Báo cáo Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam về dự án Luật Dự trữ quốc gia

(26/09/2012)

Sau khi Quốc hội (Kỳ họp thứ 3, Khóa XIII) cho ý kiến về Dự án Luật Dự trữ quốc gia, cơ quan soạn thảo (Bộ Tài chính) đã phối hợp với Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội  tiếp thu ý kiến và chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Luật. Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư của Quốc hôi(dự kiến tháng 10/2012); thay mặt Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đồng chí Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật DTQG đã có các buổi làm việc để báo cáo với các đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam về những nội dung giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật DTQG.

Ngày 13/9/2012 tại thành phố Đà Nẵng và ngày 14/9/2012 tại thành phố Tam Kỳ ( Quảng Nam), Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến xây dựng dự án Luật DTQG. Tham dự Hội nghị có các đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam, đại diện Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN và Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng).

Đồng chí Phạm Phan Dũng thay mặt cơ quan soạn thảo báo cáo với các đại biểu Quốc hội về quá trình hình thành và phát triển của ngành Dự trữ Nhà nước qua các thời kỳ; đồng thời dành nhièu thời gian để báo cáo với các Đoàn một số nội dung chủ yếu, liên quan đến các ý kiến tham gia của các Đại biểu Quốc hội về dự án Luật DTQG tại kỳ họp thứ ba vừa qua, đã được Ủy ban Tài chính – Ngân sách và cơ quan soạn thảo báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 15/8/2012 bao gồm 17 vấn đề: trong đó thống nhất tiếp thu 11 vấn đề, giải trình làm rõ 3 vấn đề và có 3 vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Đồng thuận với các ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hôi và để có thêm cơ sở tham gia ý kiến về dự án Luật DTQG, các Đoàn đại biểu Quốc hội đã lắng nghe các ý kiến của cán bộ, công chức đơn vị trực tiếp quản lý hàng dự trữ đóng trên địa bàn. Thay mặt cán bộ công chức Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Như Hiền, Cục trưởng đã phát biểu với nội dung cơ bản thống nhất như dự thảo Luật, đồng thời đề xuất một số vấn đề :

Thứ nhất: về mục tiêu của DTQG nên bổ sung nội dung “góp phần bình ổn thị trường, đảm bảo an sinh xã hội” trong dự thảo Luật vì: i) qua kinh nghiệm nhiều năm được giao nhiệm vụ quản lý hoạt động dự trữ quốc gia trên địa bàn cho thấy khi đến vụ mùa thu hoạch chính của nông dân (vụ Đông Xuân) ngành DTNN tổ chức mua thóc để dự trữ, góp phần cải thiện mặt bằng giá lương thực, không để cho tư thương ép giá mua thóc của dân hoặc đến lúc giáp hạt, giáp Tết ngành DTNN bán lương thực đổi hạt, góp phần bình ổn thị trường không để cho tư thương găm hàng, nâng giá tùy tiện, trục lợi trái phép…do đó việc mua bán đổi hàng của ngành dự trữ đã góp phần tích cực bình ổn thị trường, nhất là mặt hàng lương thực; ii) mục tiêu của xã hội chúng ta là hướng đến con người, vì vậy những năm qua Chính phủ đã xuất hàng trăm ngàn tấn lương thực hỗ trợ, cứu đói cho dân trong lúc giáp hạt, giáp Tết, khi mất mùa… đảm bảo an sinh xã hội…; iii) mặt khác, ngay trên địa bàn Đà Nẵng, chính quyền địa phương cũng đã sử dụng ngân sách từ Quỹ bình ổn thị trường để dự trữ lương thực phục vụ cho nhân dân, cho các đối tượng chính sách trong dịp giáp hạt, dịp Tết nguyên đán;

Thứ hai: Đề nghị bổ sung thêm 01 điều về tiền thu được từ các phương thức bán hàng dự trữ quốc gia quy định tại Điều 41 và tiền thu được từ bán thanh lý hàng dự trữ quốc gia quy định tại Điều 44 Luật này được sử dụng để mua hàng theo kế hoạch được duyệt; trường hợp đã thực hiện xong kế hoạch mua hàng nếu còn tiền thì bổ sung vốn cho dự trữ quốc gia; bỏ khoản 2 Điều 44 về tiền thu được từ thanh lý hàng dự trữ quốc gia được nộp vào ngân sách nhà nước. Việc bổ sung một điều về xử lý tiền thu được từ hoạt động bán hàng và bán thanh lý hàng DTQG như trên là cần thiết vì những lý do sau đây: i) một số nội dung của Điều này kế thừa quy định tại Điều 13 của Pháp lệnh Dự trữ quốc gia; ii) trên thực tế các quy định này đang được thực hiện và có hiệu quả cao trong việc điều hành kế hoạch hàng năm về dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó, quy định một điều về xử lý tiền thu được từ bán hàng và bán thanh lý hàng DTQG cũng tạo điều kiện linh hoạt về vốn cho cơ quan chuyên trách về Dự trữ quốc gia thuộc Bộ Tài chính và các bộ, ngành thực hiện tốt kế hoạch dự trữ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, đại biểu Quốc hội chuyên trách có ý kiến cơ bản thống nhất bản dự thảo Luật, trong đó có những vấn đề giải trình, tiếp thu và chỉnh lý Dự án Luật DTQG. Ngoài ra đoàn có tham gia thêm một số nội dung trong đó đề nghị bổ sung mục tiêu DTQG về “bình ổn thị trường” như dự thảo ban đầu; khoản 3 điều 17 về trách nhiệm của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nên đổi từ “tạo điều kiên…” thành “có trách nhiệm bố trí đất đai xây dựng kho dự trữ…” để phù hợp tính chất luật. Đại biểu Quóc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cũng đề nghị, trong dự thảo luật DTQG nên có một chương riêng về Quản lý nhà nước về DTQG để làm rõ vai trò quản lý nhà nước của ngành như một số luật khác.

Đồng chí Phạm Phan Dũng, thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật DTQG tiếp thu những ý kiến đóng góp của Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam  và cám ơn các Đoàn đã dành thời gian nghiên cứu, có những ý kiến tham gia xây dựng dự án Luật DTQG một cách thiết thực, góp phần hoàn thiện dự án Luật Dự trữ quốc gia trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 khóa XIII./.

 

                          Lê Văn Diện - Cục DTNN khu vực Đà Nẵng

 



Các tin đã đưa ngày: