Trong thời gian từ ngày 07/5/2019 đến ngày 10/5/2019, Đoàn công tác của Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) do đồng chí Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN làm Trưởng đoàn; tham dự đoàn công tác có đại diện các đơn vị: Vụ Khoa giáo Văn Xã, Văn phòng Chính phủ; Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo Dục và Đào Tạo; Vụ Chính sách Dân tộc, Ủy ban Dân tộc; Lãnh đạo và cán bộ của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh đi kiểm tra, nắm tình hình hỗ trợ gạo cho học sinh tại hai tỉnh: Thanh Hóa và Nghệ An theo quy định tại số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn (Nghị định số 116).
Tại tỉnh Thanh Hóa, đoàn công tác đã xuống trực tiếp Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Trung Hạ để kiểm tra công tác tiếp nhận, bảo quản và sử dụng gạo được hỗ trợ. Sau khi nghe đồng chí Phạm Ngọc Thành, hiệu trưởng Nhà trường báo cáo về công tác rà soát đối tượng, tình hình cấp phát, giao nhận, quản lý, sử dụng và bảo quản; gạo được hỗ trợ đảm bảo đủ số lượng, gạo trắng chất lượng tốt; đoàn đã đi kiểm tra thực tế tại bếp ăn và kho bảo quản gạo tại nhà trường. Sau khi đi kiểm tra thực tế tại trường, đoàn công tác đã về làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đơn vị được UBND tỉnh Thanh Hóa giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận cấp phát gạo hỗ trợ cho học sinh theo các quyết định xuất cấp Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Đoàn công tác kiểm tra công tác bảo quản gạo và chất lượng gạo được hỗ trợ tại nhà trường
Theo báo cáo của Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa giao, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị trường học thành lập Hội đồng xét duyệt, tổ chức rà soát, thống kê, tổng hợp danh sách học sinh trên địa bàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 116; chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện có học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa tổ chức giao, nhận gạo theo đúng kế hoạch, quản lý, cấp phát đúng đối tượng được hưởng chính sách theo quy định. Việc giao, nhận gạo đã được hai bên cùng nhau lập biên bản, ký xác nhận về số lượng, chất lượng, thời gian giao, nhận và lưu mẫu gạo tại Phòng giáo dục các huyện.
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh Thanh Hóa có 20.994 học sinh của 246 trường thuộc 17 huyện được hỗ trợ gạo, trong đó: Tiểu học: 6.569 học sinh; THCS: 6.777 học sinh; THPT: 7.694 học sinh. Tổng số gạo đã hỗ trợ trong năm học 2018-2019 là 2.825.490 kg, trong đó: Học kỳ I là 1.589.325 kg (thời gian giao gạo từ ngày 01/10 đến ngày 23/10/2018 và giao bổ sung từ ngày 12/11 đến ngày 20/11/2018). Học kỳ II là 1.236.165 kg (thời gian giao gạo từ ngày 04/03 đến ngày 25/03/2019 và giao bổ sung từ ngày 12/04 đến ngày 15/04/2019).
Trên cơ sở quyết định phân bổ của Ủy ban nhân dân tỉnh và kế hoạch tiếp nhận của các nhà trường, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Thanh Hóa đã phối hợp để tổ chức xuất kho, vận chuyển, giao nhận gạo theo đúng kế hoạch tiếp nhận gạo của nhà trường. Trong đó, đối với các trường Phổ thông dân tộc bán trú, nhà trường đã tiếp nhận gạo và tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh; số lượng gạo nhà trường đã tiếp nhận được bảo quản đảm bảo, không bị ẩm mốc, xuy giảm chất lượng và được kiểm tra thường xuyên trước khi sử dụng nấu ăn cho học sinh. Đối với trường không tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh: Nhà trường thông báo và mời phụ huynh học sinh đến cùng nhận với học sinh tại trường.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đánh giá: Công tác hỗ trợ gạo được kịp thời, giao đủ số lượng và chất lượng đảm bảo; Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh theo quy định tại Nghị định số 116 đã tạo điều kiện cho con em các gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới được đến trường, qua đó đã tạo điều kiện để các trường làm tốt công tác huy động học sinh đến lớp, hạn chế đến mức thấp nhất số học sinh bỏ học, tạo chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.
Tại tỉnh Nghệ An, Đoàn công tác đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An và có sự tham gia của Lãnh đạo Sở Tài chính, Ban dân tộc tỉnh. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An, để thực hiện công tác hỗ trợ gạo cho học sinh, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh giao, Sở Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Sở Tài chính, Ban Dân tộc chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, các đơn vị trường học tổ chức rà soát đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ gạo theo đúng quy trình, trình tự hỗ trợ gạo cho học sinh. Theo đó, trong năm học 2018-2019, tổng số huyện được thụ hưởng chính sách của tỉnh là 12 huyện với trên 20.240 học sinh; tổng số gạo hỗ trợ trong năm học 2018-2019 là 2.729.310 kg, trong đó học kỳ I là 1.538.490 kg; học kỳ II là 1.190.820 kg.
Sau khi có quyết định phân bổ của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đã thành lập Ban tiếp nhận gạo, phối hợp với các đơn vị dự trữ để tiếp nhận gạo từ trung tâm huyện để vận chuyển, phân bổ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn; tại mỗi điểm giao nhận, các bên đã tổ chức lấy mẫu gạo, kiểm tra, đánh giá chất lượng, thống nhất niêm phong, bàn giao mẫu gạo. Trong đó, đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung, gạo được nhà trường tiếp nhận, quản lý tại kho của nhà trường; đối với các trường không tổ chức nấu ăn cho học sinh, giáo viên nhà trường tiếp nhận, phối hợp với phụ huynh học sinh phân bổ gạo cho các em học sinh để phụ huynh tiếp nhận, sử dụng. Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ học sinh bảo đảm đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của Ủy ban nhân dân tỉnh. Việc cấp gạo 02 lần/học kỳ đã tạo điều kiện cho nhà trường trong công tác quản lý, bảo quản, hạn chế được sự suy giảm chất lượng.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cho biết: Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghi định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ đối với ngành giáo dục tỉnh Nghệ An là rất lớn; mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng sự nghiệp giáo dục của tỉnh và đặc biệt là nguồn nhân lực tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước làm việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An.
Ngay sau buổi làm việc, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú, Trung học cơ sở Tri Lễ. Đây là ngôi trường vùng cao thuộc xã biên giới Tri Lễ, xã có chiều dài đường biên giới 17 km (tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào) nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Quế Phong (tỉnh Nghệ An) hơn 30 km, nơi các em học sinh H'Mong, Khơ Mú, Thái, Thanh tập trung học bán trú cấp 2.
Làm việc với Đoàn công tác, thầy Hoàng Ngọc Thanh, Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh: Từ khi có chính sách hỗ trợ gạo cho các em học sinh theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ học sinh bỏ học của trường đã giảm đi đáng kể, gia đình học sinh tự giác cho con em tới trường, điều đó giúp nâng cao tỷ lệ phổ cập trên 70%; tạo điều kiện để giáo viên và học sinh ổn định sĩ số, nâng cao chất lượng dạy và học, thể chất của các em học sinh được nâng cao, mong rằng chính sách này sẽ tiếp tục được duy trì để các em yên tâm đến lớp.
Trên cơ sở báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo và tình hình đi kiểm tra thực tế tại một số điểm trường, phát biểu tại buổi làm việc tại các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, đồng chí Lê Văn Thời, thay mặt Đoàn công tác đánh giá cao công tác chỉ đạo, phối hợp của Ủy ban nhân dân các tỉnh và các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ đã phối hợp chặt chẽ với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực: Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh trong suốt quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, từ khâu rà soát đối tượng đến khâu tổ chức xuất kho, vận chuyển, giao nhận, bảo quản, quản lý, sử dụng gạo của các nhà trường. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh tăng cường công tác phối hợp với các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trong công tác bốc xếp, kê lót, quản lý, bảo quản đối với số lượng gạo đã tiếp nhận tại các điểm trường nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về chất lượng gạo; trong quá trình giao, nhận gạo, đề nghị các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực giải thích cụ thể, công khai về công nghệ bảo quản gạo dự trữ hiện nay để nhà trường biết, giải thích cho phụ huynh học sinh an tâm về chất lượng gạo trong quá trình sử dụng./.
Phạm Việt Hà -Vụ Quản lý hàng dự trữ