Ông Lưu Quang Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế dịch vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã có cuộc trao đổi với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về vấn đề lập kế hoạch đối với công tác dự trữ quốc gia (DTQG).
PV: Thưa ông, Bộ Kế hoạch và đầu tư là cơ quan quản lý nhà nước về kế hoạch, đầu tư phát triển; tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, trong đó có kế hoạch và nguồn vốn chi cho DTQG. Là người nhiều gắn bó và tham mưu lập kế hoạch cho lĩnh vực DTQG, xin ông có một vài đánh giá về vai trò của ngành dự trữ nhà nước (DTNN) trong nền kinh tế hiện nay?
Ông Lưu Quang Khánh:
Trong suốt những năm qua, nguồn lực DTQG luôn đóng vai trò quan trọng đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời các tình huống cấp bách. Mỗi năm, nguồn lực DTQG đã xuất cấp hàng chục vạn tấn lương thực, hàng ngàn nhà bạt, phao áo, phao tròn cứu sinh, hàng trăm triệu liều vắc xin, hàng trăm tấn giống cây trồng các loại, hàng trăm ngàn lít thuốc sát trùng và thuốc y tế để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Bên cạnh đó, ngành DTNN còn xuất hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ học sinh nghèo; hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia dự án trồng rừng; hỗ trợ đối tượng di dân tự do từ Campuchia về Việt Nam...
Lãnh đạo Tổng cục DTNN kiểm tra thiết bị xuất, nhập hàng DTQG
Nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ này được các cán bộ ngành DTNN thực hiện trong những điều kiện đột xuất, cấp bách và khó khăn khi thiên tai, bão lụt xảy ra. Mặc dù hoàn cảnh khó khăn, nhưng mỗi cán bộ của ngành đã vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài nhiệm vụ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, DTNN còn xuất hàng để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng bảo vệ biên giới và hải đảo của Tổ quốc; thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các ngày lễ lớn của dân tộc. Ngoài ra, ngành còn thực hiện tốt hoạt động viện trợ quốc tế với hàng nghìn tấn gạo các nước như: Cuba, Triều Tiên…
PV: Thưa ông, trong điều kiện NSNN eo hẹp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào để bảo đảm nguồn lực DTQG luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ?
Ông Lưu Quang Khánh:
Trong thời gian vừa qua, mặc dù NSNN gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, Bộ KH&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, cân đối NSNN. Hàng năm đều bố trí tăng nguồn vốn chi cho DTQG; đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn để mua tăng các mặt hàng thiết yếu chiến lược đưa vào DTQG như: Lương thực, vật tư nông nghiệp, hàng an ninh, quốc phòng.
Ngoài bố trí nguồn vốn tăng, hàng năm, Bộ Kế hoạch và đầu tư đều tham mưu với Chính phủ bố trí vốn để mua bù, mua bổ sung hàng DTQG theo đúng quy định của Luật DTQG, đảm bảo nguồn hàng DTQG luôn đầy đủ, ổn định. Tính đến hết năm 2015, tổng mức DTQG đã tăng gấp 2 lần năm 2010 và tăng gấp 5- 6 lần năm 2000. Lực lượng DTQG thực sự là nguồn lực chiến lược của Nhà nước, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xuất cấp trong tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.
Ngoài việc tăng cường nguồn vốn mua hàng DTQG, những năm qua, Bộ KH&ĐT cũng đã thường xuyên tham mưu cho Chính phủ bố trí tăng nguồn vốn chi cho đầu tư xây dựng kho bảo quản hàng DTQG. Các bộ, ngành đã từng bước được bố trí vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới nhiều kho chứa hàng (như Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ NN&PTNT); đảm bảo hệ thống kho DTQG được đồng bộ, hiện đại, bố trí theo ngành, vùng, tuyến chiến lược phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của vùng lãnh thổ; đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác bảo quản và quản lý hàng DTQG.
Riêng Tổng cục DTNN (Bộ Tài chính) trong giai đoạn 2011- 2015, đã được NSNN bố trí cho đầu tư xây dựng kho và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ gần 900 tỷ đồng, giải ngân đạt 100% kế hoạch.
Bộ KH&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thành xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho DTQG giai đoạn 2016- 2020, làm cơ sở cho việc bố trí vốn đầu tư xây dựng hàng năm cho ngành DTQG.
PV: Xin ông cho biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã phối hợp với Bộ Tài chính như thế nào trong việc xây dựng kế hoạch DTQG 5 năm và hàng năm?
Ông Lưu Quang Khánh:
Căn cứ quy định của Luật NSNN, Luật DTQG, “Kế hoạch DTQG được xây dựng 5 năm, hàng năm và tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội”. Định kỳ 5 năm và hàng năm, với chức năng nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và đầu tư đều có văn bản hướng dẫn các cơ quan triển khai xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH, trong đó có kế hoạch DTQG.
Trên cơ sở kế hoạch DTQG do các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan (Văn phòng chính phủ) thẩm định, cân đối và tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ quyết định kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm; đảm bảo luôn ưu tiên, bố trí tăng cường nguồn vốn chi cho DTQG trong kế hoạch phát triển KT-XH; đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của DTQG.
Từ năm 2017, theo quy định của Luật NSNN, chi DTQG là một nhiệm vụ chi riêng của NSNN, theo quy định của Luật DTQG sẽ do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được Chính phủ giao, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xây dựng kế hoạch và dự toán NSNN chi cho DTQG gửi Bộ Tài chính tổng hợp.
Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để tổng hợp kế hoạch DTQG chung trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, giao kế hoạch DTQG cho các bộ, ngành quản lý hàng DTQG./.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Quang Khải – Hồng Sâm (Thực hiện)