Những quy định mới về đấu giá tài sản

(21/06/2017)

Luật Đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 (Luật số: 01/2016/QH14), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2017, với những nội dung mới chủ yếu như sau:

Về tài sản bán đấu giá: Luật quy định tài sản bán đấu giá bao gồm tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá. Luật liệt kê cụ thể các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá, bảo đảm công khai, minh bạch. Trong số các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá, có “Tài sản là hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật về dự trữ quốc gia”.

Về nguyên tắc đấu giá tài sản và các hành vi bị nghiêm cấm: Luật quy định nguyên tắc đấu giá tài sản phải bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, khách quan, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người mua được tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản, đấu giá viên. Bên cạnh đó, cuộc đấu giá phải do đấu giá viên điều hành, trừ trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện. Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Về giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá: Luật quy định giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định tại thời điểm trước khi ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản và trước khi thành lập Hội đồng đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Giá khởi điểm của tài sản đấu giá được xác định theo quy định của pháp luật áp dụng đối với mỗi loại tài sản thuộc đối tượng phải bán thông qua đấu giá. Tài sản đấu giá được giám định theo quy định của pháp luật hoặc khi có yêu cầu của người tham gia đấu giá và được sự đồng ý của người có tài sản đấu giá. Trình tự, thủ tục giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng đối với tài sản đó. Trong trường hợp giám định theo yêu cầu thì người yêu cầu thanh toán chi phí giám định.

Về Đấu giá viên và Tổ chức đáu giá tài sản: Luật quy định tổ chức đấu giá tài sản bao gồm Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản do UBND tỉnh thành lập và doanh nghiệp đấu giá tài sản. Tuy nhiên, khác với quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản quy định doanh nghiệp đấu giá tài sản chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và thực hiện đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp. Để nâng cao chất lượng đội ngũ đấu giá viên và tính chuyên nghiệp trong hoạt động hành nghề đáp ứng yêu cầu thực tiễn, Luật đã quy định các tiêu chuẩn khắt khe hơn so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, đồng thời thu hẹp đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, theo đó, chỉ những người đã qua các khóa đào tạo về nghề nghiệp và có kỹ năng hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và lĩnh vực có liên quan như luật sư, công chứng viên, quản tài viên, Thừa phát lại... mới được miễn đào tạo.

Về quyền và nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá: Luật quy định rõ Người có tài sản đấu giá có các quyền: Giám sát quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá; tham dự cuộc đấu giá; yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá khi có căn cứ cho rằng tổ chức đấu giá tài sản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định; được yêu cầu đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá dừng cuộc đấu giá khi có căn cứ cho rằng đấu giá viên hoặc người tham gia đáu giá vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định của Luật này; đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá vô hiệu theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật về dân sự. Bên cạnh đó, Luật quy định Người có tài sản đấu giá có các nghĩa vụ: Chịu trách nhiệm về tài sản đưa ra đấu giá; ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá tài sản; giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc theo quy định của pháp luật; báo cáo cơ quan có thẩm quyền về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản, diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá tài sản nhà nước.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản: Khắc phục hạn chế, vướng mắc của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Luật đấu giá tài sản đã tách bạch quy trình bán đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức bán đấu giá, đồng thời, quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan, hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát cho tài sản nhà nước. Đây là những nội dung quan trọng nhất của Luật, được thể hiện cụ thể qua các quy định tại Điều 33 (Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản) ; Điều 34 (Quy chế cuộc đấu giá); Điều 35 (Niêm yết việc đấu giá tài sản); Điều 36 (Xem tài sản đấu giá); Điều 37 (Địa điểm đấu giá); Điều 38 (Đăng ký tham gia đấu giá); Điều 39 (Tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước); Điều 40, Điều 41, Điều 42, Điều 43 (Về các hình thức đấu giá, phương thức đấu giá); Điều 44 (Biên bản đấu giá); Điều 46 (Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá, phê duyệt kết quả đấu giá tài sản); Điều 49, Điều 59 (Đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá); Điều 52 (Đấu giá không thành);…Điều 56 (Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản); Điều 57  (Thông báo công khai việc đấu giá tài sản); Điều 58 (Công khai giá khởi điểm, phương thức đấu giá); Điều 60 (các trường hợp thành lập Hội đồng đấu giá tài sản); Điều 61, Điều 62 (Nguyên tắc hoạt động ; quyền hạn, nghĩa vụ của Hội đồng đấu giá tài sản); …

Để Luật đấu giá tài sản nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 16/05/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản. Theo đó, đã quy định cụ thể một số điều về: (i) hình thức đấu giá trực tuyến; (ii) Thủ tục cấp và quản lý thẻ đấu giá viên; (iii) và một số điều khoản chuyển tiếp, trong đó, đối với trường hợp đấu giá tài sản mà hợp đồng bán đấu giá tài sản đã được ký kết trước ngày Luật đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành và đã thực hiện việc niêm yết, thông báo công khai nhưng chưa tổ chức cuộc đấu giá thì việc tổ chức cuộc đấu giá được thực hiện theo quy định của Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản./.

 

                                                                    Vụ Chính sách và Pháp chế

                                                                     Tổng cục Dự trữ nhà nước



Các tin đã đưa ngày: