Trong năm 2015, việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) bảo đảm tiết kiệm, đúng đối tượng, đúng chính sách đã góp phần ổn định tình hình kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương.
Việc xuất cấp gạo đã góp phần hỗ trợ học sinh ở vùng có điều kiện khó khăn (Ảnh: HS)
Tích cực bảo đảm an sinh xã hội
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có các Quyết định xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương để cứu trợ, hỗ trợ cho nhân dân; tổng giá trị hàng đã xuất cấp khoảng 1.358 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan có liên quan trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xuất cấp các trang thiết bị y tế DTQG để trang bị cấp cho các bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và các quân binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ nhiệm vụ khám chữa bệnh cho chiến sỹ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…
Theo ông Phạm Phan Dũng, nhìn chung, số lượng hàng DTQG đã xuất cấp luôn đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng và phân bổ đúng đối tượng; vận chuyển kịp thời đến các địa phương được cứu trợ, hỗ trợ góp phần giúp đồng bào kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, hỗ trợ học sinh ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và phục vụ tốt nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ông Phạm Phan Dũng cũng chia sẻ, hiệu quả xã hội của hoạt động DTQG được các địa phương, nhân dân đánh giá cao. Ông dẫn chứng, việc xuất gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đã góp phần giúp các em tiếp tục được đi học. “Đây là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định giúp cho số lượng học sinh theo học ngày càng tăng (mỗi năm tăng thêm khoảng 50.000 học sinh), các em có đủ sức khỏe tập trung học tập, là yếu tố cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, góp phần xây dựng quê hương đất nước” – ông nói.
Tiếp đến là việc xuất cấp gạo hỗ trợ người dân tham gia trồng và giữ rừng trong những năm vừa qua đã góp phần nâng độ che phủ rừng, phát huy chức năng phòng hộ rừng đầu nguồn, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất và duy trì được nguồn nước phục vụ sinh hoạt; thông qua việc thực hiện dự án trồng rừng đã từng bước cải thiện môi trường sinh thái, thay đổi môi trường sống có lợi cho con người; hệ thống rừng được tạo lập sẽ tạo nên môi trường xanh, góp phần bảo tồn và phát huy được những giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch, phát triển kinh tế.
Cũng theo ông Phạm Phan Dũng, việc xuất cấp các loại vắc xin, hóa chất và thuốc sát trùng, các loại hạt giống lúa, ngô, rau… cũng góp phần chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi dịch bệnh phát sinh, lan rộng; tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cán bộ, chiến sỹ.
Hơn nữa, đối với công tác bảo vệ an ninh quốc phòng, việc hỗ trợ trang thiết bị DTQG cho các quân binh chủng, đã góp phần phục vụ công tác đảm bảo an toàn cho đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn trong năm cũng như đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; góp phần giữ vững chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc.
Tăng cường nguồn lực cho DTQG
Ông Phạm Phan Dũng cho biết, để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực DTQG trong việc đáp ứng mục tiêu của DTQG và tham gia thực hiện các chương trình mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian tới, các bộ, ngành được giao quản lý, bảo quản hàng DTQG cần tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để kịp thời tổ chức triển khai thực hiện công tác xuất hàng DTQG hỗ trợ các địa phương theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Ông cũng nhấn mạnh, việc xuất cấp phải được thực hiện trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích.
Tuy vậy, ông Dũng cũng chia sẻ, một trong những khó khăn với ngành hiện nay là quy mô DTQG ngày càng có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,21% GDP. “Tỷ lệ này rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra là đến năm 2015 tổng mức GDP đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP” – ông Phạm Phan Dũng nói.
Ông bày tỏ lo lắng, với tổng mức DTQG như hiện nay thì việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng.
Vì vậy, thời gian tới, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí tăng cường nguồn lực cho DTQG, để bổ sung quy mô DTQG nhất là các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, phục vụ an ninh, quốc phòng.
Các cơ quan quản lý nhà nước cần không ngừng hoàn thiện cơ chế, chính sách để hoạt động DTQG ngày càng nề nếp, chuyên nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xuất cấp, quản lý và sử dụng hàng DTQG tại các bộ, ngành, các địa phương đảm bảo đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả xã hội của hoạt động DTQG.
Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng nhấn mạnh: Cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về DTQG, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp các ngành đối với công tác DTQG, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực DTQG./.
Kim Thanh - Hồng Sâm (Nguồn: dangcongsan.vn)