Dự trữ quốc gia Việt Nam rất tốt

(07/09/2009)

Theo bà Susan J.Adam, Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho rằng nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam hiện ở mức rất tốt và đang tiếp tục tăng dù không có sự hỗ trợ của IMF đối với Ngân hàng Nhà nước từ năm 2003.

 Bà Susan cho rằng: việc các ngân hàng trong nước đã chuyển phần lớn ngoại tệ gửi ở nước ngoài về, các nguồn vốn ODA, FDI tăng đều đặn hàng năm là những nguyên nhân chính tăng nguồn dự trữ quốc gia của Việt Nam.

Cùng với đánh giá này, bà Susan cũng đã phân tích khá chi tiết về diễn biến tỷ giá hối đoái và tính cạnh tranh của Việt Nam trước các quan chức từ nhiều đại sứ quán, các học giả trong và ngoài nước tham dự buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ giao lưu kinh tế văn hoá quốc tế, tối 22/4, tại Hà Nội.

Theo bà Susan, nhìn chung Việt Nam có chế độ tỷ giá hối đoái ổn định, phù hợp và được điều hành tốt. Biên độ giao dịch tỷ giá hàng ngày của VND/USD tại thị trường liên ngân hàng được ấn định ở một mức nhất định, thường là +/-0,25%, cho phép giữ ổn định giá của VND, chỉ giảm nhẹ so với USD. Do đồng euro tăng giá nhanh trong thời gian gần đây, VND cũng giảm giá khá mạnh so với đồng tiền này nhưng điều này lại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Susan cũng cho rằng Việt Nam nên nới lỏng biên độ tỷ giá này nhằm hạn chế việc phải sử dụng nguồn ngoại tệ dữ trữ để duy trì biên độ trong điều kiện có biến động trên thị trường.

Bình luận về mức thâm hụt thương mại trong năm 2003 của Việt Nam, lớn nhất từ trước đến nay, bà Susan cho rằng đối với một nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam thì mức thâm hụt này là không đáng ngại. Theo nghiên cứu của một nhóm công tác của IMF được phái đến Việt Nam, những mặt hàng nhập khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu phục vụ cho xây dựng cơ sở hạ tầng của các ngành sản xuất, là khoản đầu tư tốt và sẽ thu lợi trong tương lai. Bên cạnh đó, các nguồn vốn ODA, FDI, kiều hối chuyển từ nước ngoài về sẽ góp phần bù đắp những thâm hụt kể trên.

Đề cập đến tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, Đại diện của IMF đã chỉ ra rằng tỷ giá hối đoái không tác động nhiều đến khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã tăng thị phần xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu với một tốc độ mạnh mẽ, đa dạng cả thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Thị phần của hàng Việt Nam đã tăng đáng kể tại các thị trường lớn như EU, Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ, kể từ sau khi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ có hiệu lực, năm 2001.

Theo IMF, Việt Nam đang có thuận lợi về chi phí lao động nhưng cần phải tiếp tục cải thiện chất lượng lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang nỗ lực giảm chi phí hạ tầng, bưu chính viễn thông để thu hút đầu tư nước ngoài nhưng cũng phải mất vài năm nữa mới xóa bỏ được sự khác biệt về chi phí với các nước trong khu vực.

Cố gắng duy trì các chỉ số tăng trưởng kinh tế vĩ mô đang ở mức rất tốt và tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại song phương, đa phương và chuẩn bị tích cực gia nhập WTO là những biện pháp cơ bản để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam thời gian tới, theo quan điểm của IMF.

 



Các tin đã đưa ngày: