Hợp tác Việt - Lào về phát triển ngành Dự trữ Nhà nước

(23/10/2013)

Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Phạm Phan Dũng vừa có một số chia sẻ với phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam về những kế hoạch đã đang và sẽ thực hiện trong thời gian tới, nhằm giúp nước bạn Lào xây dựng và phát triển ngành dự trữ nhà nước.

 
 
Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Việt Nam trao quà lưu niệm Vụ trưởng Vụ Dự trữ Nhà nước Lào.
 

Cũng theo Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng, những năm gần đây, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả nước bạn Lào, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh xuất hiện ngày một nhiều. Điều này không chỉ ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội mà còn tác động trực tiếp lên đời sống  người dân.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) ngày càng giữ vai trò quan trọng trong việc giúp Nhà nước chủ động đáp ứng những yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Để góp phần tăng cường và củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào và triển khai thực hiện thỏa thuận về quan hệ hợp tác giữa Bộ Tài chính hai nước, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục DTNN là đầu mối giúp Lào trong việc hình thành Vụ DTNN- đơn vị thuộc Bộ Tài chính Lào.

 

* Thưa ông, những công việc mà Tổng cục DTNN đã tiến hành để giúp Bộ Tài chính Lào xây dựng Vụ DTNN là gì? 

Để hình thành hệ thống DTNN cần phải xây dựng thể chế và tổ chức bộ máy thực hiện. Vì vậy, ngay khi được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ vào ngày 26-27/12/2011, Tổng cục DTNN đã tích cực nghiên cứu, trao đổi, hỗ trợ Bộ Tài chính Lào xây dựng về thể chế gồm việc dự thảo một sô cơ chế chính sách quan trọng như: Nghị định của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động DTNN Lào, Chiến lược phát triển DTQG Lào đến năm 2020 và Đề án xây dựng kho DTNN nhằm hỗ trợ Bộ Tài chính Lào thành lập Vụ DTNN. 

Bằng tất cả sự cố gắng của cả hai bên, bên cạnh việc Bộ Tài chính Lào thành lập Vụ DTNN, đến nay, với sự giúp đỡ của Tổng cục DTNN, Bộ Tài chính Lào đã hoàn thiện trình Chính phủ Nghị định quy chế hoạt động DTNN và xây dựng một kho dự trữ tại Viêng Chăn.

* Được biết, Tổng cục DTNN vừa cử một Đoàn chuyên gia của Việt Nam sang làm việc, trao đổi, hướng dẫn về tổ chức hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực DTNN với Vụ DTNN (thuộc Bộ Tài chính Lào). Kết quả cụ thể của chuyến công tác đó như thế nào, thưa Tổng cục trưởng?

- Thực tế, qua các buổi làm việc với Vụ DTNN (Bộ Tài chính Lào) và khảo sát thực tế tại một số địa điểm dự kiến xây dựng kho dự trữ, hai bên đã thống nhất một số công việc: Đó là sẽ tích cực học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau về các mặt hoạt động, điều hành, quản lý về lĩnh vực DTNN, nhất là những kinh nghiệm của Việt Nam; Về nội dung Dự thảo Chiến lược phát triển dự trữ Nhà nước Lào đến năm 2020, Vụ DTNN Lào sẽ tiếp tục nghiên cứu, xác định lại về tổng mức dự trữ các loại hàng, vật tư phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Lào cho hiện tại và đến năm 2020. 

Sau khi hoàn thiện dự thảo này, Vụ DTNN Lào sẽ trao đổi với chuyên gia Việt Nam để tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến.

Trong quá trình làm viêc, đoàn chuyên gia của Tổng cục DTNN đã giới thiệu về cách thức quy hoạch kho DTNN để Vụ DTNN Lào nghiên cứu và lựa chọn loại hình kho, công nghệ bảo quản phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của Lào.

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và trên cơ sở quy định của Nghị định và Chiến lược phát triển dự trữ Nhà nước Lào đến năm 2020, Vụ DTNN Lào có đề nghị Bộ Tài chính Việt Nam tiếp tục cử chuyên gia của Tổng cục DTNN giúp đỡ về xây  dựng đề án quy hoạch kho dự trữ của Lào ở 3 miền: Bắc, Trung, Nam. 

Đồng thời, cũng hướng dẫn về chuyên môn chuyên ngành DTNN như: Quy chuẩn kỹ thuật hàng DTQG; Định mức kinh tế - kỹ thuật và quản lý hàng DTQG; Cách thức lập kế hoạch, phân bổ dự toán ngân sách DTNN; Trình tự xuất, nhập, mua, bán hàng DTQG; Các văn bản quy phạm pháp luật dưới Nghị định điều chỉnh các mặt hoạt động về DTNN; Cách thức làm việc, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG…. cho toàn thể cán bộ, công chức Vụ DTNN Lào

* Trong thời gian tới, Tổng cục DTNN sẽ có những đề xuất hay ý kiến gì để việc hợp tác giữa ngành dự trữ hai nước ngày càng đạt kết quả tốt đẹp hơn, thưa ông?

- Việc hợp tác, giúp đỡ thành lập Vụ DTNN của nước bạn Lào phải bắt đầu từ những việc cụ thê hiện trên nhiều lĩnh vực.Trước hết, cần giúp Bạn hiểu rõ vai trò của DTQG là nguồn dự trữ chiến lược của Nhà nước, nhằm chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất bức thiết khác của Nhà nước.. 

Vấn đề vướng nhất hiện nay là về phía nước bạn cũng chưa có hàng hóa dự trữ để thực hiên nhiệm vụ, nên cần phải cùng đơn vị bạn xác định mặt hàng cần dự trữ cho phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của đất nước Lào.

Tuy nhiên, Tổng Cục DTNN sẽ cố gắng để chắt lọc và  truyền đạt cho phía bạn những kinh nghiệm mà ngành đã có trong gần 60 năm qua, cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.

Đồng thời, Tổng cục DTNN sẽ tiếp tục giúp đỡ Vụ DTNN – Bộ Tài chính Lào nhanh chóng, hoàn thiện đầy đủ về cơ chế chính sách, kinh nghiệm điều hành hoạt động dự trữ, cụ thể: trong tháng 11/2013 sẽ đón Đoàn cán bộ của Vụ DTNN Lào sang học hỏi, trao đổi và khảo sát thực tế hệ thống kho dự trữ tại Tổng cục DTNN. 

Ngoài ra, Tổng cục DTNN sẽ mở một lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên ngành DTNN cho cán bộ, chuyên viên Vụ DTNN Lào trong quý I năm 2014. Đây có thể được coi là những viên gạch đầu tiên để xây dựng mối quan hệ hữu nghị truyền thống của ngành DTNN hai nước Việt- Lào.  

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

"Ngành DTNN Việt Nam sẽ cố gắng, nỗ lực giúp nước bạn Lào xây dựng ngành DTNN Lào ngày càng vững mạnh".

Ông Phạm Phan Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN

 

                  Thời báo Tài chính Việt Nam