Ngành Dự trữ Nhà nước: Ưu tiên hoàn thiện thể chế

(26/07/2013)

Ông Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) nhấn mạnh như vậy, trong cuộc trao đổi phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam, về công tác điều hành ngành DTNN những tháng cuối năm, để Luật Dự trữ Quốc gia (DTQG) sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu lực, hiệu quả.

 

Ông Phạm Phan Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 

PV: Những tháng đầu năm 2013, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn hết sức khó khăn, nhưng ngành DTNN vẫn nỗ lực và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Xin Tổng cục trưởng cho biết, những công tác chủ yếu mà ngành DTNN đã triển khai?

- Ông Phạm Phan Dũng: 6 tháng đầu năm mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Tổng cục DTNN đã tập trung thực hiện Quyết định số 43 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, triển khai Luật DTQG. Tổng cục chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, thực hiện các bước soạn thảo, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn luật.

Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành triển khai nhiệm vụ mua tăng hàng DTQG; kịp thời giải quyết những vướng mắc về vốn, giá, kinh phí bảo quản hàng DTQG; trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp kịp thời hàng DTQG để cứu trợ, viện trợ.

Về công tác điều hành trực tiếp, Tổng cục DTNN đã chủ động triển khai nhiệm vụ năm 2013, sớm giao chỉ tiêu kế hoạch; hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc và giải quyết những vướng mắc kịp thời; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính để kịp thời chỉ đạo các cục khu vực thực nhiệm vụ…

PV: Việc xuất hàng dự trữ để phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội luôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành DTNN. Xin Tổng cục trưởng cho biết đã triển khai công tác này như thế nào?

- Ông Phạm Phan Dũng: Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định: Xuất cấp các loại hóa chất để phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và hoa màu; xuất cấp nguồn gạo DTQG để hỗ trợ các địa phương… Thực hiện các quyết định này, Tổng cục DTNN đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành, chỉ đạo các Cục Dự trữ khu vực, kịp thời xuất cấp hàng...

Đến nay, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp tổng trị giá khoảng 473,5 tỷ đồng. Trong đó: Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã xuất cấp 44.500 tấn gạo, trị giá khoảng 445 tỷ đồng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xuất lượng hàng hóa với tổng trị giá khoảng 28,5 tỷ đồng, bao gồm: 48.000 lít thuốc sát trùng Benkocid và 410 tấn hạt giống lúa, 140.000 liều vắc xin LMLM; 52.000 lít hóa chất sát trùng Han-Iodine; 12.000 lít hóa chất sát trùng Vetcvaco-Iodine; 155 tấn hóa chất Chlorine.

 

Thủ kho đang thực hiện quy trình hút chân không bảo quản gạo nhập vụ Đông Xuân năm 2013

 

PV: Theo dự báo, 6 tháng cuối năm 2013, những khó khăn vẫn sẽ còn tiếp diễn, để thực hiện đạt những mục tiêu đã đề ra, ngành DTNN thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Ông Phạm Phan Dũng: Mục tiêu của ngành DTNN trong năm 2013 là: Hoàn thiện thể chế DTQG; hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch Nhà nước giao năm 2013; góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Để hoàn thành nhiệm vụ đã đề ra, Tổng cục DTNN sẽ tập trung xây dựng các đề án đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ, trong đó ưu tiên công tác xây dựng nghị định quy định chi tiết, thông tư hướng dẫn Luật DTQG.

Đồng thời, ngành DTNN phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG chỉ đạo đôn đốc các đơn vị được giao trực tiếp quản lý hàng hóa, tích cực triển khai thực hiện kế hoạch năm 2012 chuyển sang và kế hoạch 2013, đảm bảo tiến độ đã đề ra; nắm chắc diễn biến thị trường, giải quyết kịp thời về giá, vốn, phí và các điều kiện khác để đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch...

PV: Xin cảm ơn Tổng cục trưởng!

 

“Sau 2 năm nghiên cứu, xây dựng và áp dụng, Hệ thống Quản lý chất lượng của Tổng cục DTNN đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng cấp Giấy chứng nhận số 0721/2013- công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008. Hệ thống đạt chuẩn gồm các hoạt động: Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra; hoạt động kiểm tra của tổng cục; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về hàng DTQG; cấp phát vốn mua và chi phí liên quan đến hàng DTQG…

Đây là những cố gắng và nỗ lực không ngừng của cơ quan Tổng cục DTNN, nhằm chuẩn hoá và minh bạch hóa quy trình hoạt động; xây dựng tác phong làm việc chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ và năng lực điều hành; tiền đề để Tổng cục  thực hiện chương trình cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả”.

 

                   Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: