Năm năm qua (2011-2015) trước những yêu cầu mới về phát triển bền vững kinh tế - xã hội, ngành dự trữ quốc gia (DTQG) đã chủ động thực hiện và hoàn thành tốt Chiến lược phát triển DTQG, đưa quy mô DTQG tăng gấp 3 lần so năm 2008. Cùng với việc quản lý tốt hàng DTQG, ngành DTQG đã chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc sử dụng nguồn lực DTQG để vừa sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh vừa thực hiện các nhiệm vụ khác được Thủ tướng Chính phủ giao
Tăng cường tiềm lực, nguồn lực DTQG
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và đứng trước dự báo về những vấn đề toàn cầu như: An ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao, thiên tai, dịch bệnh... sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 với mục tiêu đề ra là phấn đấu tăng cường tiềm lực DTQG, đảm bảo đến năm 2020, tổng mức DTQG đạt khoảng 1-1,5% GDP. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, trên cơ sở các danh mục mặt hàng đã được quy định, tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, quan trọng, không dàn trải; tập trung nguồn lực ngân sách mua tăng các danh mục để đáp ứng mục tiêu của DTQG.
Để thực hiện được định hướng phát triển này, trong suốt 5 năm qua (2010 - 2015) thể chế chính sách về DTQG từng bước được hoàn thiện : Luật DTQG và các văn bản pháp hướng dẫn thi hành Luật DTQG được ban hành; Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG đến năm 2020 được phê duyệt... tạo hành lang pháp lý cao nhất cho hoạt động DTQG, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý hoạt động DTQG.
Bên cạnh đó, được sự giúp đỡ của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm trong xây dựng và thực hiện kế hoạch; quản lý giám sát hoạt động DTQG; thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn với mục tiêu là nâng dần quy mô hàng DTQG lên. Với cách thức triển khai này, trong 5 năm qua, quy mô hàng DTQG trong toàn ngành đã tăng lên đáng kể (tăng gấp 3 lần so với năm 2008).
Tuy nhiên, ngành DTQG vẫn còn một số hạn chế, khó khăn: i) Tổng mức DTQG tuy đã tăng nhưng còn thấp: Năm 2015, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,21 % GDP, rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra. Với tổng mức DTQG như hiện nay thì việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và những diễn biến phức tạp, nhất là tình hình biển Đông, hải đảo hiện nay; ii) nhiều mặt hàng thiết yếu, chiến lược chưa đạt được mục tiêu đã đề ra. Chẳng hạn như mặt hàng lương thực: Dự kiến tồn kho cuối 2015 khoảng 380.000 tấn quy thóc. Lượng tồn kho như vậy là mỏng, mới đạt khoảng 60% so với định hướng chiến lược phát triển DTQG đến năm 2015 đề ra (định hướng chiến lược DTQG đến năm 2015 đạt khoảng 500.000 tấn quy thóc). Hoặc mặt hàng xăng dầu: Dự kiến tồn kho đến cuối năm 2015 khoảng 400.000 m3; mới đạt khoảng 80% so với định hướng chiến lược phát triển DTQG đã đề ra, đáp ứng nhu cầu khoảng 7-8 ngày sử dụng… iii) danh mục hàng DTQG còn dàn trải, chưa theo kịp yêu cầu về cơ giới hóa, hiện đại hóa; iv) phương pháp bảo quản chưa đồng bộ, chưa ứng dụng kịp thời công nghệ bảo quản mới; v) hệ thống kho còn phân tán, xuống cấp, việc bố trí vốn đầu tư chưa tương ứng với quy hoạch được duyệt.
Trong giai đoạn 2016-2020, ngành DTQG sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách về DTQG; tăng cường tiềm lực DTQG; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong bảo quản hàng DTQG; tranh thủ cán nguồn lực để từng bước cải tạo, mở rộng và đầu tư xây dựng hệ thống kho, hiện đại hóa công sở phục vụ công tác quản lý DTQG; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý DTQG; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra ở các cấp các đơn vị trong việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về DTQG; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động DTQG.
Xuất cấp trên 6000 tỷ đồng hàng dự trữ quốc gia
Từ năm 2011 đến năm 2015, ngành DTQG đã xuất cấp trên 6.000 tỷ đồng hàng DTQG để góp phần quan trọng trong việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh, thể hiện xuất sắc vai trò lực lượng DTQG vừa là công cụ của nhà nước, vừa là tiềm lực tài chính.
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng và đại diện
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tại Lễ bàn giao xuồng cao tốc.
Để phục vụ cho nhu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, trong những năm qua, ngành DTQG đã xuất cấp nhiều mặt hàng quan trọng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, góp phần đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội trong nước. Song, do lượng hàng DTQG của an ninh quốc phòng trong giai đoạn này còn mỏng, nhất là các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ bảo vệ biên giới, biển đảo nên cần phải tăng cường DTQG trong thời gian tới mới có thể đáp ứng được nhiệm vụ được giao.
Đối với nhiệm vụ cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, trong giai đoạn 2011-2015, ngành đã xuất cấp nhiều mặt hàng như: Gạo, thuốc phòng trừ dịch bệnh cho người, gia súc, cây trồng..., các mặt hàng trang thiết bị y tế. Các mặt hàng xuất cấp đảm bảo về số lượng, chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống và phòng trừ được dịch bệnh lây lan, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng.
Việc xuất cấp hàng vật tư, thiết bị DTQG phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn được triển khai đều đặn. Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, xuất cấp các loại vật tư, thiết bị gồm: 146.000 chiếc phao áo, 142.200 chiếc phao tròn, 8.000 bộ nhà bạt các loại, gần 2.000 chiếc phao bè, 85 bộ xuồng cao tốc các loại và trên 200 bộ máy bơm nước chữa cháy.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh việc xuất cấp hàng để thực hiện các mục tiêu của DTQG đề ra, Thủ tướng Chính phủ còn giao cho ngành DTQG xuất cấp các mặt hàng để hỗ trợ học sinh tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn (cấp trên 160.000 tấn gạo); hỗ trợ các dự án trồng rừng tại Hà Giang, Thanh Hóa và Bắc Giang (cấp trên 20.000 tấn gạo).
Việc hỗ trợ gạo cho học sinh đã thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, nêu cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc chung tay chăm lo sự nghiệp giáo dục đối với thế hệ tương lai của đất nước, được các tổ chức xã hội, nhân dân đồng thuận. Việc hỗ trợ gạo cho các dự án trồng rừng góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện vùng cao núi đá, động viên bằng vật chất để người dân tham gia trồng và giữ rừng đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn; hệ thống rừng được tạo lập sẽ tạo nên môi trường xanh, góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế...
5 năm qua, hoạt động DTQG ngày càng năng động và hiệu quả. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành luôn quan tâm đến DTQG, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ … coi DTGQ là một công cụ tài chính hữu hiệu, góp phần cho sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, công chức ngành DTQG cũng đã cố gắng nỗ lực phấn đấu để đạt được mục tiêu mà ngành đã đề ra; tham gia nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách trong lĩnh vực DTQG, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn nhiệm được giao, từng bước chuyên nghiệp hóa, gắn bó, tận tâm với ngành, đã và đang là nhân tố quyết định cho mọi thành công của ngành DTQG./.
TS. Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước