Kể từ khi rời khỏi ghế giảng đường cho đến nay cũng được gần 12 năm tôi được làm việc trong ngành Dự trữ Nhà nước, đây có lẽ cũng là một cơ duyên của bản thân với Ngành, đơn vị, một công việc hoàn toàn mới mẻ với bản thân khi ấy. Những kỷ niệm của ngày đầu khi đứng chân trong hàng ngũ những “chiến sỹ” Dự trữ vẫn còn in đậm trong tâm trí của chàng sinh viên ngành Bảo quản chế biến mới ra trường với sự nhiệt huyết, mong muốn cống hiến của tuổi đôi mươi. Những ngày đầu, tôi được phân công làm công tác kỹ thuật viên bảo quản tại Chi cục Dự trữ Nhà nước Đắk Lắk, khi đó Chi cục đang trong quá trình xây dựng kho mới đầy ngổn ngang, con đường vào đơn vị đầy bùn đất, lầy lội dưới cơn mưa tháng 6 của Tây Nguyên, … trong tôi khi ấy cũng có gợn đôi chút băn khoăn (không giống như mơ ước những điều “to lớn” khi còn ngồi trên ghế giảng đường), những câu hỏi đặt ra trong lòng: công việc mới như thế nào, phải làm những công việc mới ra sao, liệu bản thân có làm tốt công việc được đơn vị phân công? … Dường như thấu hiểu được tâm trạng của “lính” mới vào Ngành nên lãnh đạo Chi cục, công đoàn cơ sở, đoàn thanh niên cùng các cô, chú, anh chị đồng nghiệp luôn quan tâm, động viên tận tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm nên bản thân cảm nhận được tình cảm ấm áp lan tỏa của “Gia đình Dự trữ”.
Sau 01 năm tập sự, làm quen với công việc bảo quản, kiểm tra chất lượng hàng dự trữ quốc gia, từ lúc nào không hay bản thân yêu những công việc có phần thầm lặng này, muốn gắn bó, cống hiến hết mình để hoàn thành công việc chung, được phục vụ nhân dân trên địa bàn Tây Nguyên đầy nắng và gió. Trong quá trình công tác, tôi được biết và học hỏi nhiều công việc mang tính chất đặc thù của ngành Dự trữ, mà có lẽ không có ngôi trường nào đào tạo và giảng dạy chi tiết và cụ thể như vậy, nói đến đây thì mọi người làm trong ngành Dự trữ đều biết đó là những công việc như: dán màng, kê lót kho tàng, khử trùng kho, dò độ kín của màn,... và rất nhiều các công việc khác nữa, có nhiều lúc tôi cảm thấy ngành của mình đang làm việc như là một nghề đa năng vậy.
Phó Tổng cục trưởng Bùi Thúy Ngọc Kiểm tra công tác nhập
gạo dự trữ quốc gia năm 2022 tại Chi cục DTNN Đắk Lắk
Thấm thoát đã 12 năm công tác trong ngành Dự trữ, trong khoảng thời gian 12 năm đó có rất nhiều kỷ niệm đậm sâu trong tâm trí tôi. Nhưng có lẽ, hình ảnh những ánh mắt vui sướng của người dân khi nhận được hạt gạo của Chính phủ, hạt gạo nghĩa tình giúp người dân vơi bao khó khăn khi trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh, giúp các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc thiểu số được tiếp tục cắp sách đến trường để nuôi những ước mơ xây dựng Tây Nguyên ngày một ấm no hơn. Gần đây nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngay khi nhận được nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao cho Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên xuất cấp (không thu tiền) 2.895,66 tấn gạo hỗ trợ người dân các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Tây Ninh. Đơn vị đã chủ động phối hợp với các sở, ngành của các tỉnh thống nhất kế hoạch giao nhận gạo, liên hệ các đơn vị vận chuyển, đội ngũ bốc xếp (lúc này các phương tiện vận chuyển, bốc xếp đa phần là đã nghỉ Tết nên rất khó khăn), cộng thêm tình hình dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại địa phương.
Tuy nhiên, cùng với sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy đảng, lãnh đạo đơn vị và tinh thần của cán bộ công chức của đơn vị, tất cả vì cái Tết ấm no của người dân nên đã đoàn kết, tự nguyện tạm gác lại cái Tết của gia đình (có người đến tận sáng 30 âm lịch mới trở về) để cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao phó.
Công tác kiểm nghiệm chất lượng gạo DTQG nhập kho năm 2022
Trong không khí vui mừng chào đón kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên, hình ảnh “Người chiến sỹ” với bao hy sinh thầm lặng như lời bài hát Bài ca ngành Dự trữ Quốc gia như vang mãi trong tim, đây cũng là hành trang, kim chỉ nam để thế hệ trẻ chúng tôi tiếp tục viết lên những trang viết hào hùng, đầy tự hào của ngành Dự trữ Nhà nước./.
Tô Như Phú – Chi cục DTNN Đắk Lắk