Bài viết kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/2020): Đảng trong cuộc sống hôm nay

(03/02/2020)

Đất nước bước vào xuân mới 2020 đúng vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, Đảng ra đời vào mùa Xuân, mùa Xuân của Đất nước và Dân tộc. Mỗi chúng ta càng thêm tự hào, phấn khởi bởi dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự đồng thuận của Nhân dân, đất nước ta tiếp tục gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Thế và lực của đất nước ngày càng đi lên. Công tác xóa đói, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, trong đó đáng chú ý là những chủ trương, chính sách hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng, cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã góp phần thực hiện tốt nghị quyết của Đảng, thể hiện chủ trương “tất cả vì lợi ích nhân dân”, "không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

Xuất cấp gạo DTQG không thu tiền cho đồng bào thiểu số ở vùng đặc biệt khó khăn

 

Một chính sách hợp lòng dân được cụ thể hóa từ chủ trương sâu rộng của Đảng

Nghị quyết số 24 – NQ/TW của Ban chấp hành trung ương Đảng khóa IX tại hội nghị lần thứ 7 về công tác dân tộc đã đánh giá tình hình các dân tộc thiểu số và công tác dân tộc thời gian qua:“Kinh tế lâm nghiệp chuyển biến chậm, chính sách đối với lâm nghiệp chưa thật sự bảo đảm cho đồng bào sống và gắn bó với nghề rừng. Nhiều nơi môi trường sinh thái đang tiếp tục bị suy thoái. Ở  nhiều vùng dân tộc và miền núi, tỉ lệ đói nghèo hiện còn cao so với bình quân chung của cả nước; khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, giữa các dân tộc ngày càng tăng; chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp”.

Từ đó, Nghị quyết đã xác định nhiệm vụ cấp bách cần thực hiện là:“ ...Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; trong những năm trước mắt tập trung trợ giúp đồng bào nghèo, các dân tộc đặc biệt khó khăn giải quyết ngay những vấn đề bức xúc như : tình trạng thiếu lương thực…”  

Ngày 30-10-2019, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới. Cụ thể hóa Nghị quyết 24 – NQ/TW, Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn Dự trữ quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia trồng rừng, cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn sống trên dải chữ S của đất nước Việt Nam. Có thể kể ra một số các quyết định như: Quyết định số 119/QĐ-TTg ngày 20/01/2009 về cấp phát gạo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng tại 68 xã thuộc 4 huyện vùng cao núi đá tỉnh Hà Giang trong giai đoạn 2008-2015; Quyết định số 552/QĐ-TTg về việc xuất cấp không thu tiền gần 3000 tấn gạo/năm với thời gian là 6 năm từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng; Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 30/5/2014 về cấp phát gạo cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng tại 10 xã thuộc huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang trong giai đoạn 2014-2018; Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Nhìn lại thời gian qua, những chương trình sử dụng nguồn lực DTQG hỗ trợ nhân dân mà Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) được giao là đơn vị chủ trì đang thực hiện rất tốt, rất kịp thời, đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, theo nghị quyết của Đảng, thể hiện chủ trương “tất cả vì lợi ích nhân dân” và mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Ý Đảng xuất phát từ lòng dân

Cán bộ ngành DTNN đã không quản nắng mưa, vất vả đưa những chuyến hàng đến với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Hà Giang, Thanh Hóa, Bắc Giang... Chính sách hỗ trợ gạo DTQG đến tay đồng bào thiểu số đã kịp thời cung cấp lương thực để bà con yên tâm sống và gắn bó lâu dài với nghề rừng, hạn chế tình trạng di dân tự do, chặt phá rừng, ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái.

Các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khắp các tỉnh thành trong cả nước đã “ấm cái bụng” để yên tâm đến trường khi được nhận gạo hỗ trợ từ Chính phủ. Chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, cho vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Bằng chính sách này, vòng xích trói chặt đồng bào dân tộc thiểu số bao đời nay đó là: đói nghèo – thất học, lạc hậu – đói nghèo đã được đột phá. Khi học sinh có đủ cái ăn, yên tâm đi học, chất lượng giáo dục nhờ đó được cải thiện, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói nghèo, thất học, lạc hậu. Đây là chính sách hợp lòng dân, đi vào thực tiễn cuộc sống, được nhân dân và các em học sinh hết sức phấn khởi đón nhận.

Thực tiễn cho thấy, một khi đường lối chủ trương của Đảng phù hợp với lợi ích của Nhân dân, hay nói cách khác mọi việc làm của Đảng vì Nhân dân thì Nhân dân luôn tin và một lòng theo Đảng. Ngay sau khi non sông thống nhất, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội “tất cả vì lợi ích nhân dân”.

 

Gạo DTQG hỗ trợ cho các đồng bào dân tộc thiểu số tự nguyện trồng,

chăm sóc, bảo vệ rừng (ảnh minh họa).

 

Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Đặc biệt, thêm một lần nữa, Nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XI đã khẳng định: “Chính sách xã hội đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bởi vậy, những chính sách xuất cấp không thu tiền gạo DTQG hỗ trợ học sinh dân tộc ở các vùng đặc biệt khó khăn và chính sách hỗ trợ gạo DTQG cho đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng chính là những chính sách thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng, phù hợp với lòng dân và tới đây, cần được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, tự hào về Đảng quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, mỗi cán bộ, đảng viên ngành DTNN và mỗi người dân Việt Nam càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, nguyện đi theo Đảng, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hòa bình và thịnh vượng.

 

Lê Văn Dương - Chánh văn phòng Tổng cục DTNN



Các tin đã đưa ngày: