Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) là đơn vị có nhiều hoạt động đặc thù, trong đó hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động quan trọng, thiết thực phục vụ trực tiếp và góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng của ngành.
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học được áp dụng
Trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tập trung nghiên cứu trên 3 nội dung lớn: Hoàn thiện pháp luật dự trữ quốc gia; nghiên cứu triển khai ứng dụng thiết bị công nghệ, cải tiến quy trình bảo quản hàng dự trữ quốc gia; hoàn thiện và nâng cao chất lượng công tác quản lý nội ngành dự trữ nhà nước. Theo đó, các đề tài khoa học công nghệ tập trung theo hướng đổi mới phương thức bảo quản; đẩy nhanh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tìm kiếm các giải pháp kéo dài thời gian bảo quản đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa dự trữ quốc gia. Tổ chức thực hiện các đề tài khoa học quản lý trên các nội dung về xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn để xác định, hoàn thiện danh mục hàng dự trữ quốc gia, hoàn thiện Luật dự trữ quốc gia; xây dựng cơ chế quản lý hàng hóa dự trữ quốc gia; nghiên cứu các giải pháp cải cách hành chính, cơ chế tài chính; tìm kiếm giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức; phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị giai đoạn mới.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, Tổng cục triển khai nghiên cứu 19 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở, 4 đề tài nghiên cứu cấp Bộ. Hầu hết kết quả các đề tài đều được triển khai áp dụng ngay trong thực tiễn. Kết quả nghiên cứu các đề tài là cơ sở để Tổng cục tiến hành xây dựng và hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác quản lý nhà nước. Với định hướng phát triển theo hướng tăng cường mức độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, Tổng cục Dự trữ Nhà nước tiếp tục rà soát hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; chủ động tổ chức nghiên cứu xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để nâng cao hiệu quả trong hoạt động dự trữ quốc gia. Cụ thể, năm 2016 -2019 đã tiến hành sửa đổi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các mặt hàng phao áo, phao tròn, bè cứu sinh nhẹ, máy phát điện, xuồng (tàu) cao tốc, thóc, gạo.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Bảo quản Phan Anh Tuấn thực hiện
nghiên cứu bảo quản thóc DTQG trong môi trường khí Nitơ trên 98%
Về khoa học quản lý, các nghiên cứu đã góp phần hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn trong đổi mới thể chế; kiện toàn hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia đáp ứng mục tiêu tăng cường quản lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành hoạt động dự trữ quốc gia. Đề tài cấp Bộ “Hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia” đã hệ thống hóa, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về dự trữ quốc gia hiện hành trên tất cả các nội dung công việc của hoạt động dự trữ quốc gia (từ mục tiêu, chiến lược, kế hoạch, các điều kiện bảo đảm về ngân sách, kho tàng, đến các hoạt động nghiệp vụ về mua, bán, nhập xuất, bảo quản hàng dự trữ quốc gia…). Đồng thời đề xuất các khuyến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các cơ chế, chính sách, các nội dung quy định nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về dự trữ quốc gia trong những năm tới tại Tổng cục Dự trữ Nhà nước.
Trên cơ sở nghiên cứu đề tài cấp cơ sở “Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê dự trữ quốc gia”, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 72/2018/TT-BTC ngày 10/8/2018 ban hành hệ thống chỉ tiêu ngành dự trữ quốc gia và Thông tư số 130/2018/TT-BTC ngày 27/12/2018 quy định về chế độ báo cáo thống kê ngành dự trữ quốc gia đã mang lại hiệu quả cao trong lĩnh vực thống kê ngành dự trữ quốc gia, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện thống nhất trong công tác thống kê báo cáo nhằm cung cấp thông tin về hoạt động dự trữ quốc gia trung thực, khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời...
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu định hướng chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035”, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã trình Bộ Tài chính về dự thảo Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ngoài ra, các định hướng về tổng mức, quy mô và mức dự trữ quốc gia từng mặt hàng đề xuất trong đề tài được nghiên cứu sử dụng để xây dựng quy mô, công suất, mức đầu tư và định hướng bố trí các điểm kho dự trữ quốc gia trên các vùng chiến lược của cả nước trong Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia đến năm 2030. Hiện nay, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong năm 2020.
Trong những năm qua, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn được Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, về nguồn lực, về điều kiện thí nghiệm để các đề tài nghiên cứu triển khai thực hiện, đáp ứng các yêu cầu mục tiêu đặt ra. Các đề tài nghiên cứu của ngành Dự trữ quốc gia chủ yếu là khoa học ứng dụng, do vậy kinh nghiệm của cán bộ tích lũy trong triển khai nhiệm vụ và sự chủ động về điều kiện nghiên cứu là yếu tố tích cực đóng góp vào sự thành công của các đề tài.
Vì vậy, lực lượng cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học rất đa dạng, có sự tham gia tích cực của cán bộ kỹ thuật thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực, các nghiên cứu viên của các viện, trường và cơ quan quản lý Nhà nước bên ngoài. Các kết quả nghiên cứu khoa học được triển khai trực tiếp trong Ngành nên có điều kiện theo dõi, kiểm định và đánh giá kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu.
Tập trung nghiên cứu ứng dụng hiện đại hóa công nghệ bảo quản hàng dự trữ
Trong giai đoạn tới, ngành DTNN cần tập trung nghiên cứu phát triển ứng dụng các công nghệ mới trong công tác quản lý, tận dụng tối đa lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 để từng bước tiến hành tự động hóa các khâu trong quy trình nghiệp vụ bảo quản DTQG theo nhóm nội dung ngiên cứu như: Nhóm nghiên cứu về giải pháp công nghệ bảo quản hàng DTQG (gồm hoàn thiện công nghệ bảo quản kín duy trì chất lượng tốt, kéo dài thời hạn lưu kho; áp dụng công nghệ phân tích và theo dõi tự động các chỉ số trong kho, có ngưỡng cảnh báo, tự động điều chỉnh nạp khí trong bảo quản kín; các giải pháp công nghệ kéo dài thời gian bảo quản đối với các mặt hàng cứu hộ cứu nạn); nhóm nghiên cứu về xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý DTQG gồm: Hoàn thiện cơ chế thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống kho, xây dựng danh mục và mức dự trữ hàng DTQG từng vùng chiến lược, bảo toàn vốn DTQG, xây dựng các tiêu chuẩn cơ sở đối với các mặt hàng đưa vào DTQG và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các mặt hàng đưa vào dự trữ, bảo quản; nhóm về hoàn thiện cơ chế quản lý nội ngành gồm: Triển khai số hóa tài liệu lưu trữ tại Tổng cục DTNN, đổi mới công tác nhập, mua và công tác xuất bán hàng DTQG do Tổng cục DTNN trực tiếp quản lý; xây dựng quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG do Tổng cục DTNN quản lý.
Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Bảo quản Phan Anh Tuấn trao đổi
tại Hội thảo ngành Tài chính trong tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Để triển khai thành công, trong thời gian tới Tổng cục DTNN đẩy mạnh hợp tác, trao đổi, với các tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu chuyển giao KH&CN trong nước; trao đổi kinh nghiệm, khảo sát thực tế việc triển khai áp dụng KH&CN nói chung và công nghệ bảo quản nói riêng tại các nước đã phát triển khoa học công nghệ./.
Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản