Quy định mới trong quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia

(21/05/2020)

Ngày 15/5/2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020, thay thế Quyết định số 31/2010/QĐ-TTg ngày 19/3/2010.

 

Ảnh minh họa (nguồn: internet).

 

Quy chế này quy định về nguyên tắc và nội dung quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia, bao gồm: quy định về danh mục chi tiết các mặt hàng xăng dầu; quy định về kế hoạch và ngân sách nhà nước đối với dự trữ xăng dầu; quy định về hoạt động mua, bán, nhập, xuất, luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia; quy trình bảo quản, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia; quy định về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật xăng dầu dự trữ quốc gia; quy định về kho chứa xăng dầu dự trữ quốc gia; quy định về cơ chế tài chính, chế độ kế toán, kiểm toán, chế độ báo cáo, thống kê đối với xăng dầu dự trữ quốc gia.

Về nguyên tắc quản lý: Việc quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia phải đảm bảo nguyên tắc được quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng, bảo đảm bí mật, an toàn; chủ động đáp ứng kịp thời yêu cầu, mục tiêu dự trữ quốc gia; xăng dầu dự trữ quốc gia sau khi xuất cấp phải được bù lại đầy đủ, kịp thời. Xăng dầu dự trữ quốc gia phải được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định của pháp luật; không được sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia để kinh doanh; tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hàng năm theo quy định.

Về danh mục chi tiết xăng dầu dự trữ quốc gia bao gồm: Xăng ô tô, dầu diesel, dầu mazut, nhiên liệu dùng cho quân sự, nhiên liệu dùng cho máy bay dân dụng, dầu thô và các loại xăng dầu theo quy định của Chính phủ.

Về kế hoạch xăng dầu dự trữ quốc gia: Kế hoạch xăng dầu dự trữ quốc gia được xây dựng theo kỳ 5 năm và hằng năm để tổng hợp chung vào kế hoạch dự trữ quốc gia. Nội dung kế hoạch dự trữ quốc gia về xăng dầu bao gồm: Mức xăng dầu dự trữ quốc gia (giá trị tồn kho cuối kỳ); kế hoạch tăng, giảm, luân phiên đổi hàng đối với từng mặt hàng xăng dầu cụ thể; kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia; kế hoạch nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia; kế hoạch tài chính cho hoạt động quản lý, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia; kế hoạch đầu tư xây dựng kho bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Kế hoạch dự trữ quốc gia do các bộ, ngành được giao quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia xây dựng, Bộ Tài chính chủ trì thẩm định và tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Về ngân sách và cơ chế tài chính đối với xăng dầu dự trữ quốc gia: Ngân sách nhà nước chi cho xăng dầu dự trữ quốc gia bao gồm: Chi mua xăng dầu dự trữ quốc gia; chi nghiệp vụ dự trữ quốc gia; chi hoạt động quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia và chi đầu tư kho bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Việc lập, phân bổ, giao dự toán ngân sách và cơ chế tài chính đối với xăng dầu dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định khác có liên quan. Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia có trách nhiệm lập dự toán ngân sách chi cho xăng dầu dự trữ quốc gia và kiểm tra, duyệt quyết toán ngân sách đã cấp cho các đơn vị bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia; gửi Bộ tài chính để thẩm tra, tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Về quản lý mua, bán, nhập, xuất xăng dầu dự trữ quốc gia: Việc mua, bán xăng dầu dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định của Luật dự trữ quốc gia và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Thủ trưởng Bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia tổ chức triển khai kế hoạch nhập, xuất, luân phiên đổi hàng được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng; ngân sách nhà nước không cấp bù chi phí phát sinh trong quá trình luân phiên đổi hàng xăng dầu dự trữ quốc gia. Khi đến hạn xuất luân phiên đổi hàng, trường hợp cần thiết phải thay đổi danh mục chi tiết hoặc thay đổi chủng loại xăng dầu dự trữ quốc gia, các bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia có văn bản thuyết minh rõ lý do, gửi Bộ Tài chính để thẩm định, trình Chính phủ (đối với trường hợp thay đổi danh mục chi tiết) hoặc Thủ tướng Chính phủ (đối với trường hợp thay đổi chủng loại) xem xét, quyết định.

Về bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia: Việc bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia phải tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với xăng dầu dự trữ quốc gia. Bộ, ngành được giao quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia có trách nhiệm xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật xăng dầu dự trữ quốc gia gửi Bộ Tài chính để ban hành. Trường hợp thuê doanh nghiệp bảo quản, phải lựa chọn doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 53 Luật Dự trữ quốc gia. 

Về yêu cầu đối với kho bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia: Kho xăng dầu dự trữ quốc gia phải được xây dựng theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; từng bước đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, có công nghệ bảo quản tiên tiến, trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết để thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa việc nhập, xuất, bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia.  Kho xăng dầu dự trữ quốc gia phải được tổ chức bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo quy định của pháp luật; trang bị đủ phương tiện, thiết bị kỹ thuật cần thiết cho quan sát, giám sát, phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng, mất mát và các yếu tố khác có thể gây thiệt hại đến xăng dầu dự trữ quốc gia. Thủ trưởng bộ, ngành quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia căn cứ quy hoạch kho và tiêu chuẩn kho được cấp có thẩm quyền ban hành để hợp đồng thuê bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia./.

 

Nguyễn Văn Bình


Tài liệu đính kèm:



Các tin đã đưa ngày: