CHÍNH PHỦ
------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------------------
|
Số: 03/2010/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 13 tháng 01 năm 2010
|
NGHỊ ĐỊNH
Quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ,
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
______
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Nghị định này quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức thống kê Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Thống kê Bộ, Ngành).
2. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc tổ chức Thống kê Bộ, Ngành.
Điều 2. Vị trí và chức năng
1. Thống kê Bộ, Ngành là đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, ngành, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành quản lý công tác thống kê và tổ chức hoạt động thống kê thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách.
2. Thống kê Bộ, Ngành là bộ phận của hệ thống tổ chức thống kê nhà nước, chịu sự hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ thống kê của Tổng cục Thống kê.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thống kê Bộ, Ngành
1. Tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành xây dựng hệ thống thông tin thống kê của Bộ, Ngành.
2. Xây dựng chương trình, dự án về thống kê của Bộ, Ngành và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê của Bộ, Ngành theo quy định của pháp luật.
4. Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Danh mục các cuộc điều tra thống kê trong Chương trình điều tra thống kê quốc gia được phân công và các cuộc điều tra phục vụ yêu cầu quản lý, điều hành của Bộ, Ngành; xây dựng phương án điều tra thống kê, sau khi được Tổng cục Thống kê thẩm định về chuyên môn nghiệp vụ, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành phê duyệt; tổ chức thực hiện các cuộc điều tra theo phương án đã được phê duyệt.
5. Xây dựng Chế độ báo cáo thống kê cơ sở, Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực phụ trách áp dụng đối với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, sau khi được Tổng cục Thống kê thẩm định về chuyên môn nghiệp vụ, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành ban hành; phổ biến, tập huấn và hướng dẫn thực hiện các Chế độ báo cáo thống kê đã được ban hành.
6. Tổ chức thu thập, tổng hợp, phân tích, dự báo, phổ biến và lưu trữ thông tin thống kê theo kế hoạch thông tin của Bộ, Ngành, đáp ứng yêu cầu thông tin thống kê tổng hợp chung của Tổng cục Thống kê và nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
7. Tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành thống nhất quản lý và công bố thông tin thống kê theo quy định của pháp luật.
8. Biên soạn Báo cáo thống kê định kỳ hàng tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng và cả năm, Báo cáo phân tích thống kê chuyên đề và đột xuất, Niên giám thống kê chuyên ngành hàng năm, hệ thống số liệu thống kê nhiều năm và các sản phẩm thông tin thống kê khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các chế độ báo cáo thống kê thuộc lĩnh vực Bộ, Ngành quản lý theo quy định.
9. Phối hợp với tổ chức Thanh tra, Kiểm tra của Bộ, Ngành xây dựng, trình Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành phê duyệt kế hoạch kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về thống kê của cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, Ngành và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiến nghị các biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thống kê; đề xuất khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác thống kê.
10. Tham mưu giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động thống kê; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức thống kê của Bộ, ngành trình Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành phê duyệt.
11. Tổ chức bồi dưỡng, cập nhật nghiệp vụ thống kê, tin học, ngoại ngữ và các kiến thức khác liên quan đến công tác thống kê cho cán bộ, công chức, viên chức thống kê của Bộ, Ngành, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thuộc lĩnh vực phụ trách và người làm công tác thống kê ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức thuộc Bộ, Ngành quản lý.
12. Tổ chức nghiên cứu và triển khai các đề tài khoa học về lĩnh vực thống kê; ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông vào công tác thống kê của Bộ, Ngành.
13. Tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác thống kê và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành.
14. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành giao.
Điều 4. Tổ chức Thống kê Bộ, Ngành
1. Căn cứ Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Chương trình điều tra thống kê quốc gia và Chế độ báo cáo thống kê tổng hợp áp dụng đối với Bộ, Ngành, yêu cầu thông tin thống kê phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành và nhu cầu về thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân, Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành quyết định thành lập Phòng Thống kê trực thuộc đơn vị chức năng hoặc trình Chính phủ thành lập Vụ, Cục thực hiện chức năng, nhiệm vụ thống kê theo quy định của pháp luật.
2. Được bảo đảm nhân sự đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; được ưu tiên đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ và phương pháp thống kê tiên tiến vào công tác thống kê Bộ, Ngành.
3. Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành chịu trách nhiệm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Thống kê Bộ, Ngành.
Điều 5. Người làm công tác thống kê Bộ, Ngành
1. Người làm công tác thống kê Bộ, Ngành là cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống thống kê nhà nước; được giao nhiệm vụ triển khai hoạt động thống kê trong Bộ, Ngành.
2. Người làm công tác thống kê Bộ, Ngành có các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Thống kê.
3. Người làm công tác thống kê của Bộ, Ngành độc lập về chuyên môn nghiệp vụ thống kê và có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về thống kê; thực hiện và chịu trách nhiệm về các hoạt động thống kê được phân công.
4. Người làm công tác thống kê Bộ, Ngành được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, công nghệ thông tin, ngoại ngữ và kiến thức thuộc các lĩnh vực khác nhằm phục vụ công tác thống kê; được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2010.
2. Bãi bỏ khoản 2 Điều 21 Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Đối với Bộ, Ngành đã tổ chức bộ máy thống kê chuyên trách theo quy định tại Nghị định số 40/2004/NĐ-CP ngày 13 tháng 02 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê hoặc theo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, Ngành, Bộ trưởng, Thủ trưởng Ngành rà soát tổ chức thống kê hiện có để hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (5b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG
(đã ký)
Nguyễn Tấn Dũng
|
Văn bản đính kèm:
|
|