Những nội dung mới của Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 do Bộ Tài chính ban hành

(05/11/2013)

Ngày 21/10/2013 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 145/2013/TT-BTC hướng dẫn về kế hoạch dự trữ quốc gia và ngân sách nhà nước chi cho dự trữ quốc gia (DTQG). Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 06/12/2013.

Thông tư số 145/2013/TT-BTC gồm 3 chương, 20 điều hướng dẫn những nội dung quan trọng về kế hoạch DTQG và ngân sách nhà nước chi cho DTQG; cụ thể hóa những điều khoản được giao trong Luật DTQG thuộc trách nhiệm hướng dẫn của Bộ Tài chính bao gồm những nội dung chính như sau:

1. Về công tác kế hoạch DTQG

Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) là đơn vị chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia xây dựng kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia; thẩm định và tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Chính phủ để trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch 5 năm; hằng năm về dự trữ quốc gia. Hằng năm căn cứ kế hoạch 5 năm về dự trữ quốc gia được duyệt và kế hoạch của các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia lập, Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì, tổng hợp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để cân đối chung trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) là đơn vị thẩm định, tổng hợp trình Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục chi tiết hàng DTQG..

Quy định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về kế hoạch DTQG: đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, đơn vị thực hiện, đã khắc phục được những hạn chế, bất cập của quy định hiện hành và bảo đảm tính thống nhất, hài hòa giữa các quy định của pháp luật có liên quan.

 2. Về quản lý ngân sách nhà nước chi cho DTQG

- Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) là đơn vị thẩm tra, tổng hợp dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách trung ương của các bộ, ngành quản lý hàng DTQG theo quy định của Luật ngân sách đối với nội dung chi mua hàng DTQG và chi nghiệp vụ DTQG.

- Đối với vốn bán hàng, trường hợp chưa mua hàng ngay, trong thời gian 20 ngày sau khi kết thúc đợt bán hàng, các đơn vị được bộ, ngành, tổng cục DTNN giao nhiệm vụ bán hàng DTQG phải nộp số tiền bán hàng DTQG vào tài khoản tiền gửi vốn DTQG tại kho bạc Nhà nước do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) quản lý.

- Việc cấp vốn mua hàng DTQG được bổ sung thêm hình thức giao dự toán.

- Các chi phí nghiệp vụ DTQG gồm: chi phí bảo hiểm; chi phí thanh lý; chi phí tiêu hủy; chi phí nhập, chi phí xuất; chi phí xuất, cấp hàng DTQG; chi phí bảo quản hàng DTQG được hướng dẫn với nội dung chi, cơ cấu chi rõ ràng; phân định rõ nội dung chi tại đơn vị quản lý và đơn vị tổ chức triển khai thực hiện, tạo cơ sở pháp lý cho công tác lập dự toán, điều hành dự toán và quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán.

- Thông tư cũng hướng dẫn giá trị trích thưởng do giảm hao hụt hàng DTQG so với định mức được tính theo giá hạch toán; cá nhân trực tiếp bảo quản hàng có mức hao hụt dưới định mức được hưởng 50% số tiền thưởng theo quy định. Các đơn vị dự trữ quốc gia được sử dụng các nguồn tiết kiệm phí có định mức và nguồn thưởng do giảm hao hụt hàng DTQG so với định mức để trích quỹ phúc lợi và quỹ khen thưởng tối đa bằng ba tháng tiền lương, tiền công và thu nhập tăng thêm thực hiện bình quân trong năm (quy định hiện hành bằng ba tháng lương thực hiện của đơn vị); được sử dụng cùng với số tiết kiệm do thực hiện cơ chế tự chủ để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức tối đa không quá một lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ và các loại phụ cấp trừ phụ cấp làm đêm, thêm giờ (quy định hiện hành tối đa không quá một lần quỹ tiền lương cấp bậc, chức vụ do Nhà nước quy định). 

- Đối với chế độ kế toán dự trữ quốc gia, Thông tư hướng dẫn các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia có trách nhiệm tổng hợp báo cáo quyết toán; tổ chức kiểm tra, duyệt quyết toán vốn, phí dự trữ quốc gia của các đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm về quyết toán đã duyệt, tổng hợp báo cáo quyết toán gửi Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước). Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm thẩm định, tổng hợp quyết toán của các bộ, ngành về vốn, phí dự trữ quốc gia báo cáo Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ.

Thông tư số 145/2013/TT-BTC ngày 21/10/2013 của Bộ Tài chính là cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về DTQG. Các nội dung quản lý ngân sách nhà nước chi cho DTQG được qui định trong Thông tư là cơ sở pháp lý quan trọng để Tổng cục DTNN xây dựng cơ chế tài chính trong ngành nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí được giao.

 

                               Th.S Bùi Thúy Ngọc, Vụ Chính sách và Pháp chế



Các tin đã đưa ngày: