Cục Dự trữ nhà nước Thái Bình: Đảm bảo chất lượng gạo dự trữ bằng công nghệ bảo quản hiện đại

(28/11/2019)

Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Thái Bình đã áp dụng công nghệ hiện đại vào bảo quản thóc, gạo dự trữ. Nhờ đó, chất lượng gạo được đảm bảo, giảm tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản.

 

Bảo quản gạo tại kho DTNN Thái Bình.

 

Chuyển sang phương pháp bảo quản kín

Ông Lê Văn Sáu - Cục trưởng Cục DTNN Thái Bình cho biết, trước kia, thóc dự trữ bảo quản trong kho được để thoáng tự nhiên, sử dụng trấu lót nền, mành tre tránh hấp hơi tường, sau đó lót cót vào và đổ thóc lên. Định kỳ cán bộ dự trữ phải thực hiện đảo thóc để tránh hấp hơi. Cách bảo quản này thường phụ thuộc vào thời tiết, điều kiện môi trường gây nên tình trạng thóc bị vàng, chất lượng thóc kém, tỷ lệ hao hụt nhiều do chuột, mối, mọt.

Trong những năm gần đây, Cục DTNN Thái Bình đã áp dụng phương pháp bảo quản thóc, gạo mới.  Thóc dự trữ  được bảo quản theo phương pháp hút chân không, dùng màng PVC để trải, sau đó xếp các bao thóc lên trên, mỗi ngăn kho có thể xếp từ 100 - 200 bao gạo, sau đó phủ ni lông và hút chân không. Cách bảo quản gạo cũng tương tự, nhưng được bơm bổ sung khí ni tơ. Khí ni tơ sẽ giúp gạo tránh được mối, mọt xâm nhập, giữ được chất lượng gạo. 

Ông Sáu cho biết, thóc, gạo bảo quản bằng phương pháp mới giữ được chất lượng, độ dinh dưỡng gần như  mới, giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt trong quá trình bảo quản.
Hiện nay, Cục DTNN Thái Bình có 4 chi cục với 12 kho dự trữ, trong đó có 10 kho cũ xây dựng từ thập niên 60, 70 của thế kỷ 20; có 2 kho mới được xây dựng trong 5 năm trở lại đây. Trung bình mỗi kho có 10 cán bộ trông coi. Để đảm bảo an toàn thóc, gạo dự trữ, hàng ngày, cán bộ dự trữ đều kiểm tra kho, máy móc, thiết bị bảo quản. Nếu nồng độ khí ni tơ trong ngăn kho giảm thì bơm thêm, đảm bảo tỷ lệ ni tơ bên trong luôn đạt trên 95%. Ngoài ra, cán bộ dự trữ thường xuyên vệ sinh, phòng trừ côn trùng xâm hại, kiểm tra, theo dõi diễn biến chất lượng các lô gạo khi thời tiết thay đổi nhiệt độ.

Sẵn sàng xuất cấp khi có yêu cầu

Ông Sáu cho biết, đến thời điểm này, Cục DTNN khu vực Thái Bình đã hoàn thành chỉ tiêu nhập 6.000 tấn thóc vụ Xuân năm 2019. Trong năm, cục đã xuất cấp hơn 700 tấn gạo cho tỉnh Tuyên Quang để hỗ trợ cho học sinh vùng khó khăn. 

Đối với số gạo trong diện xuất bán đảo hàng dự trữ, Cục DTNN Thái Bình đã khảo sát thị trường, xây dựng phương án giá và lập kế hoạch bán 5.767 tấn gạo nhập kho năm 2018 và 6.000 tấn thóc nhập kho năm 2017. Từ nay đến cuối năm 2019, Cục DTNN Thái Bình sẽ tiếp tục triển khai quy trình xuất bán số lương thực theo kế hoạch. Đồng thời, Cục sẽ phối hợp với các phòng nghiệp vụ và Chi cục DTNN trực thuộc tổ chức nhập trang thiết bị, vật tư cứu hộ, cứu nạn theo hợp đồng đã ký giữa Tổng cục DTNN với đơn vị trúng thầu. 

Bên cạnh đó, cục luôn sẵn sàng  xuất cấp trang thiết bị, vật tư cứu hộ, cứu nạn khi có quyết định của Tổng cục DTNN. Đồng thời, đơn vị sẽ chủ động thực hiện tốt phương án an ninh bảo vệ, phòng chống lụt bão và phòng chống cháy nổ. 

Đối với công tác bảo quản, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng biến động về chất lượng, đảm bảo về số lượng và an toàn về chất lượng hàng dự trữ trong mùa hanh khô; đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc quản lý và thực hiện các định mức kinh tế, kỹ thuật trong công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo quy định.

 

 

Thời báo Tài chính Việt Nam