Không để người dân thiếu đói mùa giáp hạt

(18/04/2016)

Mặc dù trong những năm gần đây cuộc sống của người dân đã từng bước được cải thiện, tuy nhiên ở nhiều nơi, nỗi lo cái đói của "tháng ba, ngày tám” vẫn hiển hiện. Với sự nỗ lực của cán bộ công chức ngành Dự trữ quốc gia (DTQG), những hạt gạo, hạt vàng đã đến đúng lúc, hỗ trợ đồng bào lúc giáp hạt.

Đảm bảo gạo đến đúng đối tượng

Cuối tháng 3, từ đề nghị của 13 địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định xuất cấp gần 8.300 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân. Trong đó có 2 quyết định hỗ trợ gần 6.800 tấn gạo cho 7 tỉnh là: Hà Nam, Quảng Bình, Bình Định, Lai Châu, Kon Tum, Điện Biên và Lạng Sơn.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của El Nino gây nhiều thiệt hại nặng nề và đe dọa nghiêm trọng đến tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân các tỉnh Tây Nguyên, trong chuyến công tác ngày 24/3/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đó là Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính xuất cấp ngay 2.000 tấn gạo để cứu đói cho 4 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum và Gia Lai (mỗi tỉnh 500 tấn).

Triển khai nhiệm vụ này, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã giao nhiệm vụ cho các Cục DTNN  khu vực đóng trên địa bàn xuất cấp ngay số gạo nêu trên; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực, phương tiện vận chuyển, tổ chức giao nhận, bảo đảm thực hiện xuất cấp đủ gạo cho địa phương. Công tác vận chuyển và giao nhận gạo được các cục thực hiện nhanh chóng, kịp thời và rút ngắn thời gian giao nhận; có trường hợp chỉ trong vòng 3- 4 ngày là gạo đã đến tay người dân.

Với số lượng người dân được cấp phát gạo dự trữ lớn, nhiều ý kiến e ngại xảy ra việc cấp phát sai đối tượng. Trước băn khoăn trên, Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Phạm Phan Dũng cho biết: Công tác rà soát lập danh sách người dân được nhận gạo hỗ trợ được chính quyền địa phương và các sở, ngành, đoàn thể rà soát rất chặt chẽ. Đặc biệt, công tác thanh, kiểm tra sau xuất cấp gạo được Tổng cục DTNN rất chú trọng, đảm bảo gạo đến đúng đối tượng…”.

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng cho biết thêm: Đoàn công tác của Tổng cục đi kiểm tra đột xuất công tác cấp phát gạo dự trữ tại một số điểm. Có hộ dân đã thắc mắc, gia đình có 4 nhân khẩu, song chỉ được 2 khẩu hỗ trợ. Cán bộ địa phương đã giải thích ngay: Trong số 4 nhân khẩu, 2 cháu là học sinh và đã nhận gạo hỗ trợ (theo chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh), nên gia đình chỉ được hỗ trợ 2 suất gạo. Ví dụ này cho thấy, chính quyền, ban, ngành địa phương đã làm khá sát với thực tế, không để trùng lặp đối tượng, trùng lặp chính sách. Bên cạnh đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng phối hợp rất chặt chẽ, hạn chế mọi khiếu kiện phát sinh khi xuất cấp gạo cho người dân”.

Chưa một lần trễ hẹn

Từ chuyến giao gạo cứu đói cho đồng bào tỉnh Điện Biên trở về, các cán bộ Cục DTNN khu vực Hoàng Liên Sơn đã chia sẻ nhiều cảm xúc khi chứng kiến niềm vui của bà con đón nhận gạo dự trữ.

Câu chuyện về sắc màu của những trang phục người Dao, Tày, Thái, Mường, Khơ mú, H’mông… tươi thắm suốt cả những con đường độc đạo bám theo sườn dốc núi đồi, thế nhưng dường như ai cũng hối hả hơn, nhanh chân hơn đến điểm nhận gạo. Và, trong cái nắng đầu mùa khá oi bức, thấy người dân nôn nóng đợi chờ thì các anh, các chị, những người cán bộ dự trữ quốc gia lại càng động viên nhau nhanh tay hơn để làm sao có thể giao gạo cho bà con sớm nhất. Những ánh mắt, nụ cười của bà con chứa đựng biết bao lời cảm ơn đến Đảng, Nhà nước.

 

Tổng cục DTNN sẽ thực hiện nhiệm vụ không quản đêm ngày

để người dân không bị thiếu đói mùa giáp hạt.

 

Bà Đinh Thị Tỵ, người dân tộc Tày biết gạo hỗ trợ của Chính phủ đã về đến xóm và dù đã được báo trước thời gian, nhưng bà vẫn đến trụ sở từ rất sớm. Năm nay, bà đã 80 tuổi, có hai cậu con trai nhưng đều đã mất vì bệnh. Bà bảo: “Mỗi tháng được Nhà nước hỗ trợ 180 ngàn đồng, số tiền tuy ít ỏi nhưng cũng đủ giúp bà sống qua ngày. Nay được nhận  gạo của Chính phủ trong mùa giáp hạt, tôi mừng lắm. Số gạo này đủ cho tôi ăn qua cả mùa giáp hạt”.

Với người nghèo, mùa giáp hạt là nỗi lo thậm chí là nỗi sợ về thiếu đói. Chẳng thế mà khi nhận được gạo cứu đói của Chính phủ, nhiều người dân đã không ngớt lời chia sẻ: “Lúa, ngô trong bồ đã cạn mà lúa ngoài đồng thì còn xanh. Nhất là hồi sau Tết Nguyên đán, rau màu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt rét đậm, rét hại kéo dài. Thế nên, vào mùa giáp hạt, được nhận gạo, chúng tôi biết ơn nhiều lắm. Bữa cơm sẽ không còn phải ăn độn khoai, sắn nữa”.

Còn ở vùng đất Tây Nguyên đang phải chịu hạn hán kỷ lục, tôi lại được nghe câu chuyện bà con Ba Na, Gia Rai, Ê đê, Cơ Ho, Mạ, Xơ Đăng, Mơ Nông… rưng rưng xúc động khi nhận gạo cứu trợ do cán bộ của Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên, Nam Tây Nguyên vận chuyển đến. Giữa lúc nguồn nước cạn kiệt, hồ khô trơ đáy, không thể canh tác sản xuất thì hạt gạo thực sự là “hạt vàng” kịp thời đến với bà con chống lại cơn đói quay quắt. Nâng niu những hạt gạo, anh A Thật ở làng Kroong Klah, xã Kroong (thành phố Kon Tum) cho biết, với số gạo được cấp hơn 1 tạ, gia đình anh không sợ đói nữa.

Đi cùng những chuyến hàng cứu trợ không ít người vẫn khắc khoải với câu hỏi, đến khi nào đồng bào mới không còn phải nhận gạo cứu đói, bao giờ người dân không còn phải ám ảnh nỗi lo cứ đến mùa giáp hạt là lại thiếu lương thực ? Để có được câu trả lời, chắc chắn vẫn còn nhiều gian nan, thách thức, còn nhiều việc phải làm, nhưng được chứng kiến những cân gạo cứu trợ của Chính phủ đến tay người dân cũng khiến mọi người ấm lòng tin về một ngày mới no ấm./.

 

Hồng Sâm - Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: