồng rừng, hỗ trợ học sinh, các địa phương trong dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt, khắc phục hậu quả mưa bão, dịch bệnh,...)...
Thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý chất lượng hàng hóa thông qua thanh tra, kiểm tra hàng hóa ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và xuất kho; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa, nắm bắt kịp thời diễn biến chất lượng hàng hóa từ khi nhập kho đến khi xuất kho; chỉ đạo các đơn vị có biện pháp khắc phục kịp thời khi có sự cố, đảm bảo chất lượng hàng hóa trong quá trình lưu kho bảo quản.
Triển khai phương án sắp xếp hệ thống Chi cục DTNN; tăng cường rà soát chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong toàn Tổng cục; làm tốt công tác đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ để bổ sung cán bộ quản lý, cán bộ lãnh đạo cho ngành DTNN; thực hiện thi tuyển công chức để bổ sung lực lượng cán bộ cho Ngành; quản lý chặt chẽ biên chế, quỹ lương được giao, làm tốt công tác chính sách cán bộ, tinh giản biên chế...
Nguồn: Tạp chí điện tử Tài chính