Chất lượng hàng dự trữ quốc gia là ưu tiên số một

(01/01/0001)

Qua lời kể của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Xuân Minh, tôi mường tượng về Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc Trần Văn Thao là một người lãnh đạo thành công trong nhiều công việc, có nhiều sáng kiến từ thực tiễn, trách nhiệm, yêu nghề. Đến khi được trò chuyện trực tiếp với anh, tôi hiểu rằng ngoài những điều tôi được nghe, anh còn là một người từng trải, nhiều tâm huyết, nhạy bén và quyết đoán trong công việc.

Với trọng trách là Cục trưởng và Bí thư Đảng ủy, anh đã sát cánh cùng tập thể Đảng ủy, Ban lãnh đạo Cục và toàn thể cán bộ công nhân viên phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ năm 2005 tới nay, Cục luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch nhập, xuất lương thực và vật tư dự trữ quốc gia với tổng trị giá trên 1.256 tỷ đồng, đảm bảo an toàn tuyệt đối tiền hàng và các mặt; tổ chức bảo quản an toàn về số lượng và chất lượng hàng hóa vật tư dự trữ; quản lý chặt chẽ và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả trên 140 tỷ đồng ngân sách chi cho hoạt động dự trữ quốc gia.

Để có được thành tích trên, anh chia sẻ phải luôn lấy công việc làm trọng tâm. Kế hoạch của Tổng cục, của bộ giao là cơ sở triển khai các hoạt động, trong đó đối với ngành Dự trữ Nhà nước, hàng hóa dự trữ quốc gia thì chất lượng phải là ưu tiên số một. Muốn hoàn thành được nhiệm vụ kế hoạch, theo anh, thứ nhất phải tạo điều kiện tốt nhất để cán bộ công nhân viên trong đơn vị yên tâm làm việc; thứ hai, kết hợp với việc triển khai tốt nhiệm vụ kế hoạch của ngành cũng phải quan tâm tới đời sống cán bộ công chức, đảm bảo mọi quyền lợi của công chức, phát huy được tính dân chủ. Từ đó vai trò, trách nhiệm của anh em trong đơn vị được nâng cao. Kể từ năm 2005 tới nay, Cục đã tiết kiệm nguồn kinh phí tự chủ được 5.069 triệu đồng, chi tăng thu nhập cho CBCC năm sau cao hơn năm trước. Thứ ba là phải phát huy sức sáng tạo của đội ngũ cán bộ công chức làm công tác chuyên môn kỹ thuật, và triển khai các đề tài khoa học bảo quản hàng mới, nhất là công tác bảo quản hàng dự trữ quốc gia vì đây là nhiệm vụ then chốt có tính quyết định đến chất lượng hàng dự trữ quốc gia và sự phát triển của ngành.

Tiếp xúc với cán bộ của Cục, mọi người nhắc đến một kỷ niệm khó quên. Đó là từ năm 2005 trở về trước, với phương thức bảo quản truyền thống thóc đổ rời lượng hao kho của hàng hóa thường lớn vượt quá định mức quy định, mỗi một lần xuất kho lại phải đền bù làm nảy sinh tâm lý không yên tâm công tác và không muốn gắn bó với ngành. Trước thực trạng đó, anh Thao đã cùng anh em nghiên cứu thành công đề tài khoa học về bảo quản thóc đổ rời trong điều kiện áp suất thấp, được các nhà khoa học Viện Công nghệ sau thu hoạch đánh giá cao, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam, tỷ lệ hao hụt mỗi khi xuất kho giảm 50% so với định mức bảo quản thóc đổ rời truyền thống. Tới nay, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được nhân rộng trong toàn ngành. Đề tài đã được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo cho chủ nhiệm đề tài năm 2009.

Chịu khó lăn lộn với công việc, anh đã không ngừng học tập, nghiên cứu thực tế, tìm hiểu các kinh nghiệm của người đi trước, những đơn vị tiên tiến để áp dụng vào công việc quản lý, điều hành của đơn vị. Có thể nói thành công của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đông Bắc có sự đóng góp không nhỏ của anh.

  

                      Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: