Ngay từ những ngày đầu thành lập, ngành Dự trữ Nhà nước luôn được Đảng, Bác Hồ và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện xây dựng lực lượng dự trữ hùng hậu đáp ứng yêu cầu cấp bách trong mọi tình huống thiên tai, dịch bệnh, phục vụ an sinh xã hội. Trải qua 65 năm hình thành và phát triển, tuy trong từng giai đoạn lịch sử nhiệm vụ chính trị có khác nhau nhưng vai trò, ý nghĩa to lớn của dự trữ quốc gia là “Tích cốc phòng cơ” vẫn giữ nguyên giá trị. Để góp phần thực hiện vai trò, mục tiêu to lớn đó thì với ngành Dự trữ Nhà nước công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia là một trong những nhiệm hết sức quan trọng.
Lãnh đạo Cục kiểm tra, chỉ đạo công tác quản lý chất lượng tại cơ sở
Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa của công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia, lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sát sao và coi nhiệm vụ quản lý, duy trì tốt chất lượng là nhiệm vụ thường xuyên. Theo đó, ngay từ đầu năm 2021, lãnh đạo Cục đã nhận định tình hình và quán triệt đến toàn thể công chức, người lao động trong đơn vị quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đảm bảo an toàn về số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia trong mọi tình huống. Để đạt được mục tiêu trên, đơn vị đề ra nhiều giải pháp để quản lý chặt chẽ chất lượng đầu vào, thực hiện đúng quy định về bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Bên cạnh đó nhằm tăng hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng, lãnh đạo Cục đã phát động đồng thời các phong trào thi đua như phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; duy trì và xây dựng kho an toàn, xanh, sạch, đẹp,.. góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị chung của đơn vị.
Xử lý, tái chế thóc trước khi nhập vào kho
Năm 2021 là năm đất nước gặp nhiều khó khăn khi chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai, dịch bệnh; Những trận mưa lũ, sạt lở cuối năm 2020 vẫn còn để lại hậu quả nặng nề chưa khắc phục được, thì từ đầu năm 2021 thời tiết rét đậm kéo dài, tiếp theo là nắng nóng gay gắt trên diện rộng đã ảnh hưởng lớn đến việc canh tác vụ Đông Xuân của bà con nông dân trên địa bàn, đây là vụ lúa chính trong năm và là vụ thóc duy nhất để nhập kho dự trữ quốc gia. Thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến chất lượng thóc, tỷ lệ hạt bạc phấn tăng cao, sâu bệnh phá hại gây hư hỏng nhiều, rất khó khăn cho đơn vị trong việc lựa chọn nguồn thóc, gạo đảm bảo quy định. Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đã làm cho giá thóc, gạo diễn biến khó lường cũng góp phần ảnh hưởng lớn đến chất lượng thóc, gạo nhập kho. Mặt khác, tác động của dịch bệnh đã gây khó khăn trong việc vận chuyển, bốc dỡ hàng hóa làm kéo dài thời gian nhập hàng tạo điều kiện cho côn trùng sống phát sinh phát triển ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý chất lượng của đơn vị.
Bên cạnh những khó khăn trên thì khi bước vào vụ mua nhập hàng dự trữ quốc gia năm 2021 đối với đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Nhân sự tại đơn vị còn thiếu nhiều so với chỉ tiêu, đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật viên, thủ kho; Trang thiết bị, máy móc, vật tư phục vụ cho công tác bảo quản ban đầu, kiểm tra chất lượng hàng dự trữ nhập kho chưa đáp ứng yêu cầu khi cùng lúc đơn vị đẩy nhanh tiến độ nhập hàng trên tất cả các kho dự trữ;
Kiểm tra chất lượng thóc nhập kho
Trước những khó khăn như vậy nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời sâu sát của Tổng cục và sự nỗ lực cố gắng của đơn vị, đơn vị đã hoàn thành công tác đấu thầu mua gạo sớm hơn mọi năm, sớm cử công chức kiểm tra chất lượng tại chân hàng, nhờ vậy đã lựa chọn được gạo Đông Xuân chính vụ, góp phần đảm bảo chất lượng gạo nhập theo quy định; Ngoài ra lãnh đạo Cục đã chỉ đạo các Chi cục và các phòng nghiệp vụ chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về nhân lực, vật lực tạo thuận lợi trong công tác nhập; tổ chức thực hiện kiểm tra chặt chẽ, đầy đủ hồ sơ về chất lượng hàng nhập kho (chứng thư giám định, chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm,…) đảm bảo theo đúng quy định tại Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia; Đồng thời để đẩy nhanh tiến độ nhập kho, đơn vị đã cử công chức hỗ trợ kỹ thuật cho khách hàng, tạo điều kiện sân bãi để khách hàng xử lý, tái chế thóc,…Với những giải pháp chỉ đạo điều hành như trên cùng với sự nỗ lực, vượt khó của toàn thể công chức, người lao động mà đặc biệt là đội ngũ kỹ thuật viên và thủ kho đã không quản nắng mưa, giờ giấc, làm việc hết mình, tương trợ nhau trong công tác đã đẩy nhanh tiến độ nhập hàng góp phần hoàn thành nhiệm vụ mua nhập 5.500 tấn thóc và 8.500 tấn gạo, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Ngay sau khi hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mua nhập, đơn vị đã nhanh chóng thực hiện quy trình bảo quản ban đầu, đưa vào bảo quản hàng dự trữ quốc gia theo đúng quy định; Mặt khác, lãnh đạo Cục, Chi cục luôn quan tâm, kiểm tra, nhắc nhở thủ kho, kỹ thuật viên duy trì công tác bảo quản đúng theo quy định, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường, đảm bảo chất lượng và tỷ lệ hao hụt khi xuất kho. Đồng thời, việc duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại đơn vị đã góp phần cải thiện điều kiện làm việc, giúp công chức và người lao động thêm yêu ngành, yêu nghề, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trước ảnh hưởng ngày một nặng nề của thời tiết cực đoan và đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện tốt nhiệm vụ dự trữ quốc gia thì công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia luôn được quan tâm, xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Lãnh đạo Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nghĩa Bình kêu gọi tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, duy trì và đảm bảo chất lượng hàng dự trữ quốc gia góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đơn vị nhằm thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành Dự trữ Nhà nước, một chặng đường hình thành và phát triển với mục tiêu xây dựng lực lượng dự trữ quốc gia hùng hậu, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước./.
Phòng Kỹ thuật bảo quản