Quy định mới về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối sử dụng hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, viện trợ

(16/06/2020)

Ngày 02/6/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BTC quy định về quy trình xuất cấp, giao nhận, phân phối sử dụng hàng dự trữ quốc gia (DTQG) xuất để cứu trợ, viện trợ và quản lý kinh phí đảm bảo cho công tác xuất cấp, giao nhận hàng để cứu trợ, viện trợ. Thông tư ban hành nhằm đảm bảo việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Về trình tự, hồ sơ, nội dung xuất cấp hàng DTQG   

Theo Điều 3 Luật Dự trữ quốc gia, ngoài việc cứu trợ nhân dân các vùng bị thiệt hại do thiên tai, nhà nước còn xuất cấp hàng DTQG để phòng, chống, khắc phục thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn dịch bệnh và xuất cấp hàng để thực hiện các nhiệm vụ đột xuất cấp bách khác theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; do đó, tại khoản 1 Điều 3 Thông tư đã bổ sung các mục tiêu, nhiệm vụ trình cấp có thẩm quyền xuất cấp hàng DTQG, đảm bảo theo đúng quy định của Luật dự trữ quốc gia và phù hợp thực tế quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Về hồ sơ và nội dung thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hàng DTQG, tại Khoản 2 Điều 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư đã quy định cụ thể về hồ sơ kèm theo mà các bộ, ngành quản lý hàng DTQG khi đề xuất, xuất cấp hàng DTQG gửi cho Bộ Tài chính để thẩm định; đồng thời quy định rõ về nội dung Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp hàng DTQG.

Mặt khác, nhằm đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách và nâng cao trách nhiệm của cơ quan tổng hợp, thẩm định, tại khoản 3 Điều 3 Thông tư đã quy định cụ thể về thời gian thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xuất cấp hàng DTQG, trong đó đã rút ngắn thời gian thẩm định tối đa là 03 ngày (trước đây quy định thời gian thẩm định là sau 05 ngày).

Trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG

Về việc tạm xuất hàng DTQG và việc ban hành quyết định xuất cấp hàng DTQG, tại khoản 5 Điều 3, khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Thông tư đã quy định rõ về trách nhiệm của bộ, ngành quản lý hàng DTQG, trách nhiệm của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành quyết định xuất hàng DTQG phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ, thông báo cho Bộ Tài chính trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định xuất hàng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình; đồng thời gửi cho bộ, ngành quản lý lĩnh vực hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được nhận hàng DTQG để cứu trợ, hỗ trợ phối hợp thực hiện. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý lĩnh vực, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế để ban hành quyết định phân bổ hàng DTQG và giao nhiệm vụ cho các đơn vị, tổ chức tiếp nhận hàng DTQG cho phù hợp.

Mặt khác, để làm rõ trách nhiệm bảo quản hàng DTQG của đơn vị DTQG, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng trong quá trình vận chuyển; khoản 3 Điều 6 Thông tư đã bổ sung quy định hàng DTQG xuất để cứu trợ, viện trợ phải được bảo quản an toàn trong quá trình vận chuyển, giao cho đơn vị, tổ chức tiếp nhận kịp thời, thuận tiện, đúng chủng loại, đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Trong tình huống đột xuất, cấp bách, theo quy định Thủ trưởng các đơn vị DTQG, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG ngoài việc được sử dụng bản FAX (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG), điện thoại của Thủ trưởng bộ, ngành quản lý hàng DTQG, của Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước; nay tại tại khoản 4 Điều 6 bổ sung thêm quy định được sử dụng “văn bản có chữ ký điện tử” để để phục vụ kịp thời nhiệm vụ phát sinh,  do hiện nay hình thức vản bản này đã được phổ biến rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị. 

Về thời gian phân bổ, tiếp nhận hàng DTQG, căn cứ vào yêu cầu, tính chất cấp bách nhiệm vụ được giao ngoài việc phải thực hiện ngay việc tiếp nhận và nhận đủ số hàng DTQG được phân bổ, tại khoản 1 Điều 7 Thông tư đã bổ sung quy định trong  trường hợp kế hoạch phân bổ có thời gian thực hiện cụ thể thì thực hiện theo thời gian ghi trong quyết định.

 

Xuất cấp hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại

do thiên tai của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

 

Nguồn kinh phí, nội dung chi, mức chi và cấp kinh phí xuất cấp, giao hàng DTQG  

Trước đây, kinh phí đảm bảo cho việc tiếp nhận, phân phối hàng DTQG để cứu trợ từ điểm nhận hàng giao đến người sử dụng quy định được bố trí từ ngân sách của địa phương để chi trả. Tuy nhiên, hàng DTQG xuất cấp cứu trợ, hỗ trợ không chỉ xuất cấp cho các địa phương mà còn xuất cho các bộ, ngành quản lý lĩnh vực (các mặt hàng vật tư, thiết bị xuất cho Ủy ban ứng phó thiên tai và CHCN; các lực lượng của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng). Do đó, ngoài việc bố trí kinh phí từ ngân sách của địa phương, tại khoản 4 Điều 12 Thông tư đã bổ sung quy định kinh phí đảm bảo cho việc tiếp nhận, phân phối hàng DTQG để cứu trợ từ điểm nhận hàng giao đến người sử dụng có thể được bố trí từ ngân sách chi thường xuyên của bộ, ngành quản lý lĩnh vực để chi trả.

Phương thức lựa chọn đơn vị ký hợp đồng vận chuyển, cung cấp bao bì đóng gói, bốc xếp, bảo hiểm hàng DTQG

Để các đơn vị có cơ sở thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; tại khoản 2 Điều 13 Thông tư đã quy định cụ thể việc lựa chọn đơn vị vận chuyển, lựa chọn đơn vị cung cấp bao bì, đóng gói, lựa chọn đơn vị bốc xếp và lựa chọn đơn vị bảo hiểm hàng DTQG trong trường hợp giao hàng ngay (thời gian giao nhận hàng từ 60 ngày trở xuống kể từ ngày quyết định có hiệu lực), gồm: (i) Đối với việc lựa chọn đơn vị vận chuyển, quy định quy trình lựa chọn cụ thể cho 02 trường hợp: Gói thầu vận chuyển có giá gói thầu trên 50.000.000 đồng và gói thầu vận chuyển có giá gói thầu từ 50.000.000 đồng trở xuống. (ii) Đối với lựa chọn đơn vị cung cấp bao bì; đóng gói; bốc xếp; bảo hiểm, quy định quy trình cụ thể cho 02 trường hợp: Gói thầu có giá gói thầu trên 50.000.000 đồng cho mỗi nhiệm vụ phát sinh và gói thầu có giá gói thầu từ 50.000.000 đồng trở xuống cho mỗi nhiệm vụ phát sinh.

Trình tự và thẩm quyền phê duyệt mức phí tối đa xuất cấp hàng DTQG  

Để phù hợp với quy định hiện hành của Luật Giá và làm rõ trách nhiệm của đơn vị thuộc Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ thẩm định, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức phí tối đa xuất cấp hàng DTQG; khoản 2, khoản 3 Điều 14 Thông tư đã được quy định nội dung về hồ sơ, về cơ quan thẩm định, cơ quan phê duyệt mức phí tối đa, trong đó đặc biệt đã quy định trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ và không hợp lệ, tối đa 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, bộ, ngành quản lý hàng DTQG, Tổng cục Dự trữ Nhà nước có văn bản yêu cầu các đơn vị DTQG, doanh nghiệp được thuê bảo quản hàng DTQG bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trong đó nêu rõ các tài liệu cần bổ sung, hoàn thiện (trước đây, nội dung này quy định là 03 ngày, nay rút ngắn xuống còn 02 ngày).

Các nội dung quy định tại Thông tư  số 51/2020/TT-BTC mới ban hành không phát sinh thủ tục hành chính giữa cơ quan hành chính nhà nước với các tổ chức, cá nhân; đáp ứng yêu cầu của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và phù hợp với quy định hiện hành của pháp luật.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 7 năm 2020 và thay thế cho Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 30/12/2013 và Thông tư số 82/2016/TT-BTC ngày 16/6/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

        

 Vụ Kế hoạch

 


Tài liệu đính kèm:



Các tin đã đưa ngày: