Ngành Dự trữ Nhà nước: Đạt nhiều kết quả quan trọng ngay từ những tháng đầu năm

(31/03/2017)

Phát huy truyền thống 60 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã bắt tay vào công việc của năm 2017 vô cùng khẩn trương, nghiêm túc và hiệu quả. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, toàn ngành đã thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Xuất cấp 576 tỷ đồng hàng dự trữ quốc gia

Trao đổi với Thời báo Tài chính Việt Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết: Từ đầu năm 2017 đến nay (20/03/2017), Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để cứu đói, hỗ trợ Tết Nguyên đán và phòng chống thiên tai, dịch bệnh; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 576 tỷ đồng, trong đó Bộ Tài chính xuất cấp các mặt hàng DTQG tổng trị giá 460 tỷ đồng; cụ thể, về lương thực xuất tổng số 47.453 tấn gạo, gồm: 12.536 tấn gạo để cứu trợ Tết Nguyên đán, 702 tấn gạo hỗ trợ dịch bệnh và ảnh hưởng của thiên tai; 5.000 tấn gạo viện trợ cho Cuba; 29.215 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong học kỳ II năm học 2016-2017. Về vật tư thiết bị xuất cấp các mặt hàng, gồm: 06 bộ xuồng cao tốc các loại và 12 chiếc máy phát điện loại 15-30KVA.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xuất cấp các mặt hàng DTQG tổng trị giá khoảng 116 tỷ đồng; gồm 28 tấn hạt giống rau, 1.523,4 tấn hạt giống lúa, 262,4 tấn hạt giống ngô, 90.000 liều vắc xin LMLM 2type (O+A), 350.000 liều vắc xin dịch tả lợn, 200.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, 130.000 lít thuốc sát trùng các loại, 195 tấn thuốc sát trùng tôm Chlorine để phòng chống thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang thẩm định trình cấp có thẩm quyền cho phép xuất cấp 5.000 lít hóa chất Han-Iodine và 10.000 lít hóa chất Vetvaco-Iodine DTQG để hỗ trợ tỉnh Nam Định phòng chống dịch cúm gia cầm.  

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết: “Đến nay, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ tốt công tác quốc phòng, an ninh”.

Có thể nói, để hàng dự trữ quốc gia đến kịp thời với người dân, toàn thể cán bộ, công chức ngành DTQG đã không quản vất vả, chạy đua với thời gian bằng nhiệt huyết và quyết tâm cao độ.

 

Cấp phát gạo DTQG cứu trợ cho học sinh con hộ nghèo vùng miền Tây Nghệ An

 

 

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cũng cho biết, ngay trong những tháng đầu của năm 2017, tại cơ quan Tổng cục đã thể hiện không khí khẩn trương và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành giải quyết công việc, nhiều cuộc họp giữa tập thể lãnh đạo Tổng cục với các Vụ, Cục để bàn các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch; hàng loạt nội dung công việc được tập thể lãnh đạo nghe và cho ý kiến chỉ đạo.

Một trong những công việc toàn Tổng cục triển khai ngay là công tác cấp gạo kịp thời cho các địa phương hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2016-2017.  Để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ này, ngày 23/02/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục DTNN xuất cấp trên 29.000  tấn gạo để hỗ trợ cho gần 500.000 học sinh của 47 tỉnh, thành phố theo Quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/07/2016 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.  Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ chính, Tổng cục đã tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xuất và vận chuyển 5.000 tấn gạo DTQG được Đảng và Nhà nước ta viện trợ cho nhân dân Cuba.

Vào thời điểm này, thời vụ thu hoạch lúa Đông Xuân năm 2017 trên từng vùng miền đã gần kết thúc, để chủ động trong việc nhập kho DTQG mặt hàng lương thực, Tổng cục DTQNN đã chỉ đạo các Cục DTNN khu vực chủ động xây dựng kế hoạch mua thóc; trước mắt giao 04 đơn vị tại khu vực Nam Bộ sẽ triển khai mở kho nhập thóc vào tháng 3/2017.

Nhiệm vụ quản lý nhà nước về Dự trữ quốc gia bao gồm các công việc như: Quản lý, điều hành nhập, xuất hàng DTQG; quản lý vốn, phí, tài sản, đầu tư; quản lý chất lượng bảo quản hàng DTQG cũng được Tổng cục, các Vụ, Cục triển khai khẩn trương. Đặc biệt, trong xây dựng cơ chế chính sách pháp luật về DTQG, trong 02 tháng đầu năm 2017, Tổng cục DTNN đã trình Bộ Tài chính ban hành 02 Thông tư: Số 03/2017/TT-BTC ngày 10/01/2017 về Quy chuẩn quốc gia đối với bè nhẹ cứu sinh dự trữ quốc gia và số 09/2017/TT-BTC ngày 06/02/2017 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với máy bơm nước chữa cháy (đồng bộ thiết bị chữa cháy rừng) dự trữ quốc gia.

Trong năm 2017,  theo Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt tại Quyết định số 2791/QĐ-BTC ngày 27/12/2016; Tổng cục DTNN sẽ xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành 05 đề án (Thông tư), tiến độ hoàn thành trong tháng 11-12/2017. Hiện nay, Tổng cục DTNN đã giao cho các đơn vị triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra...

Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, công tác quản lý nhà nước hàng DTQG

Công tác thanh tra, kiểm tra quản lý hàng DTQG là một trong những chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN). Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục nỗ lực và quyết tâm hơn nữa đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng hàng DTQG tại các bô, ngành, các địa phương; thực hiện đầy đủ kế hoạch kiểm tra, kiểm toán một số đơn vị trong nội bộ của Tổng cục. Ngoài ra, Tổng cục DTNN sẽ chú trọng đến công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Để đảm bảo quy mô hàng DTQG luôn được giữ vững, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết, Tổng cục sẽ trình Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền: i) bổ sung vốn mua bù gạo DTQG; ii) cho phép Bộ NN&PTNT sử dụng số kinh phí mua hàng DTQG còn dư để mua bổ sung hạt giống cây trồng DTQG; iii) bổ sung vốn mua bù hóa chất sát trùng, thuốc thú y đã xuất cấp không thu tiền cho Bộ NN&PTN; iv) mua chuyển đổi thuốc bảo vệ thực vật DTQG của Bộ NN&PTNT. Bên cạnh việc đề nghị bổ sung nguồn vốn, Tổng cục DTNN đề xuất việc chuyển nguồn vốn DTQG năm 2016 còn dư sang năm 2017 sử dụng và quyết toán cho các Bộ liên quan và kiểm toán nội bộ tại một số Bộ, địa phương.

Đối với công tác quản lý, điều hành nhập, xuất hàng DTQG, Tổng cục sẽ tiếp tục đôn đốc các Cục DTNN khu vực tổ chức xuất kho, vận chuyển gạo để hỗ trợ cho học sinh các địa phương, dự kiến các Cục DTNN khu vực hoàn thành nhiệm vụ này trước 30/4/2017”, Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cũng cho biết, các công việc khác như: Quản lý vốn, tài sản; quản lý chất lượng hàng DTQG; đề án tuyển dụng công chức năm 2017; rà soát văn bản QPPL về DTQG, xây dựng cơ chế chính sách nội ngành năm 2017; báo cáo công tác cải cách hành chính, kiểm soát TTHC theo yêu cầu của Bộ Tài chính; thẩm định công tác đấu thầu mua vật tư, thiết bị DTQG, mua bảo hiểm hàng, kho hàng và mua sắm tài sản đặc thù... cũng được đưa vào nhiệm vụ trong thời gian tới...

Bằng sự nỗ lực của toàn ngành, các nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao đã sớm được triển khai và cố gắng hoàn thành với hiệu quả cao nhất. Đây chính là tiền đề để tin tưởng rằng trong năm 2017, ngành DTNN sẽ tiếp tục thực hiện tốt các công việc, xứng đáng với truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, trưởng thành và lòng tin yêu của nhân dân./.

 

Hồng Sâm - Thời báo Tài chính Việt Nam