Tuyên truyền về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia (sau khi Quốc hội thông qua dự án Luật)

(12/12/2024)

Tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 29/11, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách Nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ Quốc gia.

 

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

 

Do phạm vi liên quan đến lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính và thuế thu nhập cá nhân, Luật mới được trình Quốc hội thông qua chiều ngày 29/11 sửa đổi 9 luật thay vì 7 luật như phương án ban đầu Chính phủ trình Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung Dự án Luật, Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo của Bộ Tài chính đều khẳng định, trong quá trình triển khai xây dựng dự án luật, Chính phủ đã rà soát để đảm bảo các quy định trình Quốc hội sửa đổi là những vấn đề cần thiết, cấp bách, có khả năng triển khai thực hiện ngay để giải quyết các khó khăn, ách tắc hiện nay, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các đề xuất chính sách và nội dung đề xuất sửa đổi đã được tổng kết, đánh giá tác động, lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp,… Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có kết luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo rà soát các nội dung, chính sách thực sự cần thiết để báo cáo Quốc hội xem xét, sửa đổi tại Kỳ họp này. Các cơ quan đã rà soát, tiếp thu các ý kiến tham gia đối với Dự thảo luật.

Sau khi Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách trình bày, Quốc hội đã thông qua Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính với tỷ lệ 92,9% (có 450 đại biểu tham gia biểu quyết chiếm 93,95% tổng số đại biểu; trong đó, có 445 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành) và chính thức trở thành Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 với 11 Điều khoản.

Đối với Lĩnh vực Dự trữ quốc gia (DTQG), Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) đã đề xuất và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa 02 nội dung lớn, quan trọng vào dự án Luật để trình Quốc hội và đã được Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội XV, cụ thể:

Một là, bổ sung thêm tình huống Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định xuất cấp hàng DTQG để phục vụ cho hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Việc bổ sung này là để hoàn thiện cơ sở pháp lý và đáp ứng yêu cầu từ thực tế phát triển đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế của đất nước ngày càng sâu rộng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Hai là, sửa đổi về thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương để mua bù hàng DTQG sau khi xuất cấp, đang từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành giao cho Thủ tướng Chính phủ quyết định. Sửa đổi này một mặt sẽ là cải cách lớn về thủ tục hành chính, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện. Mặt khác giúp cho việc thực hiện nguyên tắc “Hàng DTQG sau khi xuất cấp phải được bù lại đủ, kịp thời” được thực hiện triệt để, kịp thời. Quy định này sẽ giúp cho Nhà nước duy trì đủ nguồn lực DTQG để chủ động ứng phó với các tình huống đột xuất, cấp bách.

Những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật DTQG số 22/2012/QH13 được thể hiện tại Điều 7, Luật số 56/2024/QH15 ngày 29/11/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, cụ thể:

“Điều 7. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dự trữ quốc gia

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

Điều 3. Mục tiêu của dự trữ quốc gia

Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.”.

1. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 Điều 13 như sau:

“d) Quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp trong năm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.”.

3. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 35 như sau:

a) Bổ sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 như sau:

“đ) Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.”;

b) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 như sau:

“d) Trường hợp xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hoặc các bộ, ngành phối hợp với Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.”.

4. Bãi bỏ điểm b khoản 2 Điều 12 và điểm d khoản 1 Điều 13. ”.

Như vậy, với việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (1 Luật sửa 9 Luật) đã giải quyết được các khó khăn, điểm nghẽn hiện nay đối với lĩnh vực dự trữ quốc gia nói riêng cũng như lĩnh vực tài chính nói chung, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 07/8/2024 tại phiện họp Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật./.

 

Vụ Chính sách và Pháp chế