Đoàn công tác của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Bộ Tài chính làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

(12/06/2012)

Thực hiện chương trình xây dựng dự án Luật Dự trữ quốc gia do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, từ ngày 16/5/2012 đến ngày 23/5/2012 Đoàn công tác của Bộ Tài chính gồm các thành viên trong Ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật Dự trữ quốc gia do đồng chí Nguyễn Hữu Chí, thứ trưởng, trưởng Ban soạn thảo làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Tham gia đoàn có đồng chí Nguyễn Đình Hòa, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, tổ trưởng tổ Biên tập dự án luật Dự trữ quốc gia và các thành viên.

Tại Nhật Bản, Đoàn đã làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông cơ sở hạ tầng và Du lịch, Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, Tập đoàn Mishubishi, thăm kho dự trữ gạo của Công ty Nippon Express.

- Làm việc với Bộ Tài chính Nhật Bản do ông Fumihiko Igarashi, thứ trưởng tiếp đoàn.

- Làm việc với Bộ Giao thông cơ sở hạ tầng và Du lịch Nhật Bản do ông Takashi Kitamura, thứ trưởng tiếp đoàn;

- Làm việc với tập đoàn Mishubishi về dự trữ dầu thô;

- Làm việc với Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản nghe giới thiệu về dự trữ lương thực;

- Thăm kho dự trữ lương thực tại thành phố Yokohama của Công ty Nippon Express;

- Làm việc với lãnh đạo thành phố Sakai, do thị trưởng thành phố tiếp đoàn;

- Đoàn nghe giới thiệu về tình hình dự trữ cho phòng chống thiên tai của thành phố Sakai, Osaka và thăm kho dự trữ của thành phố và dự trữ tại trường tiểu học.

Căn cứ vào đạo luật cơ bản của nhà nước về dự trữ, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý nhà nước và thực hiện việc kiểm tra về dự trữ quốc gia, các Bộ, ngành chuyên ngành được giao quản lý hàng dự trữ quốc gia thuê các doanh nghiệp bảo quản hàng dự trữ quốc gia.

Nhật bản có mức lương thực dự trữ khoảng 1 triệu tấn gạo, cụ thể: năm 2007= 770.000 tấn; năm 2008 = 990.000 tấn; năm 2009 =860.000 tấn; năm 2010 = 980.000 tấn và năm 2011= 880.000 tấn. Mỗi năm thu mua 200.000 tấn gạo thông qua các hợp đồng để đưa vào dự trữ; gạo dữ trữ được lưu kho bảo quản trong vòng 5 năm.

Ở Nhật Bản, căn cứ vào đạo luật cơ bản về dự trữ thì các tỉnh, thành phố địa phương có kế hoạch chương trình dự trữ phòng, chống thảm họa thiên nhiên, động đất, sóng thần với tinh thần nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp cùng lo dự trữ; nhà nước địa phương chịu trách nhiệm trong 3 ngày đầu khi xảy ra thảm họa, từ ngày thứ 4 trở đi cá nhân và doanh nghiệp tự lo. Chính vì vậy, việc dự trữ các vật tư, hàng hóa thiết yếu từ nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc men, bông băng, cuốc, xẻng, nhà vệ sinh lưu động, xe đẩy… được chuẩn bị rất chu đáo và cơ số được dự trữ sẵn sàng ở công sở và các trường tiểu học. Đặc biệt, Nhật Bản rất chú trọng đến môi trường khi thiên tai xảy ra nên việc dự trữ nước uống, xử lý nước và hệ thống thoát nước đô thị, nhà vệ sinh được đặc biệt chú trọng. Qua làm việc với Sở Phòng chống thiên tai của thành phố Sakai, Osaka và khảo sát tại trụ sở làm việc và trường tiểu học ở thành phố Sakai cho thấy tinh thần chuẩn bị sẵn sàng sống chung với thiên tai, thảm họa của người dân Nhật Bản và sẵn sàng ứng phó với mức độ tốt nhất.

Kho và công nghệ bảo quản gạo trong môi trường lạnh luôn luôn ≤ 150C và có hệ thống đầu theo dõi nhiệt độ, độ ẩm với từng lô hàng cũng như công tác kiểm tra, phương tiện phục vụ cho công tác bảo quản gạo trong thời gian 5 năm là những vấn đề Việt Nam cần nghiên cứu học tập. Đặc biệt, với việc triển khai xây dựng hệ thống kho tuyến 1 của Tổng cục Dự trữ Nhà nước để chứa lương thực.

Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí và đồng chí Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Đình Hòa đã cảm ơn sự đón tiếp và trao đổi thân tình giữa các Bộ, cơ quan và lãnh đạo thành phố Sakai về kinh nghiệm dự trữ quốc gia và những văn bản quy phạm pháp luật về dự trữ quốc gia của Nhật Bản.

2. Tại Hàn Quốc, đoàn làm việc với:

-  Bộ Tài chính và Chiến lược Hàn Quốc do ông IK- Joo Kim, thứ trưởng tiếp đoàn;

- Làm việc với tập đoàn AT (Korea Agro- Fisheries & Food Trade Corporation), do ông Jae- Soo Kim, chủ tịch tiếp đoàn;

- Đoàn thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc do đồng chí Trần Trọng Toàn, Đại sứ tiếp;

- Thăm Tổng lãnh sự quán danh dự của Việt Nam tại thành phố Busan, Kyeongnam do ông Park Soo Kwan, tổng lãnh sự danh dự tiếp.

Dự trữ quốc gia của Hàn Quốc bắt đầu hình thành từ năm 1976 do Bộ Tài chính và Chiến lược quản lý, dự trữ giao cho nhiều Bộ, ngành quản lý, riêng hàng hóa giao cơ quan Tiếp nhận Quản lý công PPS đảm nhận.

Hàn Quốc ban hànhLuật An toàn cho nông dân và Quy định về quản lý dự trữ của Chính phủ với mục tiêu đảm bảo cung cấp hàng hóa và giá cả ổn định; đảm bảo cho sự tăng trưởng kinh tế vững vàng và hộ trỡ các chính sách khác của chính phủ.

- Dự trữ của chính phủ đối với hàng hóa cung cấp không được ổn định đối với tài nguyên khoáng sản và được dự trữ tại các đơn vị tổ chức cá nhân;

- Danh mục hàng hóa dự trữ bao gồm vật dụng thiết yếu hàng ngày, nguyên liệu cho công nghiệp và xây dựng mà Chính phủ quản lý dự trữ và cung cấp cho mục tiêu ngắn và dài hạn bảo đảm giá ổn định. Hiện tại Hàn Quốc dự trữ 15 mặt hàng trị giá 717 triệu USD.

- Từ năm 2010, cơ quan Tiếp nhận công tập trung nỗ lực của mình để tối đa hiệu quả phối hợp công tư trong dự trữ hàng và xây dựng các chiến lược quản lý hàng mềm dẻo và đẩy mạnh sẵn sàng ứng cứu trong tình trạng khẩn cấp.

Đồng chí Nguyễn Đình Hòa trao đổi với phía bạn về phương thức mua, bán, gia mua, giá bán và thẩm quyền quyết định, những vấn đề mà Việt Nam đang quan tâm trong quá trình xây dựng dự án luật về những đặc thù trong mua bán hàng dự trữ quốc gia. Qua trao đổi được biết Kim loại mua theo phương thức đấu thầu cạnh tranh trên mạng; Kim loại quý: hợp đồng về giá được ấn định. Phương thức xuất: giá xuất do PPS xác định, tính trên chi phí nhập (bao gồm giá sản phẩm, bảo quản, chênh lệch thiếu hụt và giá thị trường thế giới và tỷ giá); bán công khai đấu giá trên mạng hoặc bán trực tiếp cho lái buôn và người bán lẻ: hàng từ kho xuất bán cho-> lái buôn và bán lẻ -> bán cho người tiêu dùng.

 Tại Hàn Quốc, đoàn đã được sự đón tiếp và giúp đỡ tận tình của Đại sứ quán Việt Nam tại Seoll và Tổng Lãnh sự quán danh dự của Việt Nam tại Busan.

Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Hữu Chí thay mặt Đoàn đã cảm ơn sự đón tiếp chân tình và tạo điều kiện cho đoàn của các đơn vị phía bạn và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Tổng Lãnh sự quán danh dự của Việt Nam tại Busan.

Kết quả chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc về quản lý dự trữ quốc gia sẽ có thêm thông tin góp phần hoàn thiện dự án luật Dự trữ quốc gia và tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa Bộ Tài chính và dự trữ quốc gia của Việt Nam đối với các Bộ, ngành và dự trữ quốc gia của Nhật Bản và Hàn Quốc.                      

                  Nguyễn Ngọc Long - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế